Sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước

ThienNhien.Net – Đây là chủ đề của kỳ họp Diễn đàn Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa vì sự Phát triển Bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 4 được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tổ chức tại Đồng Tháp vào ngày 21/5 vừa qua.

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Văn Đức; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương; ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ; ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; ông Trần Ngọc Hảo, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cùng gần 200 đại biểu đến từ các bộ liên quan, đại diện 13 tỉnh, các khu bảo tồn, vườn quốc gia của Đồng bằng sông Cửu Long, các viện, trường, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và cơ quan thông tấn.

Diễn đàn lần thứ 4 tại Đồng Tháp ngày 21/5 (Ảnh: Vea.gov.vn)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Văn Đức cho biết: Trong những năm qua, Bộ TN&MT cũng như các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh đã có nhiều nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và đất ngập nước. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ gần đây, quá trình phát triển kinh tế – xã hội nhanh cũng như ảnh hưởng của thiên tai đã có những tác động không nhỏ đến đa dạng sinh học nói chung và các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên nói riêng.

Do đó, Thứ trưởng kêu gọi các cấp, các ngành và mỗi người dân tiếp tục nỗ lực thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản như: Đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về phương cách quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Tổ chức lồng ghép vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước để ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch, chương trình và dự án phát triển có liên quan; điều tra, thống kê, đánh giá tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước; khoanh vùng và quy hoạch các vùng đất ngập nước có ý nghĩa quốc tế, quốc gia; tiếp tục đề cử các khu Ramsar tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Tăng cường hợp tác quốc tế và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế về bảo vệ môi trường.

Tại Diễn đàn lần này, lãnh đạo đến từ các vườn quốc gia đã được công nhận là khu Ramsar cũng chia sẻ kinh nghiệm quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững.

Chiều cùng ngày, Diễn đàn tiếp tục với các trình bày và thảo luận về một số nội dung cụ thể liên quan đến bảo tồn, sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước và phát triển các khu Ramsar trong tương lai ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Diễn đàn Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa vì sự Phát triển Bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một diễn đàn được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2009, nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thúc đẩy sự tham gia đóng góp ý kiến của tất cả các bên liên quan vào việc quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo sinh kế của người dân nông thôn, bảo tồn tính toàn vẹn của các hệ sinh thái đất ngập nước trong khu vực. Bên cạnh những mục tiêu trên, Diễn đàn năm nay còn là một sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày Đa dạng Sinh học Thế giới 22/5 và đặc biệt gắn với việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh Vườn Quốc gia Tràm Chim đến nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế nhân dịp Vườn Quốc gia này được đón Bằng chứng nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới.