ĐBSCL cần phát huy thế mạnh nông nghiệp

ThienNhien.Net – Đó là quan điểm được nhất trí trong buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển nhanh và bền vững ĐBSCL” ngày 22-4-2012 do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ GD-ĐT, Bộ GTVT, UBND TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Cổng TTĐT Chính phủ, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ tổ chức.

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nhận định rằng 10 năm qua (2001-2010), kinh tế các tỉnh, thành trong vùng đã có bước phát triển nhanh. Toàn vùng đã xây mới hơn 2.500 km quốc lộ, gần 70 tuyến tỉnh lộ, đồng thời, hệ thống thủy lợi, cụm, tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập sâu và xây dựng phát triển đô thị, giáo dục, y tế v.v… được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, các tỉnh ĐBSCL đã huy động trên 4.600 tỷ đồng xây dựng các công trình kiểm soát lũ, hoàn thành 35 công trình thủy lợi vừa và lớn, trong đó có 12 công trình phục vụ trên 2.000 ha đất nông nghiệp, 20 công trình kiểm soát lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.

Đại diện của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các bộ ngành và các tỉnh đều thống nhất rằng vùng có thế mạnh về nông nghiệp, nhất là trồng lúa, cây ăn trái và thủy sản nên cần đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu nông sản chung cho vùng và cho từng sản phẩm đặc thù. Giải pháp được các đại biểu tham gia buổi tọa đàm thống nhất là liên kết toàn vùng và liên kết “4 nhà” để phát huy được lợi thế chung của vùng cũng như lợi thế riêng của từng địa phương. Ngoài ra, việc liên kết toàn vùng còn để ứng phó với những vấn đề đang được quan tâm như biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã trả lời nhiều thắc mắc của người dân về các vấn đề: đầu ra của nông sản, việc đầu tư kho trữ và mua dự trữ lúa gạo cho nông dân; giải pháp thúc đẩy giáo dục, cơ sở hạ tầng giao thông… cho vùng.