Tanh bành bãi biển miền Trung – Kỳ cuối

ThienNhien.Net – Liên tiếp các nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học đưa ra cảnh báo nguy cơ ô nhiễm phóng xạ ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung do nạn đào xúc quặng titan thiếu kiểm soát và thiếu minh bạch tràn lan hiện nay.

Sát thủ vô hình 

Theo TS. Nguyễn Văn Nam, Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm, trong sa khoáng titan có các hợp chất cơ bản gồm ilmenite, zircon, monazit, manhetit và rutin. Các quặng ilmenite và zircon đều có các khoáng vật chứa phóng xạ.

Đặc biệt khoáng vật monazit có hàm lượng phóng xạ cao. Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Quốc gia từng cảnh báo phải quản lý chất thải monazit như một chất phóng xạ khi khai thác, chế biến titan.

Cát bay, nước nhiễm mặn còn có thể thấy được bằng mắt thường, chứ ô nhiễm phóng xạ khó lòng biết được. Cất trữ quặng titan ngay trên sân nhà (Ảnh: Phạm Quang Tú)
Cát bay, nước nhiễm mặn còn có thể thấy được bằng mắt thường, chứ ô nhiễm phóng xạ khó lòng biết được. Cất trữ quặng titan ngay trên sân nhà (Ảnh: Phạm Quang Tú)

Thời gian bán rã của monazit có thể kéo dài hàng trăm năm. Vì thế bãi chứa chất thải phóng xạ titan phải đặt xa khu dân cư, nguồn nước và phải chứa trong các hầm bê tông.

Vậy mà khảo sát mới đây của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) cho thấy nước thải tại một số nhà máy tuyển tinh quặng, xưởng nghiền zircon, và một số moong khai thác có tổng hoạt độ phóng xạ vượt tiêu chuẩn cho phép theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Nước thải Công nghiệp ban hành năm 2009 (QCVN 24: 2009/BTNMT).

GS. Lê Khánh Phồn, Trưởng Khoa Dầu khí trường Đại học Mỏ – Địa chất, cùng cộng sự vừa công bố một trong những công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về ô nhiễm phóng xạ do khai thác titan.

Theo nghiên cứu, các cơ sở sàng tuyển cát lấy titan bao giờ cũng thải ra lượng lớn hỗn hợp khoáng chất, trong đó có monazit phát ra tia phóng xạ với cường độ đủ lớn để gây bệnh tật cho người và gia súc.

Đo mức phóng xạ tại hơn 1.000 điểm ở một khu khai thác quặng titan ven biển Nam Trung Bộ, nhóm nghiên cứu nhận định vùng bao quanh thân quặng có bề rộng từ 200 – 500 m và dài tới sáu cây số bị ô nhiễm phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Đã thế, hầu như toàn bộ nước từ quá trình tuyển khoáng đều chảy trực tiếp ra biển, không qua giai đoạn xử lý nào. Điều đó càng khiến các chất phóng xạ có nguy cơ lan rộng hơn.

Theo Sở TN&MT Tỉnh Bình Định, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác titan không đề cập đến giám sát thông số phóng xạ trong nước. Hầu hết doanh nghiệp được khảo sát không thực hiện giám sát môi trường chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định; không đăng ký nguồn chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn chi phép, nồng độ vượt quy chuẩn nhiều lần.

Mới đây, TS. Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Tỉnh Bình Định, công bố công trình “Đánh giá mức độ ô nhiễm phóng xạ do sa khoáng titan vùng ven biển tỉnh Bình Định”. Bình Định hiện là địa phương có diện tích và sản lượng khai thác titan lớn nhất miền Trung cũng như các tỉnh ven biển của cả nước.

Phân tích cường độ phóng xạ gamma mặt đất tại 18.000 điểm và trên hàng ngàn mẫu vật cho thấy nguy cơ xâm nhập của các nguyên tố phóng xạ vào môi trường xung quanh xuất hiện ở tất cả các quá trình khai thác bao gồm cả khâu chế biến, làm giàu sa khoáng.

Hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là xưởng tuyển ướt và tuyển tinh. Tại xưởng tuyển tinh, tập trung nhiều tinh quặng chứa chất phóng xạ. Tại xưởng tuyển ướt, vị trí gây ô nhiễm phóng xạ chủ yếu là đống quặng được làm giàu 85 – 92%. Phóng xạ tại hai xưởng ấy có nguy cơ ảnh hưởng đến cả vùng dân cư xung quanh.

Tanh bành đường ra biển ở xã Mỹ Thành, Phù Mỹ, Bình Định (Ảnh: Phạm Quang Tú)
Tanh bành đường ra biển ở xã Mỹ Thành, Phù Mỹ, Bình Định (Ảnh: Phạm Quang Tú)

Nguy cơ vượt tầm kiểm soát 

Trao đổi với Tiền Phong, GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa Hóa Việt Nam, cho hay, nếu không khai thác thì cường độ phóng xạ vùng bãi cát, cồn cát chứa quặng sa khoáng titan ở các vùng ven biển miền Trung ở mức phông bình thường, tức là dưới 30 u/Rh (đơn vị đo phóng xa, đọc là micro Rontgen trên một giờ).

Sự ổn định này được hình thành trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm. Tuy nhiên, khi tiến hành khai thác và tuyển quặng, hệ thống cân bằng tự nhiên đó bị phá vỡ khiến cường độ phóng xa tăng.

Trên các tuyến đường vận chuyển quặng ở mỏ, cường độ phóng xạ đo được 20-50 u/Rh. Tại sân trước nhà ăn đo được 26 – 41 u/Rh. Còn ở khu nhà ăn của công nhân là 50 – 75 u/Rh. Các chỉ số đó, GS Thuận nhân định, “đều vượt ngưỡng an toàn”.

Vậy mà ở các khu vực khác, phông phóng xạ đo được còn dã man hơn. Rõ nhất là ở các bãi thu gom tinh quặng sau tuyển qua vít xoắn. Tại đó, cường độ phóng xạ lên đến 160 – 250 u/Rh, vượt ngưỡng an toàn hơn 50 lần.

Tại cổng và dọc đường trước xưởng tuyến là 125 – 220 u/Rh. Trong xưởng tuyển là 124 – 2175 u/Rh, vượt ngưỡng 4 – 70 lần. Chỗ để tinh quặng monazit lớn hơn, lên đến 3000 u/Rh, vượt ngưỡng 100 lần.

Các địa phương khác cũng không khá hơn gì. Theo khảo sát môi trường khai thác titan tại vùng cát ven biển ở các xã Hồng Phong và Hòa Thắng (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) do Viện Địa lý Tài nguyên TP Hồ Chí Minh thực hiện, các mẫu phân tích quan trắc cho thấy hoạt độ phóng xạ alpha cao hơn 2,49 đến 10,35 lần; phóng xạ beta hơn từ 5,43 đến 10,35 lần; riêng phóng xạ gamma cao hơn 26-36 lần so với phông phóng xạ tự nhiên. Các nhà khoa học lưu ý, phóng xạ gamma có độ xuyên thấu cao và đi được khoảng cách xa trong không khí.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận cũng xác nhận nồng độ phóng xạ tại các vùng khai thác titan trên địa bàn tỉnh đang vượt trên mức cho phép. Tại các trục đường ven biển từ Mũi Né ra Bắc Bình và từ Phan Thiết vào La Gi, khi mưa lớn, cát trên các triền đồi từ công trường khai thác titan theo dòng nước đổ xuống nhà dân, rồi tràn ra đường.

GS.TSKH Đặng Trung Thuận cảnh báo, trường phóng xạ tại nhiều nơi ở khu vực khai thác sa khoáng titan ven biển là khá cao và rất cao so với ngưỡng an toàn phóng xạ, khả năng phát tán phóng xạ rất lớn, gây nguy hại cho sức khỏe người lao động và dân cư lân cận.

Cơn sốt titan ở ở miền Trung nóng lên khoảng mấy năm nay, biến cả vùng rộng lớn ven các bãi biển đẹp nhất VN không chỉ trở thành đại công trường mà còn thành những cái bẫy vô hình hủy hại sức khỏe của bất cứ ai sống trong vùng này.

Nếu tiếp xúc với một lượng chất phóng xạ trung bình, sẽ có các triệu chứng ban đầu như buồn nôn, mệt mỏi kèm theo ban đỏ, có thể sốt kèm tiêu chảy và các triệu chứng khác không giải thích được nguyên nhân. Tiếp theo là thời kỳ ủ bệnh khoảng 2-4 tuần với các triệu chứng viêm nhiễm; chảy máu; xuất huyết dạ dày và ruột; da bị thương tổn, xuất hiện triệu chứng rụng long; giảm tế bào máu và xuất hiện các vấn đề về máu như đốm máu, chảy máu răng hoặc mũi; và nạn nhân có thể tử vong sau đó. Nếu nghi bị phơi nhiễm bức xạ, cần thay quần áo và giày dép, cho những thứ khoác trên người bị phơi nhiễm phóng xạ vào túi nilon, niêm phong lại và để nơi khuất gió. Sau đó tắm rửa thật sạch sẽ, và khẩn trương tới cơ sở y tế để nhận được tư vấn điều trị.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương

“Trong mối quan hệ lợi ích nhà nước-doanh nghiệp và cộng đồng thì cộng đồng không được hưởng lợi bao nhiêu. Các đồng chí mới tham khảo thông tin từ công ty. Nếu tiếp cận từ cộng đồng thì sẽ thấy đóng góp của công ty còn thấp hơn. Quan điểm của Huyện Phù Mỹ là quản lý khai thác ra sao cho chặt chẽ, đảm bảo, chứ không nên để kiểu ồ ạt thế này”.

Ông Thời, Phó Chủ tịch Huyện Phù Mỹ