Đất lâm nghiệp còn bỏ hoang trong khi đồng bào thiểu số thiếu đất

ThienNhien.Net – “Tính đến tháng 9 năm 2012, cộng đồng các dân tộc thiểu số của Việt Nam còn 294 nghìn hộ thiếu đất sản xuất và 33 nghìn hộ thiếu đất ở. Đối với 16 dân tộc rất ít người (có dân số dưới 100.000 người), tới 40,7% số hộ thiếu đất sản xuất”.

Quỹ đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số hiện chưa đáp ứng yêu cầu (Ảnh: ThienNhien.Net)

Thạc sĩ Phan Đình Nhã (Viện Tư vấn phát triển – CODE) nhấn mạnh thực trạng này tại hội thảo “Quản lý và sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi” do Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI), Viện tư vấn phát triển (CODE) và Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) cùng phối hợp tổ chức vào ngày 01/11/2012 tại Hà Nội.

Nghiên cứu của Viện CODE, Viện SPERI và CIRUM cho thấy tỷ lệ đất sản xuất bình quân trong cộng đồng 16 dân tộc rất ít người chỉ 0,1 ha/khẩu, thất nhất là dân tộc Pà Thẻn 0,04 ha, Phù Lá 0,06 ha, Pu Péo 0,08 ha…

Chất lượng đất sản xuất cũng không đảm bảo, thường là nương núi đá, nương núi đất có độ dốc cao. Tỷ lệ đất lâm nghiệp giao cho các hộ, cho các cộng đồng này cũng rất ít. Đơn cử như xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) có 60,7% là người Vân Kiều, bình quân đất sản xuất nông nghiệp chỉ 0,6ha và đất rừng chỉ 0,48 ha/khẩu; trong khi đó 91,5% đất rừng của xã do các tổ chức nhà nước quản lý. Thiếu tư liệu sản xuất nên tỷ lệ hộ nghèo của xã tới 60%, có 5 bản hàng năm phải nhận trợ cấp từ nhà nước khoảng 80% nhu cầu lương thực của người dân.

Theo thạc sĩ Phan Đình Nhã, Việt Nam còn hơn 2,6 triệu ha đất trống, đồi núi trọc có tiềm năng lâm nghiệp (chiếm 7,9% diện tích tự nhiên) nhưng tiến độ giao đất cho người dân, cho cộng đồng, nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số rất chậm. Điều cần thiết nhất là rà soát, đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của các nông, lâm trường quốc doanh, trả lại diện tích gần khu dân cư cho các hộ dân hoặc cộng đồng (căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của người dân), không để xảy ra tình trạng “đất nông, lâm trường bỏ hoang còn người dân không có đất sản xuất”. Đồng thời chú trọng việc phát huy tập quán sinh kế và văn hóa truyền thống gắn với rừng và bảo vệ rừng của cộng đồng.

Tại hội thảo, các chuyên gia đất đai và đại diện chính quyền địa phương một số xã miền núi thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Kon Tum, Nghệ An, Lào Cai đóng góp nhiều ý kiến, khuyến nghị chính sách và giải pháp liên quan tới sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và rừng nhằm đảm bảo cuộc sống cho cộng đồng các dân tộc miền núi. Những khuyến nghị này sẽ được Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tiếp thu, xem xét bổ sung vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).