Sân golf khủng ở Bắc Ninh: Băn khoăn năng lực của chủ đầu tư?

ThienNhien.Net – Mặc dù được gắn mác “sân golf quốc tế” với quy mô tới 27 lỗ, nhưng năng lực của cả 2 doanh nghiệp có tên trong liên danh đầu tư dự án này nhất là tiềm lực tài chính vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ẩn số liên danh đầu tư

Tỉnh Bắc Ninh vừa gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung quy hoạch sân golf 27 lỗ tại huyện Thuận Thành.

Dự án có tên gọi “Sân golf quốc tế Thuận Thành”, chủ đầu tư là liên danh CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản HUDLAND (mã HLD) và CTCP Tư vấn và Thương mại Thăng Long.

Cả 2 công ty này đều không phải là những cái tên “có tiếng” trên thị trường bất động sản Hà Nội và cũng chưa có những dự án bất động sản quy mô lớn được dư luận thực sự quan tâm.

HLD được thành lập hồi 8/2007, vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vốn pháp định chỉ vẻn vẹn 6 tỷ đồng. Công ty này triển khai đầu tư một số dự án nhà ở quy mô trung bình tại Bắc Ninh, Long Biên (Hà Nội)…

Những năm gần đây, HLD vẫn được coi như là “đứa con cưng” của họ HUD (Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị), tuy nhiên, công ty này chỉ thực sự gây chú ý với truyền thông khi tham gia vào dự án Khu đô thị “tai tiếng” Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội.

Theo đó, HLD được HUD uỷ quyền thực hiện quyền của chủ đầu tư trong việc triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở thấp tầng gồm biệt thự, nhà liền kề tại 2 lô đất BT8 và LK27 trong KĐT Vân Canh với tổng diện tích xây dựng 11.633m2.

Dù không có con số thống kê một cách chính thức được công bố, nhưng chắc chắn với quy mô xây dựng lên tới hơn 11.000m2 biệt thự, nhà liền kề tại dự án Vân Canh, HLD đã kẹt lại ở đây một lượng tiền không hề nhỏ.

Một góc dự án Vân Canh Hòai Đức, Hà Nội - Nơi nhiều ông chủ bị sa lầy (Ảnh: Gia Cát)
Một góc dự án Vân Canh Hòai Đức, Hà Nội – Nơi nhiều ông chủ bị sa lầy (Ảnh: Gia Cát)

Dự án Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) với quy mô lên tới hơn 60ha, tổng vốn đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng. Mặc dù đã hoàn thiện nhiều năm nay nhưng hiện khu đô thị này vẫn bị bỏ hoang, phần lớn hạng mục biệt thự, nhà liền kề (có giá bán cao nhất lên tới 12 – 15 tỷ đồng/căn) đều đã xuống cấp.

Cùng với sự đi xuống của toàn thị trường hầu hết những cái tên tham gia vào siêu dự án này như HUD, Tasco, AZ Land,… đều bị sa lầy, cùng với đó là hàng nghìn tỷ đồng bị chôn tại đây chưa hẹn ngày khởi sắc trở lại.

Trái ngược với HLD, đối tác trong liên danh cùng đầu tư sân golf quốc tế Thuận Thành 27 lỗ (Bắc Ninh) với HLD vừa được tỉnh Bắc Ninh công bố mới đây lại là 1 ẩn số đối với dư luận và cả giới đầu tư bất động sản.

Theo đó, trong liên doanh đầu tư sân golf nói trên, cùng với HLD có CTCP Tư vấn và Thương mại Thăng Long.

Tuy nhiên, không hề có nhiều thông tin tìm kiếm được về công ty này cũng như được công bố trên truyền thông ngoài một số chi tiết ngắn gọn về việc thành lập vào tháng 6/2009.

Liệu có mắc cạn?

Theo báo cáo tài chính quý II/2015, tổng giá trị tồn kho của HLD tính đến 30/6 khá lớn lên tới 223,8 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang khoảng 223,6 tỷ đồng

Tính đến hết 30/6, tổng nợ phải trả của HLD ở mức 292,5 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn 191,5 tỷ đồng của HLD chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính khoảng 109,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, toàn bộ hơn 100,9 tỷ đồng nợ dài hạn là các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tăng lên khá mạnh so với đầu năm 1/1/2015 chỉ có 19,5 tỷ đồng nợ dài hạn.

Đáng chú ý, tại thời điểm 30/6, các khoản vay và khoản phải trả có thời hạn dưới 1 năm của HLD lên tới khoảng 180 tỷ đồng.

Trong khi gánh nặng nợ và tồn kho khá nặng, áp lực trả nợ lớn, kết quả sản xuất kinh doanh của HLD trong năm 2014 và nửa đầu 2015 cũng không hề ấn tượng hay có sự đột biến nào.

Riêng trong quý II/2015, HLD chỉ đạt hơn 10,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lũy kế 6 tháng đầu năm 2015 chỉ lãi 26,3 tỷ đồng. Trong khi đó, quý II/2014, HLD cũng chỉ lãi 13,7 tỷ đồng; tính chung nửa đầu năm 2014 cũng chỉ lãi 29,6 tỷ đồng.

Mặt khác, HLD còn phải chịu một áp lực từ việc đầu tư cùng lúc khá nhiều dự án. Với lượng vốn tự có không hề lớn, HLD đang dàn trải tiềm lực của mình trên khoảng 4 – 5 dự án bất động sản.

Đáng chú ý là, trong danh mục bất động sản chính của HLD hiện đang đầu tư, không nhiều dự án có vị trí vàng và được coi là dự án hot trên truyền thông.

Phần dự án còn lại nằm ở các tỉnh, thành khác như Bắc Ninh, nơi thị trường bất động sản không phải quá sôi động, cụ thể gồm: Dự án thành phần trong khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), dự án tại KĐT mới Việt Hưng (Long Biên), dự án ở TP. Bắc Ninh …

Với tiềm lực tài chính ở mức bình thường như HLD và những thông tin quá ngắn gọn như vậy về CTCP Tư vấn và Thương mại Thăng Long – đối tác liên danh, việc 2 nhà đầu tư này cam kết đưa dự án vào hoạt động sau 48 tháng kể từ thời điểm được chấp thuận đầu tư không khỏi khiến nhiều người tỏ ra băn khoăn.

Nguồn: