Bụi than phủ xóm làng, dân ‘lập chiến lũy’ phong tỏa

ThienNhien.Net – Bức xúc trước việc doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường, người dân ‘lập chiến lũy’ phong toả đường vào bãi tập kết.

Trong 2 ngày (5 và 6/1), hàng trăm người dân thôn Đá Bạc, xã Lưu Kỳ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã cùng nhau vận chuyển gạch đá, dựng lều bạt, lập “biển cảnh báo” trên đường đê Đá Bạc, dài khoảng 1,8km – lối ra vào của hàng loạt doanh nghiệp, sản xuất than đá, than củi, đóng tàu gây ô nhiễm môi trường để phản đối và yêu cầu những doanh nghiệp này phải có các biện pháp bảo vệ môi trường mới cho tiếp tục sản xuất.

Bụi than phủ kín xóm làng

Theo phản ánh của người dân, trong những năm qua, khu bến bãi ven sông Đá Bạc, có một số doanh nghiệp, hộ cá nhân thuê đất kinh doanh, sản xuất, chế biến than mỏ, than hoa, đóng tàu. Những đống than được tập kết cao như núi, máy móc hoạt động suốt ngày đêm khiến bụi bay khắp khu dân cư, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân, trong khi khu dân cư sinh sống chỉ cách các bãi than khoảng 50m – 100m.

Khi đêm xuống, nhiều doanh nghiệp sản xuất than hoạt động gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi của người dân. Cuộc sống của người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng, các mái nhà, vườn cây phủ kín bụi than, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, cây trồng, vật nuôi của người dân cũng bị giảm sản lượng, giảm năng suất…

Đối thoại xong, đâu lại vào đó, người dân bức xúc buộc phải 'lập chiến lũy' để ngăn cản và phản đối. (Ảnh: MK )
Đối thoại xong, đâu lại vào đó, người dân bức xúc buộc phải ‘lập chiến lũy’ để ngăn cản và phản đối. (Ảnh: MK )

Đã nhiều lần người dân phản ánh, kiến nghị đến các doanh nghiệp, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng, gần đây nhất là đầu tháng 11/2014, tuy nhiên đến nay không được khắc phục và giải quyết. Bức xúc trước tình trạng trên, người dân cùng nhau “lập chiến lũy” để ngăn cản và phản đối.

Sáng 6/1, đoàn công tác của huyện Thủy Nguyên, lãnh đạo xã và đại diện các doanh nghiệp đã tổ chức buổi đối thoại với người dân để giải quyết vụ việc “dân lập chiến lũy” nêu trên.

Ông Lại Văn Long – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thủy Nguyên tiếp thu và tổng hợp 6 kiến nghị chính đáng của người dân và đã có ý kiến giải quyết trước mắt đối với vụ việc này.

Theo quan sát của PV, dọc tuyến đường được phủ một màu đen than đá, mỗi khi các phương tiện di chuyển qua đây lại cuộn theo bụi than bay vào khu dân cư. (Ảnh MK)
Theo quan sát của PV, dọc tuyến đường được phủ một màu đen than đá, mỗi khi các phương tiện di chuyển qua đây lại cuộn theo bụi than bay vào khu dân cư. (Ảnh MK)

Theo đó, trong thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than, doanh nghiệp đóng tàu tại khu vực này đã không tuân thủ các quy định, tập kết những đống than cao như núi, không có bạt che chắn, khi có gió bụi than cuốn bay vào khu dân cư; khi sản xuất, tiếng ồn, khói bụi phát tán ra môi trường, phương tiện vận chuyển than rơi vãi dọc đường.

Trong đó có cả doanh nghiệp đóng tàu phun cát, khiến cả tuyến đường dài gần 2km và phía trong là khu dân cư của 2 thôn phải chịu cảnh “sống chung với lũ” bởi khói bụi than, cát, tiếng máy, tiếng xe vận chuyển than đá nườm nượp suốt ngày đêm.

Người dân vận chuyển gạch đá chặn ngang được không cho xe tải lớn của các doanh nghiệp qua lại, chỉ có xe máy là lưu thông được qua đoạn đường này. (Ảnh MK)
Người dân vận chuyển gạch đá chặn ngang được không cho xe tải lớn của các doanh nghiệp qua lại, chỉ có xe máy là lưu thông được qua đoạn đường này. (Ảnh MK)

Điều người dân kỳ vọng, mong muốn trong buổi đối thoại là có ý kiến cam kết của chủ các doanh nghiệp khắc phục cũng như chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chỉ cử người đại diện đến nghe chứ không có ý kiến phát biểu hay cam kết nào trước người dân.

Ông Long cho biết, nếu doanh nghiệp tiếp tục để xảy ra ô nhiễm môi trường vượt ngưỡng cho phép sẽ kiến nghị cơ quan chức năng đóng cửa doanh nghiệp đó. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp tình thế để người dân yên tâm dỡ bỏ “chiến lũy”, để các phương tiện lưu thông trên đường, tránh ách tắc, cản trở giao thông.

Tuy nhiên, người dân đã không đồng ý, bởi theo họ thì đó cũng chỉ là những giải pháp chung chung của cơ quan chức năng, còn doanh nghiệp thì chưa có cam kết gì và đây cũng không phải là lần đầu tiên vì cơ quan chức năng, doanh nghiệp về đối thoại, hứa với dân xong rồi lại thôi chứ không giải quyết dứt điểm vụ việc, gây bức xúc cho người dân.

Đào Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Lưu Kỳ sẽ tiếp tục 'động viên' nhân dân 'lập chiến lũy' nếu doanh nghiệp cố tình không thực hiện những cam kết với người dân. (Ảnh MK)
Đào Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Lưu Kỳ sẽ tiếp tục ‘động viên’ nhân dân ‘lập chiến lũy’ nếu doanh nghiệp cố tình không thực hiện những cam kết với người dân. (Ảnh MK)

Chủ tịch xã tiếp tục huy động dân “lập chiến lũy”

Cũng tại buổi làm việc, ông Đào Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Lưu Kỳ yêu cầu các doanh nghiệp ngay lập tức phải hạ thấp độ cao các đống than từ 3-5m; việc xay nghiền than phải di chuyển ra ngoài mép sông (tạm thời) và có phương tiện che chắn không được để phát tán khói bụi than bay vào khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, các phương tiện vận chuyển ra vào các doanh nghiệp không được hoạt động từ 22h giờ hàng ngày. Ông Lợi sẽ chỉ đạo lực lượng Công an xã giám sát suốt đêm, nếu phát hiện sẽ xử lý.

Nếu doanh nghiệp cố tình không thực hiện những yêu cầu của huyện và xã, ông Lợi sẽ chỉ đạo nhân dân tiếp tục “lập chiến lũy” tại con đường này. Bởi vì, 2 ngày qua, ông Lợi thừa nhận bị dân chửi quá nhiều.

“Mình không làm được cho dân, dân chửi là đúng”. – Ông Lợi thẳng thắn thừa nhận.

Đồng thời, ông Lợi đề nghị Đảng ủy xã sẽ thành lập đoàn kiểm tra, xác minh phản ánh của người dân về việc cán bộ xã nhận tiền của doanh nghiệp nên làm ngơ để doanh nghiệp vi phạm. “Nếu phát hiện có cán bộ sai phạm sẽ xử lý nghiêm” – Ông Lợi khẳng định.

Người dân vẫn sẽ tiếp tục duy trì 'chiến lũy' cho đến khi doanh nghiệp thực hiện ngay những cam kết. (Ảnh MK) 
Người dân vẫn sẽ tiếp tục duy trì ‘chiến lũy’ cho đến khi doanh nghiệp thực hiện ngay những cam kết. (Ảnh MK)

Theo thông tin của PV VTC News, đến cuối giờ chiều 6/1, người dân vẫn “lập chiến lũy” và duy trì lực lượng trên con đường này, chỉ đến khi nào các doanh nghiệp thực hiện ngay những cam kết và yêu cầu của lãnh đạo Phòng TMNT, lãnh đạo xã và người dân tại buổi đối thoại sáng 6/1 thì người dân mới tự nguyện tháo dỡ lều bạt, vận chuyển gạch đá ra khỏi con đường để doanh nghiệp hoạt động.