Bức tranh trồng rừng Bắc Kạn (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Tuy có những tín hiệu tích cực nhưng câu chuyện trồng rừng và giữ rừng ở Bắc Kạn còn là nỗi trăn trở của những nhà quản lý địa phương. Cuộc phỏng vấn ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nông Văn Chí đã diễn ra lâu hơn so với dự tính của chúng tôi, cho dù ngay từ đầu người được phỏng vấn đã giao hẹn khoảng thời gian làm việc tối đa.

– Thưa ông, năm 2011 vừa qua Bắc Kạn là một trong số không nhiều địa phương trồng rừng vượt kế hoạch khá cao (121%), theo ông vì sao lại có được kết quả này?

Ông Nông Văn Chí: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh năm 2010 đã xác định trong giai đoạn 2011-2015 sẽ trồng mỗi năm 12000 ha rừng các loại. Tuy vừa rồi dự án trồng 5 triệu ha rừng của chính phủ kết thúc, Bắc Kạn không còn nguồn vốn hỗ trợ (chừng 40 tỷ đồng/năm) nữa nhưng với 80% diện tích là đất rừng nên tỉnh vẫn xác định trồng rừng là mũi nhọn kinh tế chủ lực và đã vào cuộc quyết liệt. Từ giữa năm 2010, tỉnh đã xây dựng các phương án trồng rừng cụ thể trong điều kiện của địa phương. Chúng tôi xác định Trung ương không hỗ trợ vốn nữa thì tỉnh tự bỏ kinh phí ra trồng rừng.

Tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách thu hút thêm các doanh nghiệp cùng tham gia trồng rừng, xây dựng một số cơ sở chế biến để đảm bảo đầu ra cho lâm sản. Ngoài ra, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực có thể cho người dân vay vốn ưu đãi trồng rừng, hướng dẫn bà con kỹ thuật, từ xử lý thực bì, chăm sóc cây con đến việc nắm vững chu kỳ sinh trưởng của từng loại cây để chặt tỉa đúng thời điểm và phòng chống cháy rừng. Rất mừng là bà con tham gia trồng rừng rất nhiệt tình. Nhờ thế mà độ che phủ rừng của Bắc Kạn đã đạt 57,5%.

Ông Nông Văn Chí

– Ông vừa nói đến việc người dân tự đầu tư trồng rừng?

Ông Nông Văn Chí: Từ thành công của 59.000 ha rừng đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập trung bình hàng chục triệu/năm cho nhiều hộ gia đình nên người dân đã thấy được lợi ích từ trồng rừng và tự bỏ vốn đầu tư. Từ 2010 trở về trước, mỗi năm người dân tự đầu tư trồng được khoảng 700-800 ha, riêng năm 2011 đạt hơn 2000 ha, chưa kể hơn 11.000 ha trồng theo Dự án 147. Người dân ý thức được hiệu quả trồng rừng và thực sự nhập cuộc, tôi cho rằng đó là thành công lớn nhất.

– Còn việc các doanh nghiệp tham gia trồng rừng?

Ông Nông Văn Chí: Vai trò của họ cũng rất lớn. Đến nay, chúng tôi cho phép 13 doanh nghiệp tham gia lập dự án trồng rừng và đã có 5 doanh nghiệp bắt đầu tham gia. Bước đầu cho thấy các doanh nghiệp đã đóng góp được một phần vào công tác trồng rừng của tỉnh, như năm vừa qua đã trồng được tổng cộng hơn 1000 ha. Khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp hiện nay là giải phóng mặt bằng, không dễ để đền bù thu hồi diện tích đã cấp cho người dân.

– Như vậy là mô hình của doanh nghiệp chưa hiệu quả như mô hình giao đất rừng cho dân?

Ông Nông Văn Chí: Bất cứ một mô hình nào cũng có ưu, khuyết điểm riêng, trong số hơn 150000 ha đất rừng đã giao cho hộ dân thì cũng có những hộ làm chưa tốt, nhưng nhìn chung việc giao rừng cho hộ dân đã phát huy hiệu quả. Người dân tự bỏ công, tự bỏ tiền đầu tư trên diện tích của mình nên rất chăm chút. Tạm thời có thể mô hình trồng rừng giao cho doanh nghiệp chưa hiệu quả bằng giao đất rừng cho dân, nhưng trồng rừng là việc lâu dài nên không thể đánh giá là mô hình này hiệu quả hơn mô hình kia.

– Mong ông chia sẻ thông tin về công tác chế biến lâm sản – khâu giải quyết đầu ra cho rừng sản xuất của tỉnh?

Ông Nông Văn Chí: Đây cũng là một vấn đề được Bắc Kạn ưu tiên giải quyết. Vừa qua chúng tôi khánh thành nhà máy ván thanh SAHABAK ở huyện Chợ Mới, mỗi năm sẽ tiêu thụ sản phẩm cho khoảng 4000 ha rừng trồng, cuối năm 2011 Bắc Kạn đã khởi công nhà máy chế biến gỗ MDF, dự kiến năm 2013 sẽ hoàn thành, mỗi năm tiêu thụ 108000 m3 gỗ tròn, tương đương với khoảng 30 000 ha rừng trồng. Tôi cho rằng đó là những tín hiệu tốt cho công nghiệp chế biến lâm sản của Bắc Kạn, sẽ có thêm nguồn tiêu thụ đầu ra cho bà con trồng rừng.

– Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy một nghịch lý là cây keo được coi là nguyên liệu chính cho công nghiệp chế biến nhưng bà con lại không trồng mà chủ yếu trồng mỡ. Ông lý giải thế nào về vấn đề này?

Ông Nông Văn Chí: Tôi thừa nhận là có thực trạng này. Nguyên nhân thứ nhất là tạm thời đầu ra cho cây mỡ dễ hơn cây keo, bà con cần tiền có thể lên đồi chặt mấy cây đem bán nhưng keo thì không thể, phải bán cả đồi cho nhà máy, và cây mỡ dù chu kỳ thu hoạch lâu hơn cây keo nhưng vòng vanh chỉ cần đạt 9 – 10 cm là có thể bán làm giàn giáo hoặc cột chống xây dựng. Tình trạng này có phần do bất hợp lý trong quy hoạch trồng rừng trước kia, cây keo được quy hoạch để phục vụ nhà máy giấy nhưng nhà máy này không ra đời được nên cây keo mất giá. Tuy nhiên với những nhà máy đã và đang được xây dựng thì đầu ra cho cây keo sẽ rất sáng sủa. Chúng tôi cũng đang khuyến khích bà con tăng cường trồng keo.

Chuẩn bị cây giống lâm nghiệp

– Mặc dù thành tích trồng rừng của Bắc Kạn cần được tuyên dương nhưng thời gian qua Bắc Kạn cũng được báo chí nhắc đến khá nhiều về tình trạng phá rừng tự nhiên. Phải chăng chỗ trồng cứ trồng, chỗ phá cứ phá?

Ông Nông Văn Chí: Việc rừng của Bắc Kạn bị xâm hại là có, đó là tình trạng chung và chúng tôi đang từng bước hạn chế. Tuy nhiên tôi xin đính chính lại, ở Bắc Kạn không có tình trạng phá rừng với quy mô lớn, chỉ có những cây gỗ có giá trị tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn hoặc rừng phòng hộ bị lâm tặc khai thác trái phép. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng rừng nên chúng tôi đang chỉ đạo các ban ngành vào cuộc quyết liệt để giảm bớt rồi tiến tới chấm dứt tình trạng này. Muốn thế cần vận động cho bà con thấy được lợi ích của mình gắn chặt với rừng, tức là bà con sống được với nghề rừng thì sẽ không tiếp tay cho lâm tặc nữa.

– Tức là lại quay trở lại bài toán sinh kế cho người trồng và sống bằng nghề rừng?

Ông Nông Văn Chí: Đúng vậy. Khó khăn lớn nhất với công tác trồng rừng của Bắc Kạn không chỉ là vốn trồng rừng mà là cách tạo sinh kế cho người dân gắn bó với rừng. Do hệ quả của việc chia đất nương rẫy manh mún trước kia mà hiện này phần lớn các hộ trồng rừng ở Bắc Kạn đều chỉ sở hữu diện tích khoảng 1 ha đổ lại, những hộ có diện tích lớn hơn cũng không hẳn tập trung ở một nơi mà rải rác, có hộ có 3 ha đất rừng nhưng gồm tới 12 – 13 mảnh. Với diện tích nhỏ và phân tán như thế, thật khó để người dân làm gì cho “ra tấm ra món”, đa phần người dân vẫn phải trồng thêm lúa mới đủ sống chứ chưa hoàn toàn trông vào nghề rừng được. Đó cũng là trăn trở của chúng tôi, sẽ phải có chính sách dồn điền đổi thửa để bà con có được diện tích trồng rừng lớn và tập trung hơn.

Phải nói thật là hiện nay đường sá từ những địa điểm trồng rừng sản xuất ra điểm tập kết lâm sản rất xấu, thậm chí là chưa có đường, khiến cho chi phí vận chuyển của bà con bị đội lên, lợi nhuận của bà con giảm đi, về lâu về dài sẽ không khuyến khích bà con trồng rừng. Chúng tôi sẽ cố gắng huy động mọi nguồn lực để cải thiện vấn đề này.

– Xin hỏi ông câu cuối cùng, định hướng trồng rừng năm 2012 của Bắc Kạn là gì? Sẽ vượt mức hơn 14000 ha của năm 2011?

Ông Nông Văn Chí: Không. Năm 2012 này, chúng tôi không đặt mục tiêu phải trồng vượt hơn năm 2011 mà cố gắng hoàn thành kế hoạch trồng 12000 ha và tập trung cho khâu kiểm tra, năm 2011, chúng tôi trồng đạt 121% kế hoạch nhưng mới chỉ kiểm tra, đánh giá được 115%.

Thêm nữa, chúng tôi sẽ có chính sách khuyến khích bà con thay đổi cơ cấu trồng rừng theo hướng có lợi nhất. Hiện nay, ước tính chi phí cho một chu trình trồng rừng (khoảng 7-10 năm) là 18 triệu/ha, bà con cũng chỉ trồng những loại cây không quá lâu năm nên thu được khoảng 80-100 m3 gỗ, tương đương trên dưới 100 triệu đồng, chia ra cho ngần ấy năm thì không phải là cao. Tới đây chúng tôi sẽ khuyến khích, hướng dẫn bà con thay đổi cơ cấu trồng rừng xem trồng loại cây gì để vừa tăng chất lượng rừng vừa đem lại giá trị kinh tế cao hơn, để bà con thật sự sống được bằng trồng rừng.

– Xin cảm ơn ông!