Vào bảo tàng luyện cách bắt buôn lậu động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Cuối tuần qua, gần 30 cán bộ từ các đơn vị kiểm lâm, công an, cảnh sát giao thông, bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường… của tỉnh Quảng Bình tập trung tại Bảo tàng sinh vật của Đại học khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để cùng tận mắt tìm hiểu cách nhận dạng nhanh và chính xác hàng trăm các loài động vật hoang dã. Đây là một hoạt động thúc đẩy việc chống buôn bán động vật hoang dã trái phép tại tỉnh Quảng Bình, một tỉnh có nhiều hoạt động buôn bán trái phép phức tạp do tỉnh còn giữ được nhiều động vật hoang dã quý hiếm trong các khu vực như Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào.

Các học viên cùng tận mắt tìm hiểu cách nhận dạng nhanh và chính xác hàng trăm các loài động vật hoang dã (Ảnh: WCS)

Địa bàn tỉnh cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động buôn lậu phức tạp. Về buôn lậu nói chung, thống kê mới nhất cho thấy 2.221 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với trị giá hàng hóa gần 27 tỉ đồng đã diễn ra trên tuyến biên giới Việt-Lào từ đầu năm 2011 đến hết 6 tháng đầu năm 2012 theo số liệu từ các Cục Hải quan địa phương có biên giới tiếp giáp với Lào. Về buôn bán động vật hoang dã hợp pháp, chỉ riêng trong 4 năm từ 2006 đến 2010, cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) đã cấp phép cho hàng chục nghìn cá thể động vật hoang dã có nguồn gốc trang trại vào Việt Nam. Vì vậy việc trà trộn động vật hoang dã trái phép và buôn lậu động vật hoang dã là vấn đề thách thức với các cơ quan chức năng.

Trong những năm gần đây, việc buôn bán động vật hoang dã trái phép ngày càng trở nên táo tợn, nên việc tập huấn thường xuyên của các cán bộ thực thị pháp luật trở thành một yếu tố quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống với loại hình phạm tội mà thế giới cho rằng về lợi nhuận có thể so sánh với việc buôn bán vũ khí và ma tuý. Sự khác biệt của đợt tập huấn dành cho các cán bộ Quảng Bình là ở tính tương tác cao và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm đến từ Văn phòng Interpol, Cục cảnh sát môi trưòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các chuyên gia về loài động vật hoang dã.

Ông Phan Hồng Thái, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nhận xét: “Khóa tập huấn này đặc biệt ở chỗ chúng tôi học được nhiều kiến thức và kỹ năng về luật pháp và nhận dạng loài thông qua nhiều bài tập trên lớp cũng như thực hành trực tiếp ở các mẫu vật chứ không chỉ có nghe giảng như nhiều khoá học tôi đã từng tham gia”. Qua 4 ngày tập huấn, kiến thức thu nhận được của các học viên đã tăng lên gấp rưỡi (theo đánh giá trước và sau tập huấn).

Khóa tập huấn là một hoạt động nằm trong Chương trình hợp tác liên biên giới giữa VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Namno Lào được lồng ghép với dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Vườn quốc gia PNKB do GIZ tham gia đồng tài trợ, thực hiện bởi sự phối hợp của Vườn QG Phong Nha-Kẻ Bàng, GIZ Quảng Bình và Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã WCS.