Indonesia mua đất lập khu bảo tồn tê giác Sumatra thứ ba

Từng sinh sống trên khắp Đông Nam Á, từ dãy Himalaya ở Bhutan và Ấn Độ đến miền nam Trung Quốc và cả bán đảo Mã Lai nhưng hiện Indonesia là ngôi nhà duy nhất của tê giác Sumatra, loài đang bị đe dọa bởi một loạt các yếu tố từ săn trộm đến mất môi trường sống và gần đây là tỷ lệ sinh sản kém. Việc phát triển một khu bảo tồn mới ở tỉnh Aceh của Indonesia vì vậy đang được gấp rút tiến hành như một phần của các nỗ lực nhằm ngăn chặn quần thể tê giác Sumatra bị tuyệt chủng trong tự nhiên.

Đây là cơ sở thứ ba trong mạng lưới Khu bảo tồn tê giác Sumatra (SRS), hướng tới bảo vệ nhóm quần thể tê giác Sumatra còn lại trong hệ sinh thái Leuser ở phía Bắc đảo Sumatra. SRS đầu tiên nằm ở Vườn quốc gia Way Kambas ở miền nam Sumatra và SRS thứ hai ở Borneo, miền đông Indonesia.

Từ vài năm qua, các quan chức và chuyên gia thuộc bộ môi trường, chính quyền địa phương, viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ đã làm việc về giấy phép, tính khả thi và nghiên cứu môi trường tại Aceh, đồng thời phát triển các thiết kế, bao gồm thiết kế chi tiết về cơ sở vật chất khu bảo tồn.

Tê giác Sumatra được chụp bằng bẫy ảnh tại Vườn quốc gia Gunung Leuser thuộc Hệ sinh thái Leuser (Ảnh: Leuser International Foundation và Gunung Leuser National Park)

Khu bảo tồn được đề xuất rộng khoảng 100 ha và nằm trọn trong hệ sinh thái duy nhất trên trái đất có cả tê giác, hổ, đười ươi, voi cùng sinh sống.

Theo cơ quan bảo tồn tỉnh Aceh, khu vực được đề cập là một vùng rừng khai thác, nhượng quyền trồng cọ dầu và đất không phải rừng, do đó cơ quan này đang làm việc với các bên để mua lại nhằm phục vụ việc xây dựng SRS.

Các nhà bảo tồn có kế hoạch sử dụng khu vực này như một cơ sở nuôi nhốt tê giác Sumatra, tương tự cách họ làm tại Way Kambas. Sinh sản nuôi nhốt được thừa nhận là nỗ lực tốt nhất để cứu loài với số lượng còn chưa đầy 80 cá thể ở cả đảo Sumatra và đảo Borneo.

Ít nhất sẽ có 5 cá thể tê giác bị bắt từ tự nhiên ở Leuser và chuyển đến khu bảo tồn để khởi động chương trình nuôi nhốt ở đó.

Hệ sinh thái Leuser được các chuyên gia kỳ vọng là môi trường sống hứa hẹn nhất cho tê giác hoang dã vì nơi đây có số lượng lớn nhất của loài với khoảng 12 cá thể. Tuy nhiên, điểm hạn chế là các nhà bảo tồn vẫn thiếu nhiều thông tin về khu vực miền núi và tỷ lệ săn trộm tại đây được cho là cao hơn những nơi khác.

Một cá thể tê giác Sumatra cái ở Way Kambas, Sumatra, Indonesia (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay)

Hai cơ sở SRS hiện tại là nơi sinh sống của 8 cá thể tê giác Sumatra, trong đó cơ sở ở Way Kambas nuôi 7 cá thể và đã có 2 cá thể mới được sinh ra; cơ sở trong rừng Kelian thuộc tỉnh Đông Kalimantan của Bornean nuôi một cá thể tê giác cái.

Được biết, kế hoạch mở khu bảo tồn Leuser đã được mô tả trong một nghị định được ban hành từ tháng 12/2018, trong đó bao gồm cả các đề xuất tăng gấp đôi sức chứa của khu bảo tồn Way Kambas; hợp tác với Malaysia (quốc gia có trữ lượng trứng tê giác Sumatra) để thụ tinh cho loài và nỗ lực bắt nhiều tê giác hơn từ Borneo để đưa chúng vào khu bảo tồn Kelian.

Quỳnh Hoa (Theo Mongabay)

Nguồn: