Rio+20 lỡ hẹn với rừng

ThienNhien.Net – Bao nhiêu kỳ vọng được gửi gắm và mong chờ tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững (Rio+20) – diễn ra vào tháng 6 năm nay tại Brazil – nhưng cuối cùng, các đại biểu đã phải ra về trong sự thất vọng lớn.

Rio+20 năm nay kỉ niệm tròn 20 năm kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển cũng được tổ chức tại Rio vào năm 1992. Nội dung Hội nghị tập trung thảo luận về các giải pháp cho các vấn đề mới nổi của thế kỉ 21, trong đó có hai chủ đề chính: một nền kinh tế xanh và khung thể chế cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, so với 20 năm trước, Rio+20 là một hội nghị thất bại.

Vai trò của rừng không được đánh giá đúng mức 

Từ năm 1992, Rio đã đưa vấn đề rừng vào chương trình nghị sự cấp cao và nhấn mạnh rằng rừng cần được quản lý một cách toàn diện với sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội. Những nhận định này được kỳ vọng sẽ trở thành các hiệp định quốc tế hay các hành động cụ thể nhằm khẳng định các giá trị mà rừng đem lại cho phát triển bền vững – thông qua chương trình nghị sự Rio+20 năm nay. Tuy nhiên, trong suốt 3 ngày diễn ra hội nghị, không hề có một nét đột phá mới nào, ngoại trừ nhận thức và bằng chứng về vai trò cũng như đóng góp của rừng tới cộng đồng và nền kinh tế ngày càng được công nhận rộng rãi.

(Ảnh minh họa: globalcarbonproject.org)

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây, rừng không chỉ đóng góp nguồn sinh khối quan trọng cho việc cung cấp năng lượng, nguồn lương thực và nguồn thu nhập cho các cộng đồng nông thôn mà còn đảm bảo nguồn nước sạch cho con người, góp phần giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Gỗ, các sản phẩm từ gỗ, các sản phẩm lâm sản và sản phẩm lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp các giá trị quan trọng cho nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, nghành lâm nghiệp cũng tích cực cung cấp việc làm và hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại khu vực nông thôn.

Tiếc thay, mọi đóng góp quan trọng của rừng trong việc giải quyết các vấn đề mới nổi của thế kỉ 21 đã không được đánh giá đúng mức, thậm chí còn bị bỏ qua trong các văn bản về kết quả của Rio+20. Theo Kovacevic (2012), phần viết về rừng của văn kiện Rio+20 chủ yếu kêu gọi hành động khẩn cấp theo Quy định không mang tính ràng buộc pháp lý về tất cả các loại rừng được thông qua bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2007. Tất cả những điều này – theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) – đã được nêu ra từ nhiều năm trước đây nhưng vẫn chưa đem đến các kết quả như kỳ vọng.

Bên cạnh những bất cập nêu trên, việc sử dụng các ngôn từ thiếu rõ ràng cả về tiến trình và cam kết nguồn lực cũng có thể làm mất niềm tin của các bên và làm chậm lại quá trình thực thi hay lồng ghép rừng vào các mục tiêu phát triển bền vững. Thất bại của Rio+20 là do thiếu cam kết chính trị, và sự ưu tiên trong hội nghị được dành cho các vấn để nổi cộm khác như khủng hoảng kinh tế tài chính hơn là vấn đề về phát triển bền vững.

Ngoài ra, sự khác nhau trong quan điểm, cách tiếp cận và chiến lược phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững của các nước phát triển và đang phát triển cũng góp phần làm gia tăng sự phức tạp trong việc tiến tới một thỏa thuận chung mang tầm quốc tế.

Làm sao để quản lý và phát triển rừng bền vững

Tuy Rio 20+ đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý về phát triển bền vững và nhấn mạnh tới vai trò của rừng, song Hội nghị lần này đã tạo ra một diễn đàn lành mạnh hơn cho các bên có thể tham gia, trong đó các NGO và tổ chức xã hội dân sự được cho phép tham gia ở mức độ cao hơn so với 20 năm trước.

Quan trọng hơn, một lượng lớn các sự kiện bên lề liên quan đến chủ đề “rừng” xung quanh Hội nghị đã được tổ chức, giúp cung cấp cho thế giới những bằng chứng rõ ràng về tầm quan trọng của rừng kèm theo các đề xuất, khuyến nghị liên quan đến câu chuyện tăng cường thể chế, năng lực quản lý và đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan.

Cụ thể, để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng và suy thoái rừng, cần hướng đến cách tiếp cận xuyên khu vực với sự phối hợp hiệu quả ở nhiều cấp độ khác nhau. Thêm nữa, khung thể chế phải tính đến rừng và đưa các dịch vụ rừng vào trong quá trình quyết định tài chính và chính trị. Điều này có thể được thực hiện bằng việc áp dụng một hệ thống hạch toán quốc gia hoàn chỉnh, cho phép tính toán cả giá trị trực tiếp và gián tiếp của rừng và ngành lâm nghiệp vào tổng giá trị của nền kinh tế quốc dân, đồng thời xây dựng năng lực, kế hoạch sử dụng đất hợp lý và phân cấp quyền sử dụng đất một cách hiệu quả.

Cuối cùng, để tiến tới quản lý rừng bền vững và phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển cũng cần phải giải quyết những yêu cầu cấp bách như: tăng cường thực thi pháp luật, sự phối hợp giữa các bên, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Xin khép lại Rio+20 bằng lời phát biểu của Tổng giám đốc điều hành của CIFOR, bà Frances Seymour, tại sự kiện “Rừng: Hội nghị bàn tròn lần thứ 8 tại Rio+20” – “hy vọng chúng ta sẽ nhớ đến Rio 20+ không như là một sự kiện đã bỏ rơi vai trò của rừng mà là thời khắc rừng chuyển từ việc được hiểu như là một sự bảo tồn xa xỉ với cái giá của sự phát triển thành một điều cần thiết phải được bảo vệ đi cùng với lợi ích của sự phát triển”.