Sẽ tăng thêm 3.000 kiểm lâm viên để bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng với vai trò nòng cốt của đội ngũ kiểm lâm viên, ông Hà Công Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này.

Ông Tuấn cho biết, trong 10 năm qua, nhất là những năm gần đây, tình hình vi phạm cả về số vụ, mức độ vi phạm, mức độ thiệt hại liên quan đến tài nguyên rừng, theo tôi đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên đó là mặt bằng chung, còn thực tế, tình hình khá phức tạp và gay gắt ở một số khu vực, đặc biệt là Tây Nguyên. Nhất là tình trạng chuyển rừng lấy đất cho nhiều mục đích và những khu rừng có gỗ có giá trị thương mại cao đang bị khai thác trái phép gay gắt.

“Chúng tôi đã thấy vấn đề và đang chỉ đạo giải quyết kiên quyết để giảm tối đa tình trạng này. Đây là vấn đề lâu dài, không thể xử lý ngay một sớm một chiều” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Những khu rừng có gỗ có giá trị thương mại cao đang bị khai thác trái phép gay gắt (Ảnh: Nguyễn Xuân Lãm)

– PV: Để hạn chế tình trạng trên, Tổng cục đã có những động thái cụ thể gì, thưa ông?

Ông Hà Công Tuấn: Một trong những trọng tâm của chúng tôi chính là xã hội hóa việc bảo vệ rừng. Ngoài những biện pháp như để người dân chủ động tham gia bảo vệ rừng bằng các dịch vụ môi trường rừng, còn có hoạt động tăng cường kiểm lâm viên về địa bàn xã nhằm tăng cường hoạt động của kiểm lâm ở cơ sở và tham mưu tốt cho chính quyền cơ sở. Hoạt động kiểm lâm địa bàn đã được triển khai từ 2 năm nay và đang được Bộ NN&PTNT chỉ đạo thực hiện chủ trương này quyết liệt, thường xuyên.

– PV: Đã triển khai được 2 năm, song vai trò của lực lượng này xem ra vẫn còn mờ nhạt. Ông có đánh giá gì về điều này?

Ông Hà Công Tuấn: Có thể nói kiểm lâm địa bàn góp phần quan trọng vào bảo vệ, phát triển rừng. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận chưa hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có một số anh em còn hạn chế về trình độ, năng lực, nhất là trình độ dân vận. Một số khác thì gặp khó khăn về điều kiện công tác, phải đi lại nhiều, chi phí mua xăng rất tốn kém. Nơi ăn ở cũng chưa được bố trí ổn định, những nơi không được người dân địa phương ủng hộ thì dễ dẫn đến chán nản, xao nhãng, nhất là hoạt động đơn tuyến ở cơ sở.

– PV: Vậy thời gian tới, Tổng cục sẽ có những phương án nào để công tác bảo vệ rừng được thực hiện quyết liệt hơn?

Ông Hà Công Tuấn: Trước tiên chúng tôi sẽ đề xuất tăng biên chế đội ngũ kiểm lâm về các địa bàn, tập trung những địa bàn trọng điểm. Về cơ bản Chính phủ đã đồng ý từ nay đến 2015 tăng thêm 3.000 biên chế kiểm lâm. Việc tăng số lượng sẽ song song với nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm lâm.

Đồng hành với đó là cuộc đấu tranh để làm trong sạch môi trường làm việc. Chúng tôi sẽ cùng Bộ Nội vụ chỉ đạo giải quyết từng bước phù hợp với điều kiện ngân sách và kết quả rà soát để xem xét việc tăng biên chế. Từ nay đến 2015 chắc chắn những xã cần kiểm lâm địa bàn sẽ được phủ kín.

Xin cảm ơn ông!