TP. HCM phân vùng xả thải tại 97 tuyến sông rạch

ThienNhien.Net –  TP. HCM sẽ phân vùng các nguồn xả thải đối với 97 tuyến sông, suối, kênh rạch nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đối với nguồn cấp nước sạch cho người dân thành phố.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo góp ý cho dự thảo phân vùng chất lượng nước trên địa bàn TPHCM do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức sáng 29/1.

Cống ngăn triều của rạch Xuyên Tâm xuất hiện do lòng rạch bị bồi lấp mạnh bởi rác thải khiến thoát nước khó khăn và tăng áp lực do triều cường gây ngập (Ảnh: Website Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển)
Lòng rạch Xuyên Tâm, Q. Bình Thạnh, TP. HCM bị bồi lấp mạnh bởi rác thải khiến hoạt động thoát nước khó khăn (Ảnh: Mai Vọng/Website Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển)

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, dự kiến trong tháng 2-2013 sở sẽ trình UBND TPHCM phê duyệt quyết định về việc phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải.

Theo đó, với nhiều tuyến kênh rạch đang bị ô nhiễm nặng như suối Nhum, suối Cái, suối Xuân Trường, rạch Bò Cạp, rạch Sơn, kênh Xáng – rạch Tra và nhiều đoạn trên đoạn thuộc sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè và Soài Rạp sắp tới sẽ bắt buộc các cơ sở sản xuất ven lưu vực xả thải đạt quy chuẩn loại A – quy chuẩn khắt khe nhất về quản lý chất lượng nước thải tại Việt Nam hiện nay.

Chẳng hạn như để bảo vệ nguồn nước cấp trên sông Đồng Nai, sẽ áp dụng tiêu chuẩn loại A đối với các nguồn nước thải xả ra sông Đồng Nai đoạn từ cửa dưới nhánh sông Tắc ra đến hợp lưu với sông Sài Gòn tại Mũi Đèn Đỏ đối với lưu lượng xả thải trên 5.000 m3/ngày đêm hoặc tương tự đối với sông Sài Gòn đoạn từ cầu Phú Long đến cầu Bình Phước.

Đối với các ao hồ trên địa bàn thành phố, dự thảo quy định phân vùng xả thải cũng quy định nước thải xả vào các hồ Kỳ Hòa, Đầm Sen, hồ trong công viên Hoàng Văn Thụ và các ao hồ nước ngọt khác cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn cột A trong các quy chuẩn Việt Nam tương ứng về nước thải.

Ông Phước cũng cho biết sau khi được phê duyệt, thành phố sẽ công bố phân vùng xả thải này để người dân, doanh nghiệp biết cùng thực hiện. Đồng thời, thành phố sẽ có những biện pháp chế tài xử phạt những doanh nghiệp xả thải không tuân theo quy định trong phân vùng xả thải này.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng quản lý tài nguyên thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết hiện nay không nguồn nước sông rạch nào trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu về cấp nước sạch do bị ô nhiễm.

Chẳng hạn như sông Sài Gòn là nguồn nước chính cấp nước sinh hoạt cho TPHCM và Bình Dương thì chất lượng cũng không đạt, các thông số về ô nhiễm như BOD, COD, N-NH4, Fe, DO và coliform cũng thường vượt tiêu chuẩn cho phép.

Các nguồn gây ô nhiễm chính đối với nguồn nước cấp sinh hoạt cho TPHCM gồm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước thải bãi rác, giao thông thủy và nước thải lan truyền từ các tỉnh khác sang.

 

Lượng nước thải công nghiệp thải ra lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai trên địa bàn thành phố đã lên đến trên 180.000 mét khối mỗi ngày, cộng với nguồn nước thải sinh hoạt đổ vào sông sạch trên địa bàn thành phố khoảng 1,2 triệu mét khối mỗi ngày.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, việc cấp phép xả thải trong thời gian tới sẽ căn cứ vào việc phân vùng cụ thể. Theo đó, đoạn sông rạch nào có nguồn nước phục vụ cho cấp nước sinh hoạt thì cơ sở sản xuất ven lưu vực sẽ được cấp phép xả thải loại A, khu vực nào có nguồn nước cung cấp cho nông nghiệp, công nghiệp và nuôi trồng thủy sản thì cơ sở sản xuất sẽ đưọc cấp phép xả thải loại B.