Tiếng kêu từ rừng nguyên sinh Tây Yên Tử

ThienNhien.Net – Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (thuộc Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang) có diện tích hơn 17.000 ha trong đó rừng nguyên sinh Khe Rỗ chiếm 7.100 ha là khu rừng quan trọng nhất của khu bảo tồn này. Nhưng tiếc thay do buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ nên những cánh rừng nguyên sinh tại đây vẫn đang bị lâm tặc tàn phá từng ngày, đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng Tây Yên Tử.

Đua nhau “moi ruột”

Theo người dân địa phương, nhiều năm nay, rừng nguyên sinh Tây Yên Tử trên địa bàn xã An Lạc (Sơn Động) bị lâm tặc tàn phá, không thương tiếc. Hiện tại ở các địa điểm như Khau Chon, Khau O, Khau Mu… lâm tặc “xẻ thịt” rừng vô tội vạ.

Để tận mắt chứng kiến rừng xanh bị tàn phá thế nào, nhóm phóng viên chúng tôi phải thuê người bản địa dẫn đường vào các khu rừng với danh nghĩa đi du lịch sinh thái khám phá rừng. Xuất phát từ thôn Nà Ó (xã An Lạc), chúng tôi theo con đường ngoằn ngoèo tiến thẳng vào rừng. Mới đặt chân tới bìa rừng của khu Khau Mu, đã thấy nườm nượp người, xe máy chuyên dụng vận chuyển gỗ dựng san sát bên đường chờ tiêu thụ. Dọc đường đi, chúng tôi liên tục phát hiện những thân cây Lim, Sến có đường kính lớn bị chặt hạ, bên cạnh đó là các nhóm lâm tặc đang hì hục cưa xẻ thân gỗ. Những cây gỗ cổ thụ hầu như bị chặt phá hết chỉ còn trơ lại các gốc cây đã hoai mục. Một số cây gỗ vừa mới bị lâm tặc xẻ thịt, mùn cưa, cành lá còn tươi nguyên. Những cây nhỏ hơn thì lâm tặc chỉ lấy phần gỗ có giá trị, còn những phần khác bỏ lại vương vãi khắp nơi. Mặc dù địa hình đèo núi hiểm trở nhưng chúng tôi thấy điều kỳ lạ là các đường mòn ở đây nhẵn thín, in hằn vết gỗ bởi đội ngũ lâm tặc đi lại và kéo gỗ ra khỏi rừng.

Từ Khau Mu, bám theo các vách núi sau khu vực Khau Chon, Khau O và nhiều nơi khác cũng chung cảnh gỗ rừng nguyên sinh bị hạ sát nham nhở. Nhiều nơi, lâm tặc còn dựng cả lán trại để phục vụ cho công việc phá rừng dài ngày. Bên cạnh những lán trại là những khối gỗ đã được xẻ thành từng tấm “vuông thành, sắc cạnh” chuẩn bị mang ra khỏi rừng tiêu thụ. Vì là người lạ nên đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt sắc lạnh của những lâm tặc canh chừng. Càng vào sâu trong rừng càng thấy lâm tặc lộng hành hơn và tuyệt nhiên không có bóng dáng nào của lực lượng chức năng.

Phát hiện một nhóm lâm tặc đang “xẻ thịt” một cây gỗ lớn, chúng tôi đến gần để tìm hiểu. Tuy nhiên, phát hiện người lạ, hai tên lâm tặc cầm chiếc rìu lớn lao ra quát: “Chúng mày vào đây làm gì?” Thấy nguy hiểm, người dẫn đường nhanh trí đáp: “Em là người trong xã đưa mấy anh em ngoài phố đi du lịch sinh thái rừng nguyên sinh, vào sâu quá nhầm đường nên giờ tìm đường ra”. Sau dăm ba câu chuyện với các lâm tặc để đánh lạc hướng, người dẫn đường rỉ tai chúng tôi: “Ở đây nguy hiểm lắm, mình nói vậy nhưng chắc chắn chúng sẽ theo dõi, giờ thì rút thôi để đảm bảo an toàn tính mạng…”, và chúng tôi đành rút ra khỏi rừng.

Để tránh bị phát hiện, lâm tặc thường vận chuyển gỗ từ Khau Chon, sang Khau Mu rồi tuồn dần xuống các điểm tập kết ở khu vực thôn Nà Ó. Từ thôn Nà Ó gỗ sẽ được giới lâm tặc vận chuyển theo các ngả đường qua các thôn Biểng, Đồng Bây, Cò Nooc, Đồng Dương… Khi vận chuyển đến nhà dân ở xã An Lạc, các chủ buôn gỗ sẽ đến tận nhà để thu mua. Còn đội ngũ lâm tặc chuyên nghiệp thì vận chuyển tới các kho của chủ buôn gỗ rồi bốc lên ô tô vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Ngay tại An Lạc, mỗi tấm gỗ Lim, Sến có độ dài 2 mét có trị giá hàng triệu đồng đến cả chục triệu đồng. Người dân địa phương cho biết, trước kia lâm tặc và các xe vận chuyển gỗ lậu từ trong rừng ra hoạt động công khai giữa ban ngày. Người dân kiến nghị mãi, lực lượng chức năng làm gắt gao hơn thì bọn chúng lại chuyển sang ban đêm. Cứ đêm về ô tô, xe máy lại lũ lượt “cõng” gỗ từ cửa rừng và từ các điểm tập kết ở xã An Lạc ra ngoài địa bàn tiêu thụ mà không gặp trở ngại gì.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, thuộc Khu di tích và danh thắng Yên Tử, là một trong ba khu di tích nằm trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ để trình UNESCO xem xét, công nhận là di sản thế giới. Trong đó, khu rừng nguyên sinh thuộc xã An Lạc (huyện Sơn Động) có 236 loài thực vật, cây lấy gỗ, 255 loài liệu dược quý. Trong khu rừng còn có 37 loài thú, 73 loài chim, 18 loài bò sát, đặc biệt có 7 loài thuộc loại động vật quý hiếm.
Tang vật của lâm tặc mà kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên thu giữ
Tang vật của lâm tặc mà kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên thu giữ

Ngành chức năng ở đâu?

Theo tìm hiểu chúng tôi, nhằm bảo vệ rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử đã thành lập tổ bảo vệ rừng An Lạc đặt tại rừng Khe Rỗ. Tuy nhiên, việc tuyển chọn người bảo vệ rừng lại do UBND xã An Lạc tuyển chọn và cấp kinh phí. Và đương nhiên những người bảo vệ rừng là những người dân xã An Lạc. Mặt tốt là hầu hết họ đều thông thuộc địa bàn, thông thuộc các ngóc ngách của rừng, tuy nhiên những lâm tặc và người vào rừng lấy gỗ hầu hết cũng là người bản địa nên quen biết sinh ra chuyện cả nể, bao che, tiếp tay cho nhau. Mặt khác tổ bảo vệ rừng chỉ có hơn chục người nhưng phải trông coi diện tích rừng rộng lớn nên không thể bao quát toàn bộ. Tổ cũng không thuộc biên chế lực lượng kiểm lâm. Tất cả chỉ là hợp đồng theo năm nên không có sự ràng buộc gì đáng kể.

Ngoài Tổ bảo vệ đặt trong rừng, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử còn lập ra trạm kiểm lâm Biểng, đặt ngay đường vào xã An Lạc, nhưng cả trạm kiểm lâm cũng chỉ có 4 cán bộ, nhân viên.

Trao đổi về vấn đề lâm tặc phá rừng nguyên sinh tại An Lạc, ông Trần Dìn- Chủ tịch UBND xã An Lạc cũng thừa nhận tình trạng này là có. Tuy nhiên ông cho biết việc quản lý rừng nguyên sinh thuộc về Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Chính quyền xã chỉ có trách nhiệm phối hợp, tuyên truyền vận động nhân dân không vào phá rừng.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Dũng, Hạt phó hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử thừa nhận việc lâm tặc vẫn đang hủy hoại rừng nguyên sinh Tây Yên Tử từng ngày. Theo ông Dũng, lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, chúng theo sát hoạt động của lực lượng kiểm lâm, đi làm lúc nào, về lúc nào. Khi phát hiện lực lượng kiểm lâm đi tuần tra rừng, chúng gọi điện báo cho nhau biết và bỏ chạy. Đường ra khỏi rừng nguyên sinh tại An Lạc rất nhiều lối, lực lượng chức năng chặn đường này thì lầm tặc lại vận chuyển gỗ qua đường khác, do quân số ít, không thể căng ra được khắp nơi.

Nói về thực trạng vận chuyển gỗ lậu từ trong rừng nguyên sinh đi các địa bàn khác tiêu thụ, ông Dũng cho hay, kiểm lâm đã bắt được nhiều xe vận chuyển gỗ và gỗ lậu nhưng chưa bắt được đối tượng nào, vì khi phát hiện các đối tượng lâm tặc đều “bỏ của, chạy lấy người”. Hơn nữa, lực lượng kiểm lâm mỏng, nên công tác bảo vệ rừng rất khó khăn. Kiểm lâm cứ dẹp được chỗ này, lâm tặc lại phá rừng ở chỗ khác.

Nếu cứ lý giải như ngành chức năng địa phương đồng nghĩa với việc hàng ngày gỗ rừng nguyên sinh Tây Yên Tử vẫn bị tàn phá và lũ lượt kéo nhau ra khỏi rừng đi tiêu thụ khắp nơi. Như vậy thì nguy cơ rừng nguyên sinh Tây Yên Tử ở An Lạc bị xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian.