Hải Dương: Nhiều cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm

ThienNhien.Net – Phần lớn cơ sở tái chế nhựa thủ công đều không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải độc hại từ các cơ sở này xả thẳng ra môi trường xung quanh…

Cơ sở sơ chế nhựa phế liệu của ông Nguyễn Hữu Mai ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) chưa có biện pháp xử lý nước thải theo đúng cam kết bảo vệ môi trường
Cơ sở sơ chế nhựa phế liệu của ông Nguyễn Hữu Mai ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) chưa có biện pháp xử lý nước thải theo đúng cam kết bảo vệ môi trường

Xả nước thải ô nhiễm

Ngày 5/12/2012, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt danh sách 33 cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý. Trong 33 cơ sở này có 7 cơ sở sơ chế, tái chế nhựa, gồm: Công ty TNHH một thành viên Phúc Hoàng (Ninh Giang), cơ sở của ông Lưu Văn Thuyên (Kim Thành), Công ty CP Tiến Long, Công ty TNHH Lục Nam (Bình Giang), cơ sở sản xuất nhựa tái sinh xuất khẩu Hà My, cơ sở sản xuất Quang Long, cơ sở sản xuất nhựa Văn Hiến (TP Hải Dương). Phần lớn những cơ sở này gây ô nhiễm về nước thải, chất thải rắn. Đặc biệt, nhiều cơ sở thuộc danh sách gây ô nhiễm liên tục từ 4 – 5 năm nay. Điều đó cho thấy, ý thức khắc phục ô nhiễm môi trường ở những cơ sở này còn rất kém.

Công ty TNHH một thành viên Phúc Hoàng có nhà máy sản xuất bao bì PP và tái chế nhựa phế phẩm tại khu 2 thị trấn Ninh Giang với quy mô thiết kế tái chế 1.440 tấn hạt nhựa/năm. Năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác định, công ty này xả nước thải gây ô nhiễm môi trường với 3 thông số vượt quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, công ty chưa làm thủ tục xin xác nhận các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để trình cơ quan chức năng xác nhận. Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu công ty khắc phục vi phạm xong trước ngày 31/03/2012. Tuy nhiên, công ty này vẫn không chấp hành và tiếp tục xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Năm 2012, kết quả kiểm tra cho thấy công ty tiếp tục xả nước thải có thông số COD vượt 1,06 lần, BOD5 vượt 1,44 lần quy chuẩn cho phép. Công ty không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại, thu gom, phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, hoạt động đốt lưới lọc tạo hạt không có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Công ty TNHH Lục Nam (cụm công nghiệp Tân Hồng, Bình Giang) chuyên tái chế nhựa phế liệu, gia công cơ khí, tráng phủ kim loại… Liên tục từ năm 2007 đến năm 2011, công ty này thuộc danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường do gây ô nhiễm về nước thải, khí thải, chất thải rắn. Năm 2012, kết quả xét nghiệm mẫu nước thải của Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác định thông số hàm lượng măng-gan (Mn) vượt 1,72 lần quy chuẩn cho phép. Cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn, thu gom, xử lý triệt để chất thải phát sinh.

Thiếu thủ tục về bảo vệ môi trường

Nhiều cơ sở chưa thuộc danh sách gây ô nhiễm môi trường nhưng cũng chưa quan tâm bảo vệ môi trường. Thời gian qua, nhiều người dân xã Việt Hồng (Thanh Hà) phản ánh 2 cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Hữu Mai và bà Bùi Thị Xuân xả nước thải gây ô nhiễm.

Ông Nguyễn Đình Thực, một người dân ở gần cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Hữu Mai cho biết: “Nước rửa nhựa từ cơ sở này xả thẳng ra sông Cầu Ác. Khoảng 2 tháng thì cơ sở lại đốt nhựa thừa, khói ảnh hưởng tới nhà dân xung quanh, lắm lúc chúng tôi phải đóng cửa kín mít”.

Làm việc với chúng tôi, ông Trần Văn Hanh, Cán bộ Địa chính – Xây dựng – Môi trường xã Việt Hồng xác nhận, nước thải ở cơ sở ông Nguyễn Hữu Mai xả ra kênh mương gần đó. Trực tiếp khảo sát cơ sở sản xuất này chúng tôi thấy nguồn nước ở con kênh sát cơ sở đen ngòm, nhiều bao tải đựng vụn nhựa vứt xuống lòng kênh. Trong khuôn viên, một phần lượng nhựa thu gom về có lán che nhưng nhiều chỗ khác vẫn chưa có lán che (để ngoài trời). Tại một bể nước để rửa nhựa, màu nước đục ngầu, có mùi xà phòng nồng nặc. Ông Mai cho biết, mỗi tháng cơ sở xuất đi khoảng 10 tấn nhựa phế liệu. Nhựa thu gom về một phần được vo tròn, bóp bẹp, một phần xay nhỏ để bán cho cơ sở khác. Ông Mai cho rằng, nước rửa nhựa chảy ra khuôn viên cơ sở rồi tự thấm xuống đất chứ không phải xả ra kênh mương. Mặt khác, mỗi tháng cơ sở này chỉ rửa nhựa 1 lần, lượng nước thải không đáng kể nên không cần hệ thống xử lý nước thải.

Khi chúng tôi hỏi cơ sở đã làm thủ tục về bảo vệ môi trường chưa, ông Mai khẳng định đã làm đầy đủ. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường vào năm 2012, ông Mai chưa có công trình, biện pháp xử lý nước thải theo đúng nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường, việc thu gom, xử lý chất thải rắn chưa bảo đảm quy định, chưa kê khai nộp phí bảo vệ môi trường với nước thải, chưa giám sát môi trường định kỳ.

Cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Xuân cũng thu gom, sơ chế nhựa phế liệu. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở này bán ra 2-3 tấn nhựa. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều nhựa thu gom vẫn để ngoài trời, không có mái che. Khi chúng tôi hỏi về nguồn nước rửa nhựa thải ra kênh mương thì bà Xuân cho rằng: “Làm cái gì cũng có mặt tốt, mặt xấu. Cơ sở nhỏ thì làm sao bảo đảm an toàn vệ sinh được”. Năm 2012, kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy cơ sở này chưa có công trình, biện pháp xử lý nước thải phát sinh khi sản xuất, chưa làm thủ tục hành chính về môi trường cho hoạt động thu mua, sơ chế phế liệu…

Theo Quyết định 2888/QĐ-UBND, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần có biện pháp khắc phục, xử lý xong trước ngày 31/03/2013. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở tái chế nhựa theo yêu cầu trên. Những cơ sở cố tình vi phạm cần xử phạt nghiêm, đình chỉ hoạt động.