Vận động người dân kéo dài tuổi rừng trồng

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

ThienNhien.Net – Ông Hà Công Tuấn – tân Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo NTNN.

Ông Tuấn thông tin: Nạn phá rừng từ đầu năm đến nay vẫn diễn ra khá phổ biến với 2.029 vụ được phát hiện trên cả nước. Qua việc này, chúng tôi cho rằng, ở đâu để xảy ra tình trạng phá rừng, cần phải xem xét lại nguyên nhân vì sao. Theo tôi, ở những nơi còn để xảy ra hiện tượng phá rừng là do cả hệ thống chính trị của chúng ta chưa vào cuộc một cách đồng tâm hiệp lực và có hiệu quả, trong đó có vai trò của kiểm lâm với tư cách là lực lượng phát hiện các vấn đề sớm ngay từ đầu, quản lý tại gốc và tham mưu cho Nhà nước về các giải pháp, đồng thời họ cũng có chức năng xử lý để ngăn ngừa và trừng trị những người vi phạm.

Có cung, ắt có cầu, chính việc xây dựng quá nhiều các nhà máy chế biến gỗ như ở Quảng Ninh và một số địa phương khác đã dẫn tới tình trạng phá rừng tràn lan. Ông có đồng tình với quan điểm này?

– Năm 2011, cả nước khai thác rừng phân tán khoảng 11 triệu m3 gỗ, trong đó 82% sử dụng để làm ván dăm. Trong đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, chúng tôi đang cố gắng giảm tỷ trọng này xuống, nhưng chúng ta cũng phải nhìn lại lịch sử và thực tiễn.

Nếu như trong nhiều năm qua không cho chế biến ván dăm, thì người trồng rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm rừng trồng. Đến nay, nhờ thị trường tiêu thụ tốt, giá ván dăm đã tăng từ 220.000 đồng/m3 lên khoảng 1 triệu đồng/m3.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang cố gắng vận động người dân để kéo dài tuổi của rừng trồng, nhằm tăng đường kính thân gỗ cao hơn nữa. Chúng tôi đang đề nghị Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi để người dân có thể kéo dài thời gian nuôi cây thêm từ 3 – 5 năm.

Cụ thể chính sách này bao gồm những gì, thưa ông?

– Chúng tôi đề nghị Nhà nước cho người trồng rừng vay vốn theo chu kỳ, có thời hạn như cách giải ngân nguồn vốn ODA mà nước ngoài cho chúng ta vay. Mặt khác, chúng ta không can thiệp bằng hành chính về việc cấm sản xuất ván dăm, nhưng chúng ta sẽ giảm tỷ trọng một cách hợp lý bằng cách đưa ra chính sách hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ từ rừng trồng. Chẳng hạn, ngoài vay vốn, chúng ta còn tạo điều kiện cho họ sản xuất bằng chính sách thuế.

Vậy theo ông, nguyên nhân chính và nguyên nhân sâu xa của nạn phá rừng hiện nay là gì?

– Như tôi đã nói ở trên, một phần do việc buông lỏng quản lý, chưa sát sao của chính quyền và lực lượng kiểm lâm. Vả lại, qua các vụ việc, kinh nghiệm thực tế phần lớn là do chính sách “khoán” rừng cho người dân chưa rõ ràng. Mặc dù được nhận rừng, nhưng họ không hoàn toàn có quyền, nên vẫn mang tính “cha chung không ai khóc”, người bảo vệ tốt, cũng như người bảo vệ kém.

Ý tôi muốn nói là, khi nào người dân thực sự có quyền trên mảnh đất, cánh rừng của họ thì việc phát triển và bảo vệ rừng mới thực sự hiệu quả. Chẳng người nào lại không giữ, để người khác tự do vào rừng mình chặt phá cả. Tuy nhiên, để làm được điều này còn cả một vấn đề lớn.

Xin cảm ơn ông!

Xuất khẩu gỗ đạt trên 2,3 tỷ USDTổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) vừa tiến hành sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Theo báo cáo, tính đến hết tháng 6, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 3.784 tỷ đồng (tăng 5,7% so với năm 2011). Sản xuất chế biến gỗ và gỗ xuất khẩu đạt 2,329 tỷ USD (tăng 26% so với năm 2011. Dự kiến năm 2012 xuất khẩu gỗ ước đạt 4,6 tỷ USD…