Không tiếp tục khai thác rừng tự nhiên

ThienNhien.Net – Đây là một trong những nội dung nằm trong phần nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội chủ yếu năm 2013 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII tổ chức vào sáng 22/10.

Trong bài phát biểu của mình, bên cạnh việc đề cập đến một số chủ đề trọng tâm như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng…, Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Cụ thể, trong lĩnh vực này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như : tập trung chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác khoáng sản và sử dụng đất lúa; tích cực triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, biện pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động tham gia các sáng kiến, các diễn đàn quốc tế lớn về bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được tăng cường nên nhiều chỉ tiêu về môi trường, phát triển bền vững đạt và vượt kế hoạch. Việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… được tăng cường quản lý.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhìn nhận còn nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường, đơn cử như: số dự án treo còn lớn; một số công trình thủy điện chưa đạt được các mục tiêu đề ra, gây bức xúc trong nhân dân; việc khai thác, xuất khẩu trái phép khoáng sản vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, lưu vực sông vẫn còn nặng nề; tình trạng ngập lụt tại một số thành phố lớn chậm được khắc phục.

Trong năm 2013, Chính phủ đặt mục tiêu xử lý 84% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 75% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%.

Giải pháp trọng tâm được đề ra trước mắt là khẩn trương triển khai Luật đất đai sửa đổi, trong đó xác định trọng tâm là thực hiện các giải pháp bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa; đồng thời rà soát các quy hoạch và kiên quyết xử lý các dự án treo, nhất là trên diện tích đất lúa; tăng cường quản lý, xử lý nghiêm việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản trái phép; đẩy mạnh việc kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Việt Nam sẽ tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh. Khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng. Đẩy mạnh trồng rừng kinh tế; không tiếp tục khai thác rừng tự nhiên; có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích người dân tại chỗ trồng và bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng; chủ động phòng chống cháy rừng.

Bên cạnh đó, năng lực đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất kỹ thuật cho nghiên cứu, dự báo về thiên tai, biến đổi khí hậu cũng sẽ được tăng cường nâng cao. Kịp thời khắc phục hậu quả và triển khai nhân rộng các mô hình phòng tránh và cứu trợ phù hợp để ứng phó và hạn chế các tác động xấu của thiên tai.