Mưu sinh cùng… thuốc độc!

Trong nhiều nghề làm thuê kiếm sống, có lẽ nghề xịt thuốc trừ sâu là nguy hiểm nhất, bởi hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều loại độc dược. Có người đi xịt thuốc thuê chỉ vài năm thì 2 mắt bị mờ, sức khỏe giảm trông thấy… Nguy hiểm là vậy nhưng hàng loạt người vẫn lao vào “thuốc trừ sâu” để tìm chén cơm manh áo.

Sôi động mùa… xịt thuê!
Mới 5g sáng, vừa mở mắt dậy đã có người tới nhà “chở” đi xịt thuốc. Anh Đào Văn Ngây (ấp Long Khánh B, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) vội thu xếp đồ nghề để lên đường. Vườn quýt hồng đặc sản của anh Tám Thường rộng trên 5.000 m2 (5 công), cho trái sai oằn từ gốc tới ngọn. Tám Thường có vẻ bức xúc: “Cả tuần nay cứ mưa dầm liên tục trong khi quýt đang ra đọt non và bị sâu, nhện tấn công. Nhìn lá quýt bị cắn phá và bị sâu vẽ bùa, tôi đau lòng nhưng đành chịu vì không thể xịt thuốc do mưa quá. Hôm nay trời nắng, nên hừng đông là tôi đi thuê người về xịt cho kịp!”. Mấy năm nay, anh Ngây là “mối” xịt thuốc thuê cho Tám Thường; hàng tuần chỉ cần “a lô” là có mặt. Tuy nhiên, Lai Vung là “xứ vườn” nên gặp những lúc “cao điểm” thì Tám Thường phải “xiết” thợ xịt quýt vì sợ người khác “phỗng tay trên”.
Hút xong điếu thuốc rê, anh Ngây bắt đầu công việc của mình. Các loại thuốc như Supracide, Kelthane, Emaplant, Topsin, Nustar, Convil… được pha vào thùng nước, cho máy khởi động là xịt. Cần xịt dài khoảng 5m được đưa lên những cây quýt cao đang bị sâu bệnh cắn phá. Thuốc phun ra tung tóe ào ào, ướt cây cối như mưa. Thuốc phun tới đâu lập tức nhện, kiến, rầy… ngã ngang chết tại chỗ. Chưa đầy 20 phút, thùng thuốc sâu 120 lít nước được xịt xong. Hết bờ ngoài, anh Ngây dời máy móc vào bờ trong xịt tiếp. Đến hơn 11g, 3 công quýt xịt xong. Nghỉ ngơi một tí, anh lại tiếp tục công việc đến xế chiều toàn bộ 5 công quýt của Tám Thường mới hoàn thành. Buông cần xịt ra, anh Ngây mệt lả người, quần áo ướt đẫm thuốc trừ sâu (rơi vào), mặt mày đỏ như con tôm luộc.
Cũng là dân xịt thuốc thuê chuyên nghiệp nên “mối mang” của anh Sáu Quẹo (ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung) rất nhiều. Những vườn quýt lớn ở Long Hậu hầu như Sáu Quẹo đều từng xịt từ vài chục đến hàng trăm lần. Sáu Quẹo tiết lộ: “Mấy ngày nay, chủ vườn hối liên tục nhưng không tài nào xịt kịp do “dồn” quá đông. Nguyên nhân là do mưa và đang có đợt sâu bệnh xuất hiện nên vườn nào cũng phải… xịt”. “Mối” kêu nhiều quá, anh đành xếp lịch theo thứ tự, ai “rước” trước là đi; chủ vườn nào tới trễ thì… chịu! Theo ước tính sơ sơ, tại các xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước… có hàng trăm người chuyên nghề đi xịt thuốc thuê cho các vườn quýt hồng. Vậy mà những lúc cao điểm cũng không thể xịt kịp.
Xịt thuốc: hậu quả khó lường
Huyện Lai Vung được mệnh danh là “vương quốc quýt hồng” lớn nhất cả nước về diện tích lẫn sản lượng. Chuyên canh quýt hồng đã giúp nhiều gia đình vươn lên khá giả. Thế mạnh của quýt hồng là thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm nên giá rất cao. Tuy nhiên, để tạo ra trái quýt hồng đắt giá thì nhà vườn phải tốn rất nhiều công sức, trong đó xịt thuốc trừ sâu để bảo vệ cho trái đẹp là rất quan trọng. Ông Ba Ngân, chủ vườn quýt ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung cho biết, những năm trước nhiều chủ vườn tự mình phun xịt nhưng sau này dịch bệnh xuất hiện liên tục nên không xịt nổi đành phải thuê. Mặt khác, các loại thuốc thường rất độc nên những nhà vườn khá giả không dám “rớ” nhiều, vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Từ đó, ai cũng thuê người xịt mướn cho mình.
Anh Sáu Quẹo cho biết: “Trước đây, tôi đi đào đất, cắt lúa, làm ngày, khuân vác… mùa nào việc nấy, giỏi lắm chỉ đủ gạo ăn. Thật ra, chẳng ai dại gì lao đầu vào “thuốc độc”, bởi nghề xịt thuốc rất nguy hiểm. Hàng ngày tiếp xúc với nhiều loại thuốc độc khiến sức khỏe bị giảm nghiêm trọng, bệnh tật sau này là khó tránh khỏi. Có điều nghề này kiếm nhiều tiền nên ráng làm để nuôi vợ con”.  Bình quân, 1 người xịt giỏi kiếm được từ 80.000đ – 120.000đ/ngày, thu nhập cao hơn những nghề khác. Anh Huỳnh Hữu Phúc, dân xịt thuê xã Tân Thành thừa nhận: “Xịt thuốc lâu ngày sẽ làm mờ 2 mắt do bị thuốc trừ sâu rơi vào, sức đề kháng yếu dần, cơ thể mệt mỏi và sức khỏe giảm. Nếu hôm nào xịt quá nhiều sẽ dẫn tới ngộ độc thuốc. Ai làm nghề này, cũng phải gánh hậu quả trên, nhưng do nghèo nên đành chấp nhận”. 
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người xịt thuốc thuê cảnh báo: Nếu 1 người bình thường chỉ cần hít hơi thuốc sâu đã “dị ứng”, ngứa ngáy khó chịu. Trong khi dân xịt thuê, ngày ngày sống cùng thuốc độc, cả người ướt như tắm thử hỏi không bị “bệnh hậu” mới là chuyện lạ? Thực tế, một số người đeo vài năm đã bỏ cuộc vì không kham nổi thuốc trừ sâu. Bệnh tật là vậy, nhưng hàng ngàn hécta vườn ở Lai Vung và những cánh đồng rau màu, lúa tăng vụ… khắp ĐBSCL, vẫn có hàng loạt người đi xịt thuốc thuê. Nói như anh Đào Văn Ngây ở ấp Long Khánh B là “bệnh thì bệnh còn xịt cứ xịt, không làm lấy gì ăn?”.
Dẫu biết đây là câu chuyện mưu sinh nhưng thiết nghĩ cũng phải lượng sức mình. Sợ nhất là những người “sáng xịt thuê – chiều nhậu cóc, ổi”, kéo dài như thế hậu quả sẽ khó lường.