Gia Lai: Rừng Kbang đang dần rỗng ruột

ThienNhien.Net – Trong năm qua, trên địa bàn huyện Kbang, Gia Lai liên tục xảy ra tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng thuộc sự quản lý của các công ty lâm nghiệp. Vụ phá rừng tại tiểu khu 83 làm thiệt hại trên 61 m3 gỗ nhóm I mới đây là một ví dụ.

Rừng hương “chảy máu”

Kbang là địa phương có nhiều loại gỗ quý, đặc biệt là gỗ hương, chính vì thế đây cũng là miếng mồi ngon cho lâm tặc. Ngày 28/12/2012, lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (Kbang) phát hiện một vụ khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 83. Ngay sau đó, thông tin được báo lên các cơ quan chức năng của huyện Kbang.

Gỗ được xẻ thành hộp.
Gỗ được xẻ thành hộp

Đoàn công tác của huyện đã có mặt tại đây và phát hiện tại khoảnh 6 của tiểu khu 30 có một bãi tập kết gỗ của lâm tặc, cơ quan chức năng đã thu giữ 60 hộp gỗ hương, tổng khối lượng là 26,289 m3. Đây là loại gỗ hương có đường kính lớn, lâm tặc đã cắt hạ trong đó có nhiều hộp có bề mặt rộng hơn 70 cm.

Tiếp đó, Công an huyện và Hạt Kiểm lâm huyện cũng như đơn vị chủ rừng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường tại tiểu khu 83. Qua khám nghiệm cho thấy, ở đây đã có 12 gốc gỗ hương đường kính từ 60 cm đến 1,1 mét đã bị cưa hạ, tổng khối lượng thiệt hại là 61,141 m3 gỗ. Những gốc cây lớn bị lâm tặc cưa hạ để xẻ thành hộp.

Ngay sau khi nghe thông tin về vụ khai thác rừng trái phép nói trên, phóng viên Báo Gia Lai đã lên đường để tiếp cận hiện trường. Từ trung tâm huyện, chúng tôi vượt qua hơn 30 km đường trơn trượt, chúng tôi có mặt tại UBND xã Đak Krong. Để đến được nơi lâm tặc khai thác gỗ, chúng tôi đã hỏi những người dân gần đó và men theo dấu của những chiếc xe độ chở gỗ.

Một gốc gỗ hương bị đốn hạ.
Một gốc gỗ hương bị đốn hạ

Vượt qua hơn chục con dốc và con suối nước chảy xiết, gần 1 tiếng đồng hồ sau chúng tôi đã tiếp cận được bãi tập kết gỗ của lâm tặc. Điều làm chúng tôi bất ngờ là lâm tặc đã dọn sẵn một con đường rộng để xe chở gỗ có thể vào bãi tập kết nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng vẫn không phát hiện? Để đến khi phát hiện thì 12 gốc gỗ hương đã bị đốn hạ.

Từ bãi tập kết này có một con đường nhỏ dùng để kéo gỗ bị lâm tặc phát dọn dẫn lên tiểu khu 83 nơi 12 gốc hương bị đốn hạ. Men theo con đường này hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đến tận nơi khai thác. Những cây gỗ nhỏ được lâm tặc chặt hạ để lót đường kéo gỗ rải rác khắp nơi, dấu vết của những phiến gỗ lớn kéo đi còn rất rõ. Trước mắt chúng tôi là một lán trại được lâm tặc dựng lên để ăn ở khi khai thác gỗ, những can đựng dầu vứt lung tung, những gốc gỗ hương bị đốn hạ còn “rỉ máu”, cành ngọn và những phiến gỗ vẫn còn sót lại tại hiện trường.

Những gốc gỗ hương hàng trăm năm tuổi bị hạ không thương tiếc. Theo quan sát của chúng tôi, ở đây xuất hiện rất nhiều đường nhánh được lâm tặc mở ra, chứng tỏ số lượng cây bị chặt hạ không chỉ dừng lại ở hai khoảnh 3 và khoảnh 4 của tiểu khu 83.

Cần “thay máu” lực lượng bảo vệ rừng

Dấu vết xe và gỗ kéo vẫn còn.
Dấu vết xe và gỗ kéo vẫn còn

Với số lượng hơn 61 m3 gỗ hương bị đốn hạ và một con đường để vào tận nơi khai thác và có bãi tập kết gỗ, chứng tỏ rằng lâm tặc rất liều lĩnh. Và cũng đương nhiên cán bộ bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng cũng như các lực lượng chức năng khác, trong đó có chính quyền xã không phát hiện được là một điều rất lạ.

Trong quá trình thu thập thông tin, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến nghi ngờ về việc có sự tiếp tay của một thế lực ngầm ở huyện Kbang, đặc biệt là cán bộ bảo vệ rừng. Nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao khu vực này rất nhiều gỗ hương có đường kính rất lớn nhưng cán bộ bảo vệ rừng lại lơ là? Và liệu số lượng là 12 gốc, với hơn 61 m3 đã đúng chưa? Nhiều người cho rằng trước đó lâm tặc đã kịp tẩu tán một số lượng gỗ tương đối lớn.

Trong hơn 10 đơn vị chủ rừng ở Kbang thì Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa là đơn vị quản lý nhiều cánh rừng có gỗ quý và cũng là đơn vị để mất rừng nhiều nhất. Rừng Kbang là rừng có chủng loại gỗ nhóm I rất lớn, chính vì thế, đây là miếng mồi béo bở của lâm tặc. Để đốn hạ 12 cây gỗ hương với hơn 61 m3 gỗ thì không phải ngày một, ngày hai lâm tặc có thể làm được. Nhiều người cho rằng ít nhất cũng phải hơn 10 ngày lâm tặc mới làm xong, thế nhưng cán bộ bảo vệ rừng và chủ rừng lại không biết. Cùng với đó, đây là con đường độc đạo để vận chuyển gỗ và con đường này đi qua trước cổng trụ sở UBND xã nhưng chính quyền địa phương không phát hiện.080113_TT_HuyenKbangRungdangrongruot4

Một điều rất lạ là từ xã Đak Krong nếu chở gỗ ra đến trung tâm huyện Kbang tiêu thụ hoặc đi xa hơn thì phải qua 4 trạm gác cửa rừng của các đơn vị chủ rừng. Những chiếc barie được dựng lên nhan nhản vậy mà tại sao lâm tặc vẫn vận chuyển gỗ trót lọt trên những chiếc xe ô tô cồng kềnh? Phải chăng những điểm chốt chặn này chỉ để làm cảnh. Điều này minh chứng cho việc người dân cho rằng nhiều cán bộ bảo vệ rừng đã tiếp tay cho lâm tặc!

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Kbang thì năm 2012 huyện đã phát hiện 20 vụ khai thác gỗ trái phép, thu giữ hơn 108 m3 gỗ các loại. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện 55 vụ mua bán, vận chuyển và cất giữ lâm sản trái phép với tổng khối lượng gỗ thu giữ là hơn 111 m3. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán tịch thu lâm sản hơn 1,9 tỷ đồng. Quả thực đây là những con số đáng báo động, song điều đáng quan ngại hơn là số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên thực tế lớn hơn rất nhiều.

Huyện Kbang là đơn vị có diện tích rừng tương đối lớn và cũng là địa phương để xảy ra nhiều vụ phá rừng. Theo ý kiến của một số người, Kbang sẽ mất hết rừng nếu các cơ quan chức năng cũng như các đơn vị chủ rừng còn lơ là như hiện nay. Và một giải pháp để giữ rừng đó là phải xử lý mạnh tay lâm tặc, cùng với đó là đưa ra ánh sáng những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay cho lâm tặc. Nhiều người cho rằng phá hết rừng Kbang thì lâm tặc sẽ nhắm đến Vườn Quốc gia Kông Ka King. Nếu điều này xảy ra thì hậu quả sẽ rất khó lường.