Chuyện cái lu

Nhiều mô hình chống ngập trên thế giới rất đáng để Việt Nam tham khảo.

Ảnh: thirdworldcentre.org

Giữa tháng 7, một cơn mưa lớn kéo dài tại Thủ Đức khiến nhiều tuyến đường bị ngập, nước chảy siết và làm ngã nhiều xe máy. Nhiều hộ gia đình vì nhà thấp hơn mặt đường phải thức trắng đêm tát nước. Vài năm trở lại đây, mưa lớn ngập nước thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Dù đã bỏ ra lượng kinh phí lớn để tu sửa hạ tầng nhưng ngập vẫn ngập.

Giải pháp “cái lu” của đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM Phan Thị Hồng Xuân đưa ra được người dân đặt lên bàn cân với nhiều ý kiến nghi ngại vì khó phù hợp với điều kiện nhà ở tại TP.HCM. Nhìn sang những nước phát triển như Nhật, Anh, Thái Lan, Hà Lan, chính phủ các nước này đã đưa ra các mô hình chống ngập khá hiệu quả, đáng để kham khảo.

Từ kỳ quan chống ngập dưới lòng đất

Cơn bão Kathleen đổ bộ vào Nhật trong năm 1947 đã phá hủy khoảng 31.000 ngôi nhà, khiến 1.100 người thiệt mạng. Một thập niên sau đó, cơn bão Kanogawa tiếp tục tàn phá thành phố khi trút xuống lượng mưa 400mm trong vòng 1 tuần. Đường phố, nhà cửa và các cơ sở kinh doanh đều bị ngập.

Vì thế, tại thủ đô Tokyo của Nhật, người dân luôn chuẩn bị tinh thần chống lũ. Địa hình của Tokyo nằm trên một đồng bằng được bao quanh bởi 5 hệ thống sông và hàng chục con sông lớn nhỏ liên tục phình ra qua mỗi mùa. Nhằm giải quyết tình trạng chống ngập lụt, Chính phủ Nhật đã xây một bể ngầm khổng lồ. Đây là mô hình kênh xả nước ngầm khu vực đô thị với tên gọi MAOUDC, nằm ở độ sâu 22m dưới lòng đất.

Hệ thống ngầm này còn có tên gọi là điện Pantheon dưới lòng đất. Người Nhật rất tự hào về công trình và coi là một kỳ quan. Để hoàn thành bể ngầm trị giá 2 tỉ USD này, Chính phủ Nhật phải mất 13 năm xây dựng và được hoàn thành vào năm 2016. Công trình vĩ đại này gồm 5 trụ chứa cao 75m, rộng 32m được nối với nhau bằng đường ống dài 6,3km, đường kính 10m và nằm sâu dưới mặt đất 50m, dọc các bờ sông của Tokyo. Đường ống này sẽ dẫn tới một bể chứa nước khổng lồ cao 25m, dài 177m, rộng 78m.

Mỗi khi mưa lớn, nước sẽ được dẫn từ các trụ chứa tới bể chứa khổng lồ. Sau đó, người ta sẽ bơm nước từ bể chứa ra sông Endo với các máy bơm công suất lớn để tránh ngập cho toàn thành phố. Nhờ có hệ thống này mà người dân Tokyo và các vùng lân cận đã tránh được các đợt ngập lụt nặng trong những năm qua.

Hệ thống cũng hút nước từ những con sông nhỏ và trung bình ở khu vực phía Bắc Tokyo rồi lưu chuyển chúng tới con sông Endo lớn hơn. Khi một trong những con sông này bị tràn bờ, nước sẽ thoát xuống 1 trong 5 bể trụ khổng lồ cao 70m nằm dọc kênh. Mỗi bể ngầm đủ lớn để chứa một tàu con thoi hay tượng Nữ thần Tự do và chúng được kết nối thông qua hệ thống đường hầm. Mỗi khi bể chứa xả hết nước thì công trình này được tận dụng để trở thành địa điểm tham quan cho du khách, mỗi lượt tham quan chỉ tối đa 25 người.

Tại Việt Nam, trong một báo cáo mới đây của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, tần suất xuất hiện những cơn mưa lớn trên địa bàn ngày càng tăng khiến hệ thống cống quá tải, gây ngập. Cũng theo báo cáo này, hệ thống cống thoát nước được quy hoạch trước năm 1975 chỉ dành cho quy mô dân số 2 triệu người, hiện tại đã lên đến hơn 10 triệu dân nên hệ thống thoát nước không còn phù hợp.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, năm 2019 Thành phố triển khai đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỉ đồng. Trong đó có 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 5.000 tỉ đồng; khởi công mới 47 dự án, tổng kinh phí gần 2.000 tỉ đồng, chuẩn bị đầu tư 94 dự án, tổng kinh phí 819 tỉ đồng.

… Đến mô hình hầm đường bộ kết hợp thoát lũ

Vì là đảo quốc nên Singapore đã xây nhiều hồ trữ nước để vừa có thể chống lụt, chống nước dâng, vừa có nguồn nước ngọt cho người dân. Công trình tiêu biểu là hồ chứa và đập Marina Barrage dài 350m với chi phí 135 triệu USD. Ông Thomas Soh, quan chức cấp cao của PUB (cơ quan quản lý nước Singapore), cho biết cơ quan chức năng Singapore đã cùng phối hợp với hơn 80 đối tác trong nhiều lĩnh vực mới có thể hoàn thiện được công trình xây dựng Marina Barrage.

Marian Barrage được xây dựng để đáp ứng 3 mục tiêu. Thứ nhất là dự trữ nguồn nước ngọt lớn cho Singapore và đáp ứng được 10% nhu cầu nước ngọt cho đảo quốc. Thứ 2, công trình đóng vai trò như một rào chắn thủy triều, phân cách giữa nước ngọt với nước biển đồng thời kiểm soát lũ, tháo nước khỏi những vùng trũng thấp trong thành phố như Jalan Besar, Boat Quay, Chinatown và Geylang. Thứ 3 là tạo ra địa điểm du lịch, tổ chức nhiều sự kiện chèo thuyền, thả diều và tổ chức các buổi picnic, chụp ảnh cưới… thu hút khách tham quan.

Tại nước láng giềng Malaysia, thủ đô Kuala Lumpur nằm gần nơi hợp lưu của 2 dòng sông lớn nên hằng năm, người dân thành phố hiện đại bậc nhất Đông Nam Á này cũng phải kêu trời vì lụt.

Để giải quyết tình trạng lũ lụt, từ năm 2007 Kuala Lumpur vận hành hệ thống đường hầm xử lý nước mưa và giao thông dài 9,7km với tên gọi SMART, chi phí xây dựng nửa tỉ USD. Đây là hầm đường bộ kết hợp thoát lũ đầu tiên trên thế giới.

Cho tới nay, SMART vẫn là đường hầm dài nhất Đông Nam Á và dài thứ nhì châu Á. Đường hầm được xây dọc theo cầu vượt Jalan Sungai Besi và Loke Yew với 2 phần chính, phía trên là đường đi của xe cộ, phía dưới là hầm chứa nước, giúp Malaysia giải quyết 2 vấn đề chủ chốt: lũ lụt và giảm ùn tắc giao thông.

Trong điều kiện thời tiết bình thường, đường hầm sẽ được sử dụng như đường hầm bình thường cho xe cộ qua lại. Tuy nhiên, khi nước sông tràn bờ, nó sẽ được chuyển thành một kênh thoát lũ ngay bên dưới những con đường, giúp cho các con đường phía trên không bị ngập. Từ ngày đường hầm này xuất hiện, những trận lũ lụt đã không còn xảy ra nữa.

Ngoài ra, còn nhiều nước khác cũng xây đập ngăn lũ kết hợp với mô hình tạo ra dòng điện như đất nước Hà Lan. Mô hình đập nổi của Anh, đê chắn sóng biển của Ý, hay mô hình ngân hàng nước dưới lòng đất của Thái Lan cũng giúp giải cứu những khu vực trũng thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa.