Rùa Hoàn Kiếm ở Trung Quốc chết sau nỗ lực thụ tinh nhân tạo

Loài rùa hiếm nhất thế giới đã tiến gần hơn đến sự tuyệt chủng sau khi một con cái chết trong vườn thú ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào giữa tháng 4. Trên thế giới chỉ ghi nhận được ba cá thể còn lại của loài này.

Cái chết của cá thể rùa cái (danh pháp khoa học là Rafeltus swinhoei, và có nhiều tên gọi như Rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử, Giải Thượng Hải hay Rùa Hoàn Kiếm) xảy ra một ngày sau nỗ lực thụ tinh nhân tạo.

Rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử là loài rùa cực quý hiếm được tìm thấy ở Việt Nam và Trung Quốc (Ảnh: VCG/Getty Images)

Tờ Tô Châu hàng ngày cho biết cá thể Rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử, được cho là đã hơn 90 tuổi, đã chết trong vườn thú của tỉnh này sau khi nhân viên vườn thú cố gắng thụ tinh nhân tạo bằng tinh dịch từ một con rùa đực già hơn 10 tuổi.

Trong nhiều năm, vườn thú đã cố gắng để loài này sinh sản tự nhiên nhưng không thành công.

Theo các nhà bảo tồn, ngoài con đực ở vườn thú Tô Châu, thế giới chỉ ghi nhận được hai cá thể khác của loài này sống trong tự nhiên ở Việt Nam và không rõ giới tính.

Loài rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử là loài rùa nước ngọt lớn nhất thế giới, dài tới 1 m và nặng tới 100 kg.

Sinh cảnh chính của loài là sông Dương Tử và các tuyến đường thủy nội địa khác của Trung Quốc, tuy nhiên, các loài thủy sinh ở các con sông Trung Quốc đã suy giảm sau nhiều thế kỷ bị săn bắt, và trong nhiều thập kỷ gần đây là tình trạng ô nhiễm, giao thông thủy và gián đoạn sinh thái do các đập thủy điện.