Chiến tranh hạt nhân và thảm họa môi trường

ThienNhien.Net – Chiến tranh hạt nhân, dù chỉ xảy ra trên quy mô nhỏ, ở mức cục bộ, cũng để lại cho môi trường, nhất là khí hậu toàn cầu những vết thương dai dẳng, kéo dài đến hàng thập kỷ. Điều này đã được một nhóm nhà khoa học khẳng định sau khi nghiên cứu hậu quả các cuộc chiến dạng này gây ra trong quá khứ.

Nguy hiểm hơn cả biến đổi khí hậu 

Trong phạm vi khí hậu, ông Alan Robock, phó giám đốc Trung tâm Dự báo Môi trường (CEP) tại Đại học Cook, Viện Đại học Rutgers (Mỹ), cho biết một vụ nổ hạt nhân có thể khiến nhiệt độ nhiều vùng trên Trái đất biến động mạnh, làm biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn. Thậm chí, nó còn nguy hiểm hơn cả hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Dựa vào kho dữ liệu lịch sử và khoa học, Robock và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành một loạt mô phỏng điện toán về những hiện tượng khí hậu bất thường có thể xảy ra khi kịch bản chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan thành hiện thực.

Theo ông David Albright, Viện Khoa học và An toàn Quốc tế và ông Robert S. Norris, Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên, ước tính thì Ấn Độ có khoảng 50 – 60 vũ khí hạt nhân, còn Pakistan có chừng 60 vũ khí. Các cuộc thử vũ khí của hai nước này chứng tỏ rằng sức công phá từ mỗi vũ khí của họ tương đương 15.000 tấn TNT (bằng quả bom nguyên tử “Little Boy” Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản tháng 8/1945).

Ảnh minh họa: Sodahead.com
Nổ hạt nhân là mối nguy hại lớn nhất đối với môi trường toàn cầu (Ảnh minh họa: Sodahead.com)

Giả sử chiến tranh nổ ra, mỗi bên dùng 50 vũ khí hạt nhân dội vào thành phố đối phương chắc chắn sẽ sinh ra một lượng áp suất, bức xạ nhiệt, bức xạ ion và bụi phóng xạ khổng lồ. Và chỉ tính riêng lượng khói bụi thoát ra từ vụ nổ ấy đã có khả năng làm nhiệt độ ở phần lớn các khu vực thuộc Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á giảm khoảng 2 độ C. Những lớp khói đen từ các đám cháy sẽ bay lên tầng khí quyển cao, hấp thụ mọi tia sáng mặt trời, dẫn đến tình trạng tối tăm, nhiệt độ và lượng mưa giảm, thậm chí cả sự thu hẹp tầng ozone mà cho tới 10 hay hơn 10 năm sau cũng không thể khôi phục được.

Còn theo ông Duncan Clark của tờ Guardian thì dù là một cuộc trao đổi hạt nhân cực kỳ giới hạn, chỉ sử dụng 1/1000 lượng vũ khí của một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô đầy đủ cũng đã đổ vào bầu khí quyển tới 690 triệu tấn CO2 – lớn hơn con số trung bình cả năm của nước Anh…

Ngoài những tổn hại về môi trường không thể đo đếm hết, chiến tranh hạt nhân dĩ nhiên là nguyên nhân trực tiếp gây ra những thảm họa đối với tính mạng và sức khỏe con người.

Trong một nghiên cứu của trường Đại học Colorado (Mỹ), các nhà khoa học đã phân tích mức độ ảnh hưởng đến con người dựa trên nguồn dữ liệu về số lượng vũ khí hạt nhân hiện có và mật độ dân cư tại các thành phố lớn trên thế giới. Họ chỉ tập trung vào ảnh hưởng của những đám khói đen thoát ra từ một vụ nổ hạt nhân đi kèm những cơn bão lửa và đưa ra kết luận là với một xung đột khu vực, một quốc gia có thể bị thiệt hại khoảng từ 2,6 triệu đến 16,7 triệu sinh mạng.

Chính kẻ trong cuộc làm ngơ

Mặc dù biết mười mươi hậu quả kinh khủng của chiến tranh hạt nhân đối với môi trường và con người, song những quốc gia đang theo đuổi và tôn thờ học thuyết hạt nhân như Mỹ rất ít khi đoái hoài đến nó. Bằng chứng là trong chính sách hạt nhân hiện hành của Mỹ mang tên Nuclear Posture Review (Tạm dịch là “Rà soát lại chính sách hạt nhân”) không hề đề cập đến những tổn hại trong trường hợp quốc gia này huy động kho vũ khí hạt nhân để giải quyết xung đột.

Một trong những suy nghĩ cực đoan rằng nếu cả Mỹ và Nga đều triển khai kho vũ khí hạt nhân thì môi trường sống trên Trái đất hầu như sẽ bị hủy diệt. Thực tế, các mô hình điện toán của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã cho thấy rõ chỉ cần một bên Washington hay Moscow châm ngòi nổ hạt nhân thôi đã đủ khiến môi trường bị hủy hoại ghê gớm, nông nghiệp không canh tác được và thổi bùng nạn đói khắp toàn cầu.

Bài viết “Local Nuclear War: Global Suffering” (Tạm dịch là “Chiến tranh hạt nhân cục bộ: Hệ lụy toàn cầu”) của hai tác giả Alan Robock và Owen Brian Toon cũng đã đưa ra những con số cảnh báo kinh khủng với kịch bản chiến tranh hạt nhân Ấn Độ và Pakistan bùng nổ.

Đáng nói là vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá sâu hơn về những hệ lụy môi trường của chiến tranh hạt nhân. Quay trở lại thập niên 1980, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Ủy ban Khoa học về các vấn đề môi trường đã triển khai những nghiên cứu lớn về cái gọi là “mùa đông hạt nhân”. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó đánh giá chưa đúng tầm ảnh hưởng của chiến tranh hạt nhân đối với môi trường và nhất là khí hậu.

Nhu cầu thực tế đặt ra yêu cầu 40 nước hiện đang sở hữu lượng pluton/urani đủ nhiều để tạo nên những kho hạt nhân lớn, đặc biệt là Mỹ và Nga – hai cường quốc gia hạt nhân, sở hữu tới 95% kho vũ khí hạt nhân của thế giới, nên có những nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá cụ thể hậu quả mà các xung đột hạt nhân dù lớn hay nhỏ để lại cho môi trường cũng như cuộc sống con người.

Và điều lý tưởng hơn cả mà loài người trên khắp toàn cầu trông đợi ở các quốc gia này, đó là họ có thể ngồi vào đàm phán và cùng thỏa thuận cho một thế giới phi hạt nhân.