Lời nguyền giữ rừng

ThienNhien.Net – Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, xã Khau Tinh, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang là xã đặc biệt khi nằm trọn trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung. Đặc biệt hơn, xã có 99% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 67%, thế nhưng dù nghèo nhưng bà con nơi đây nhất quyết không đụng đến rừng mặc cho nhiều kẻ có ý định đến xúi giục, trả tiền cao để bà con vào rừng chặt gỗ. Có lẽ việc giữ rừng đã có từ lâu đời, nó như một lời nguyền, một quy ước mà không một người dân nào dám phạm quy…

Đến Khau Tinh chứng kiến màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh luôn được bảo vệ giữ gìn, rừng luôn gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần và tâm linh của bà con nhân dân. Người dân ai cũng có ý thức bảo vệ rừng, như kho báu của cả cộng đồng. Anh Vi Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã bảo: Xã Khau Tinh có 4 thôn, 283 hộ gia đình với các dân tộc Tày, Mông, Dao đỏ… cùng sinh sống. Toàn xã có trên 8.300 ha diện tích rừng tự nhiên. Để giữ rừng bà con đều tự nguyện.

Một góc rừng tự nhiên xã Khau Tinh (Nà Hang - Tuyên Quang)

Dù xã chỉ có 4 thôn nhưng việc đi lại, giao lưu giữa các thôn còn vô vàn khó khăn. Vậy mà, hễ khi có thông tin gì về cháy rừng hay hiện tượng chặt phá rừng thì già, trẻ, gái, trai trong làng nhanh chóng truyền thông tin cho nhau và cử người kịp thời đến báo các cơ quan có thẩm quyền cùng vào cuộc bảo vệ rừng.

Do địa hình phức tạp, lại nằm sâu trong rừng nên nhiều thôn ở Khau Tinh vẫn chưa có sóng điện thoại di động, để xã biết về tình hình rừng của từng thôn, bản, hàng ngày các thôn đều cử học sinh hoặc người trong làng đến UBND xã báo. Ông Hoàng Văn Liên, thôn Khau Tinh chia sẻ, hơn một nửa cuộc đời gắn bó với đất, với rừng đã cho ông biết bao kỷ niệm. Ông vẫn nhớ như in chuyện cách đây 2 năm khi làng phát hiện trên núi Quang – khu rừng gỗ nghiến, lâm tặc đang chặt gỗ quý. Hôm ấy trời mưa xối xả, đường trơn như bôi mỡ, điện thoại thì không có, nếu chạy bộ ra xã báo tin cũng phải mất cả tiếng đồng hồ, sợ bọn lâm tặc phá rừng quý, ông cùng bà con vội vã đội mưa, vượt dốc lên rừng xua đuổi lâm tặc. Thấy đông người, không thể chống cự được bọn chúng đành phải “bỏ của” để thoát thân. Cũng từ đó, lâm tặc “ngại” đến đất này.

Anh Chu Văn Giang, Công an viên của xã cho biết: Giờ đây ở Khau Tinh bà con ai cũng hiểu việc giữ rừng không chỉ có ý nghĩa như giữ được bản sắc văn hóa từ ngàn đời mà còn góp phần giữ nước, chống lũ quét, xói mòn đất đảm bảo điều hòa nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Vậy nên ngoài Luật Bảo vệ rừng theo quy định của Nhà nước, ở mỗi thôn bản đều có những quy định giữ rừng riêng như: Tuyệt đối không được phá rừng, đốt nương, làm rãy bừa bãi, khi đi lấy củi, lấy gỗ về làm nhà phải tận dụng những cây gỗ đã bị chết hay những thân gỗ tạp về dùng, mỗi làng đều có đội tự quản và phòng cháy chữa cháy rừng riêng…

Ai phá rừng bừa bãi đều bị xử phạt nghiêm theo quy định của làng, xã. Chẳng thế mà khi xã tổ chức các buổi tuyên truyền bảo vệ rừng đều thu hút đông đảo bà con nhân dân đến nghe. Riêng trong năm 2011, toàn xã đã có 270 hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng. Nhờ ý thức đó mà những cánh rừng già rộng lớn hàng nghìn ha ở Khau Tinh vẫn trường tồn cùng năm tháng.

Tuy nhiên, để công tác giữ rừng ở Khau Tinh đạt được kết quả cao, rất cần các cấp chính quyền quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; tập huấn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi trồng trọt… giúp đỡ bà con vươn lên cuộc sống no ấm. Cùng với đó, chính sách giao khoán rừng cụ thể đến từng hộ dân, gắn việc bảo vệ rừng với quyền lợi của người dân cũng là việc làm rất cần thiết. Như vậy, sẽ giúp việc giữ những cánh rừng đại ngàn trong vùng lõi Khau Tinh được bền vững trong tương lai.