Cơ chế mới cho hợp tác Mê Công

ThienNhien.Net – 6 quốc gia lưu vực sông Mê Công sẽ khởi động một cơ chế hợp tác mới để giải quyết một loạt vấn đề phát triển trong khu vực.

Theo tiết lộ của phó chủ tịch Hiệp hội Ngoại Giao Trung Quốc, ông Trương Cửu Hoàn (Zhang Jiuhuan), cơ chế hợp tác mới cho các quốc gia lưu vực Mê Công sẽ được khởi động trong cuộc gặp giữa các bộ trưởng bộ ngoại giao từ Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Việt Nam vào ngày 12 tháng 11 tới tại Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Đến nay, 6 quốc gia lưu vực sông đã có một vài cơ chế hợp tác bao gồm Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công (GMS) – dành cho phát triển cơ sở hạ tầng, Ủy hội sông Mê Công (MRC) – dành cho quản lý và khai thác nguồn nước, và Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mê Công (ACMECS) – cho 5 quốc gia ngoại trừ Trung Quốc.

Trong đó, hợp tác GMS, được khởi xướng bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á, có sự góp mặt đầy đủ của 6 quốc gia Mê Công, nhưng mới chỉ hướng tới phát triển cơ sở hạ tầng. Đến nay, vẫn chưa hề có một diễn đàn cấp lưu vực nào thảo luận về các vấn đề chính trị và an ninh, cũng như đối ngoại nhân dân. “Chúng ta cần một cơ chế bao trùm mọi lĩnh vực – an ninh chính trị, kinh tế và xã hội,” – ông Trương Cửu Hoàn bình luận.

Sông Mê Công (Ảnh: PanNature)
Sông Mê Công (Ảnh: PanNature)

Ý tưởng này trên thực tế đã được Thái Lan khởi xướng từ vài năm trước, sau đó Thủ tướng Trung Quốc Lí Khắc Cường đã thảo luận về khả năng thực hiện trong một cuộc gặp không chính thức với các nước Mê Công bên thềm Hội nghị cấp cao Asean vào năm ngoái tại Myanmar.

Rất nhiều vấn đề như tranh chấp biển Đông, nạn buôn bán người, buôn lậu và ma túy có thể được đưa ra trong diễn đàn mới. Đặc biệt, các nước hạ lưu sông Mê Công cũng có thể thảo luận với các quốc gia thượng nguồn về những ảnh hưởng của hoạt động xây dựng đập thủy điện trên phía thượng nguồn.

Được biết với cái tên Lan Thương tại Trung Quốc, con sông Mê Công dài nhất Châu Á kéo dài từ Trung Quốc và đổ ra biển Đông tại Việt Nam. Gần một nửa chiều dài 4.900 km của con sông nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, trong khi cơ chế quản lý con sông là MRC lại chỉ bao gồm 4 quốc gia hạ nguồn (Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam). Campuchia và Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về hoạt động xây đập của Trung Quốc và Lào, nhưng chưa hề có một cơ chế quốc tế nào phản hồi lại vấn đề trên.

Cơ chế hợp tác Mê Công – Lan Thương sẽ bao gồm ba cấp – cán bộ cấp cao, bộ trưởng và cấp lãnh đạo cấp cao. Cơ chế hoạt động sẽ bao hàm nội dung chính trị nhưng lãnh đạo các quốc gia không có ý định phát triển nó như một tổ chức chính trị quốc tế, ông Trương Cửu Hoàn cho biết.

Cơ chế mới sẽ thúc đẩy hợp nhất cộng đồng ASEAN thông qua việc giảm bớt khoảng cách phát triển giữa các quốc gia lục địa Đông Nam Á, đặc biệt là các thành viên ASEAN mới bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, cùng các thành viên lâu năm là Thái Lan và Malaysia.

Cuộc gặp gỡ tại Cảnh Hồng sẽ vạch ra các lĩnh vực hợp tác và thảo luận về một số dự án có thể sớm mang lại lợi ích từ sự hợp tác.