Bài 2: Sông Hồng bị “cát tặc” xâm hại: Trách nhiệm thuộc về ai?

Phải chăng nguồn lợi từ các dự án nạo vét lòng sông quá lớn, quá hấp dẫn nên nó đã tạo nên sức hút ghê gớm để dù Thủ tướng có lệnh dừng, đã có Nghị định hướng dẫn thay thế…vẫn cứ diễn ra công khai?

Sau khi dùng vòi rồng bơm hút cát lên tàu sẽ được sàng lọc để lấy cát đen, còn rác đổ lại xuống sông.

Chưa cần nói hoạt động nạo vét lòng sông “biến tướng” thế nào, cũng chẳng phải truy xét doanh nghiệp triển khai thực hiện có theo đúng nội dung được cấp phép hay không, ngay từ văn bản cấp phép, xác nhận do lãnh đạo tỉnh Hưng Yên ký ban hành đã “có vấn đề” khi văn bản viện dẫn một số căn cứ cũ không còn phù hợp thực tế.

Ví như, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ đã được thay thế bằng Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, nhưng tất cả các văn bản được lãnh đạo tỉnh Hưng Yên xác nhận cho hoạt động nạo vét bến khách ngang sông Hồng vẫn viện dẫn căn cứ theo Nghị định cũ!?

Văn bản cấp phép, xác nhận “là quá ẩu!”

Ngay sau khi phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus thông tin “cát tặc” núp bóng các dự án nạo vét bến khách ngang sông Hồng trên địa bàn Hưng Yên, để “rút ruột” lòng sông, khiến tài nguyên quốc gia “chảy” vào túi cá nhân, doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định các văn bản xác nhận cho phép các doanh nghiệp thực hiện của các dự án nạo vét của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên “là quá ẩu!”

Cụ thể, theo nội dung các văn bản xác nhận việc đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình thi công nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng tại xã Bình Minh và xã Tân Châu, do ông Bùi Thế Cử-Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên ký ban hành trong cùng một ngày (28/1/2019) đều được căn cứ vào Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ.

Trong khi đó, Nghị định này đã được thay thế bởi Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.

Mẫu xác nhận việc đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình thi công nạo vét lòng sông, do ông Bùi Thế Cử ký ban hành cũng được đại diện lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xác nhận là “không giống mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.”

“Không biết cán bộ nào tham mưu, trình cho cho địa phương các văn bản này mà ‘ẩu’ quá. Nghị định 15/2012/NĐ-CP đã được thay thế từ lâu bằng Nghị định 158/2016/NĐ-CP rồi, giờ vẫn căn cứ theo Nghị định cũ. Các ông làm văn bản xác nhận này cũng hơi quan liêu,” đại diện lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định.

“Nghị định số 45/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, đã đưa ra một số căn cứ rất quan trọng mà trong văn bản xác nhận của tỉnh Hưng Yên chưa có là căn cứ vào giấy phép nạo vét cấp cho đơn vị/doanh nghiệp cụ thể, không hề liên quan đến giấy phép hoạt động bến thủy nội địa,” đại diện lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói thêm.

Theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, quy trình của một dự án nạo vét là phải ghi rõ về địa giới, thời gian và trách nhiệm giám sát. Có nghĩa là, trong giấy phép dự án cần được quy định dự án được thực hiện từ đoạn nào đến đoạn nào, có mốc thời gian cụ thể diễn (thường là diễn ra trong thời gian ngắn, không phải cả năm hay lâu dài) và khi đã xác nhận cho doanh nghiệp tham gia nạo vét, thì cơ quan chức năng có thẩm quyền phải thường xuyên đi kiểm tra, khi phát hiện sai phạm cần có biện pháp chấn chỉnh, thậm chí rút giấy phép.

“Với thực tế nêu trên, tới đây, tôi sẽ có ý kiến với chính quyền Hưng Yên để chấn chỉnh hoạt động này,” vị đại diện lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói.

Giấy phép vẫn ‘khai sinh’ sau lệnh dừng của Thủ tướng?

Đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, không cấp phép mới dự án…

Nhưng vào ngày 15/5/2018, văn bản số 1254 về xác nhận việc đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình thi công, cải tạo vùng nước trước cửa Bến bốc xếp, kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Mai Động, huyện Kim Động, của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ Hoàng Anh đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên xác nhận.

Nội dung văn bản số 1254 này ghi rõ căn cứ theo Nghị định số 15/2012/NĐ-CP và một số giấy phép hoạt động bến thủy nội địa do Cảng thủy nội địa khu vực II – Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cấp.

Văn bản xác nhận việc đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình thi công nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng tại xã Tân Châu.

Ngày 1/4/2019, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có buổi làm việc với ông Bùi Thế Cử-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên (người trực tiếp ký các văn bản xác nhận việc đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình thi công nạo vét dự án trên địa bàn tỉnh).

Tại buổi làm việc, ông Cử cho rằng việc xin phép nạo vét để phục vụ cho các bến khách ngang sông Hồng là ”nhu cầu bắt buộc” để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa và du khách đi qua.

Tuy nhiên, ông Cử thừa nhận: “Trong quá trình triển khai, là người quản lý nhà nước,tôi cũng khẳng định là 100% các doanh nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ nạo vét đều thực hiện không đúng. Cái mẫu chốt bây giờ là việc quản lý, giám sát ra làm sao. Cũng phải thừa nhận, chức năng, bộ phận, giám sát bây giờ đang là lỗ hổng có nguyên nhân khách quan và chủ quan…”

Phó Chủ tịch Bùi Thế Cử khẳng định, liên quan đến vấn đề “cát tặc” tỉnh đã liên tục có văn bản chỉ đạo.  ”Ngay sau khi nhận được thông tin của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, chính tôi đã trực tiếp gọi điện thoại xuống Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an, huyện, chỉ đạo kiểm tra tình hình thực tế…” ông Cử nói chắc nịch.

Giải thích về các thủ tục pháp lý, ông Cử cho biết: các đơn vị, doanh nghiệp khi xin cấp phép nạo vét đều đã làm hồ sơ đầy đủ. “Họ chỉ xin thu hồi cát tận thu thôi. Vì dù sao khi nạo vét cát cũng là khoáng sản, tài sản của nhà nước nên cũng phải thu hồi. Đương nhiên, trong quá trình nạo vét, việc họ có sử dụng phương tiện thế nào, có khai thác đúng công suất, khối lượng và thời gian như đăng ký hay không, ở góc độ quản lý nhà nước quả là rất khó,” ông Cử giãi bày.

Văn bản xác nhận việc đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình thi công nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng tại xã Bình Minh.

Trả lời về việc các văn bản do mình ký, ông Bùi Thế Cử cho biết: ” Tinh thần là việc của Ủy ban, không phải của cá nhân tôi. Chủ tịch phân công, tôi là phó chủ tịch ký theo quy định theo hồ sơ được trình lên. Với doanh nghiệp họ có nghĩa vụ, trách nhiệm chấp hành đúng nội dung cho phép; lực lượng chức năng có trách nhiệm kiểm tra, thông tin…”

Qua thực tế của tình trạng ‘cát tặc’ núp bóng dự án nạo vét để rút ruột khoáng sản quốc gia từ lòng sông, câu trả lời “vì nhu cầu thực tế” của ông Phó Chủ tịch Hưng Yên dường như không có tính thuyết phục.

Dư luận đã và đang đặt câu hỏi rằng, phải chăng nguồn lợi từ các dự án nạo vét lòng sông quá lớn, quá hấp dẫn nên nó đã tạo nên sức hút ghê gớm để dù đã có lệnh dừng của Thủ tướng, đã có Nghị định hướng dẫn thay thế… giấy phép vẫn cứ tiếp tục được cấp, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn cứ diễn ra công khai bất chấp tất cả?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dẫn câu chuyện thực tế, theo Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên: ”việc những tàu chở cát, đỗ bên cạnh những tàu đang hút đợi hút đầy rồi chở đi…bản thân tôi cũng đã biết, nhưng để quản lý lại rất khó.”

“Tất nhiên, một cán bộ được giao cũng không thể đứng giám sát ở một mỏ 24/24 hoặc có khi giao rồi người ta cũng bị ‘mua chuộc’, đây là vướng mắc, khó khăn, tồn tại chung trong công tác quản lý,” ông Cử nói thêm.

Phóng viên: Vậy thỉ trách nhiệm của chính quyền là đến đâu? Hướng xử lý như thế nào đối với các cá nhân, cơ quan để xảy ra vấn nạn “cát tặc” núp bóng dự án nạo vét “ăn cắp” tài nguyên quốc gia?

“Đương nhiên doanh nghiệp nào thực hiện việc nạo vét không đúng như đăng ký đã được tỉnh chấp thuận, khi kiểm tra phát hiện, thì tỉnh sẽ yêu cầu đình chỉ. Nếu vi phạm nhiều lần, gây thất thoát, thiệt hại cho nhà nước sẽ thu hồi giấy phép,” ông Cử trả lời.

“Trong các văn bản chỉ đạo của tỉnh bao giờ cũng gắn việc giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương phải giám sát. Tuy nhiên cũng phải khẳng định là khâu giám sát, kiểm tra, theo dõi các hoạt động nạo vét đòi hỏi các cơ quan, lực lượng quản lý nhà nước trong thời gian tới phải chấn chỉnh lại,” Phó Chủ tịch Hưng Yên nói thêm.

Theo ông Cử, trách nhiệm đầu tiên dẫn tới thực trạng nêu trên là do đơn vị được cấp phép (đơn vị, doanh nghiệp triển khai dự án nạo vét) thực hiện không đúng. Tiếp đó là cơ quan quản lý, giám sát, kiểm tra của các Sở Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công an tỉnh…

Cùng ngày, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cũng đã làm việc với ông Nguyễn Văn Phú-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên. Qua cuộc trao đổi, ông Phú thừa nhận ‘có thể’ có việc các doanh nghiệp khi triển khai dự án nạo vét đã liên kết, lợi dụng dự án để khai thác cát trái nội dung cam kết như phóng viên phản ánh.

Tuy nhiên, theo ông Phú thì “thực trạng này do lỗi ở khâu giám sát từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có phần trách nhiệm!”

“Đối với trường hợp Ủy ban Nhân dân các xã Bình Minh, Tân Châu ký hợp đồng với doanh nghiệp, nhưng họ thực hiện không đúng hợp đồng thì Ủy ban xã đó sẽ phải chịu trách nhiệm chính,” vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên nhận định.

Lợi dụng “tấm bùa” nạo vét, doanh nghiệp đã ngang nhiên sử dụng tàu hút cát công suất lớn để “rút ruột” lòng sông Hồng.

“Để nắm bắt rõ thông tin, đích thân tôi sẽ điều động “tổ kiểm tra đặc biệt” đi xuống hiện trường kiểm tra đột xuất. Có thể người đi công khai sẽ là đồng chí Lượng (Phó giám đốc Sở, phụ trách khoáng sản)-người đã quen thuộc với địa bàn, cá nhân tôi cũng sẽ xuống nhưng kín đáo hơn” ông Nguyễn Văn Phú chia sẻ.

Có dấu hiệu buông lỏng quản lý, dung túng cho “cát tặc”

Đó chính là nhận định của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp với các bộ, ngành và một số địa phương về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, diễn ra ngày 3/4/2019.

Theo đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng tình hình “cát tặc” đang trở lại với thủ đoạn tinh vi hơn, có nơi công khai, người dân không biết dựa vào đâu, phải tự đấu tranh với “cát tặc.”

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trái phép phức tạp trở lại là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm, có biểu hiện buông lỏng quản lý, thậm chí dung túng cho hoạt động này.

Báo cáo từ phía Bộ Công an cũng đồng nhận định về sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng thông qua những phát hiện các vụ việc các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng hình thức mua bán hoá đơn đã đưa một số lượng lớn cát được khai thác trái phép đi tiêu thụ gây thất thu thuế cho nhà nước, gia tăng tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

Để chấn chỉnh thực trạng khai thác cát trái phép núp bóng dự án nạo vét, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

“Cần xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương. Địa phương, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác, hoặc để tình trạng lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép và thành lập bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác,” Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Hoạt động khai thác cát trá hình “núp bóng” dự án nạo vét.
Cát được bơm lên bãi