Bộ Xây dựng “bật đèn xanh” phá vỡ cảnh quan Hồ Gươm

Ngay sát Hồ Gươm, Hà Nội người ta đang định xây dựng khu “Trung tâm tài chính thương mại Tập đoàn Điện lực VN” . Tòa nhà dự kiến cao 14 tầng (54 m) này sẽ phá vỡ cảnh quan cần bảo vệ ở trung tâm truyền thống của thủ đô

Dự án “Trung tâm tài chính thương mại Tập đoàn Điện lực VN” tại địa chỉ 69 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội đang được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tiến hành công tác chuẩn bị và công khai trước dư luận. Ngay lập tức, người dân thành phố và giới chuyên môn lo ngại cảnh quan xung quanh Hồ Gươm sẽ bị “tấn công”. Và trên thực tế, những thông tin ban đầu về dự án đã có nhiều biểu hiện vi phạm nghiêm trọng quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận. UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội báo cáo những diễn biến liên quan tới vụ việc.

Khó hiểu?

Thông tin về dự án tòa nhà cao 54 m sát Hồ Gươm vừa được tung ra, dư luận đã đặt một câu hỏi lớn: Cơ quan nào cho phép và bật đèn xanh cho chủ đầu tư lập dự án? Câu trả lời có ngay tại Thông báo số 200/TB-BXD của Bộ Xây dựng về kết luận của Thứ trưởng Trần Ngọc Chính tại cuộc họp ngày 11/07/2007, xung quanh dự án “Trung tâm tài chính thương mại Tập đoàn Điện lực VN”.

Theo đó, Bộ Xây dựng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng công trình để “tạo quần thể kiến trúc có tính thẩm mỹ cao, làm đẹp cảnh quan, phát triển không gian thương mại, phục vụ nhân dân thủ đô, khách tham quan du lịch khu vực Hồ Gươm”.

Điều đáng nói là Bộ Xây dựng vẫn khẳng định, khu vực Hồ Gươm là trung tâm truyền thống của thủ đô, cần phải bảo đảm các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại biện minh và quyết định bật đèn xanh cho EVN với lý do: “Xung quanh công trình này đã có nhiều vườn hoa, cây xanh, mặt nước nên mật độ xây dựng của công trình có thể đạt tới 65%-70%”.

Chưa hết, Bộ Xây dựng còn tỏ ra ủng hộ một cách khó hiểu khi cho rằng, đối với khối công trình giáp phố Đinh Tiên Hoàng, chiều cao có thể chấp nhận được từ 16-18 m. Bởi theo bộ này: “Điểm nhìn chính của công trình là từ phía Hồ Gươm (phố Đinh Tiên Hoàng) nên chiều cao các khối công trình phía sau có thể được nâng dần lên với khối công trình. Khối công trình giáp với phố Lý Thái Tổ (phía sau tòa nhà) sẽ là khối công trình cao nhất với mức tối đa có thể lên tới 14 tầng (54 m). Và “phóng tay hơn”, ở chỉ tiêu hệ số sử dụng đất, Bộ Xây dựng đồng ý từ 4-4,5 lần.

Bộ Xây dựng còn vẽ đường cho EVN khi tuyên bố: “Để tổ hợp kiến trúc quan trọng này đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, chủ đầu tư nên áp dụng thi tuyển thiết kế, kiến trúc…”.

Người làm quy hoạch quên quy hoạch

Bộ Xây dựng đã vô tình hay hữu ý khi không nhớ đã từng ra văn bản phê duyệt quy hoạch cách đây hơn 10 năm trước để bảo vệ Hồ Gươm? (Quy hoạch chi tiết khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 448 ngày 03/081996). Chính từ văn bản này mà trước đây nhiều chủ đầu tư đã khóc dở mếu dở vì không thực hiện được ý đồ thiết kế như khách sạn Vàng, tòa nhà Hàm Cá Mập…

Theo quy hoạch mà Bộ Xây dựng đã công bố, lô đất đề nghị xây dựng “Trung tâm tài chính thương mại Tập đoàn Điện lực VN” đánh số 15, được bao bọc bởi các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng – Lò Sũ – Trần Nguyên Hãn – Lý Thái Tổ với diện tích 28.000m2. Ở lô đất này, mật độ xây dựng cho phép 64%, số tầng cao trung bình là 3,8, hệ số sử dụng đất là 2,39…

Theo quy hoạch do chính Bộ Xây dựng ban hành, khu vực bên trong ô phố có chiều cao công trình thấp hơn 24 m, khu vực bên ngoài ô phố có chiều cao công trình thấp hơn 20 m; khu vực quanh hồ có chiều cao công trình thấp hơn 16 m… Chính từ những quy định này đã đặt câu hỏi: Phải chăng Bộ Xây dựng đã phản bác lại chính mình để đồng tình cho tổ hợp kiến trúc “quan trọng” ở khu vực Hồ Gươm có thể cao tới 54 m?

Và điều có tính quyết định loại bỏ công trình này là mục đích sử dụng đất tại lô 15 là đất cơ quan, trường học, tuyệt đối không thể xây dựng trung tâm dịch vụ, kinh doanh.

Triển khai bàn giao mặt bằng để xây dựng
Mặc dù chưa có ý kiến chấp thuận chính thức từ phía cơ quan thẩm quyền nhưng EVN đã khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị. Theo đó, EVN đã chỉ đạo đơn vị thành viên là Công ty Điện lực 1, Công ty Điện lực Hà Nội, Điện lực Hoàn Kiếm và khách sạn Điện Lực nghiên cứu phương án di chuyển số lượng công nhân, viên chức đang làm việc, kiểm đếm các công trình và xác định giá trị đền bù, địa điểm, tiến độ di dời…
Rất tự tin, EVN còn tuyên bố: “Các đơn vị không tự tìm được văn phòng làm việc, đề nghị đăng ký để tập đoàn thuê giúp văn phòng làm việc trong 3 năm…”.