Thoi thóp sông Đồng Nai (1)

ThienNhien.Net – Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực. Chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh… Với lịch sử hình thành lâu đời và gắn liền với sự hình thành các vùng đất phì nhiêu vùng Đông Nam Bộ, các đô thị đang phát triển, sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong đời sống của hàng triệu cư dân ven hai bên bờ, trên suốt chiều dài gần 600km. Thế nhưng, chưa bao giờ sông Đồng Nai bị xâm hại nghiêm trọng như bây giờ! Sự khốc liệt này không còn là cảnh báo, mà đã phơi bày toàn diện chỉ sau vài năm các thủy điện vận hành, các đô thị phát triển ồ ạt… Phóng viên Lao Động thực hiện chuyến khảo sát dài ngày ngược xuôi từ thượng nguồn đến hạ du sông Đồng Nai.

Đoạn sông sau đập thủy điện Đồng Nai 4 giờ là dòng sông “chết”
Đoạn sông sau đập thủy điện Đồng Nai 4 giờ là dòng sông “chết”

Kỳ 1: Thượng nguồn tan hoang, hạ nguồn bị đầu độc  

Ở thượng nguồn, sông Đồng Nai không còn là dòng sông nguyên thủy mà đã bị băm vằm, chặt khúc thành những cái ao, những vũng nước tù, những đoạn sông “chết” dài miên man bởi các bậc thang thủy điện dày đặc trên dòng chính lẫn các chi lưu. Ngay ở nơi dòng sông bắt nguồn, nó đã bị “phanh thây”, “mổ bụng” đến mức chẳng loài cá tôm, chim chóc nào sống được… Còn ở hạ du, người dân đang bị nghèo đi do nguồn nước, thủy sản, phù sa… đều cạn kiệt.

Tham điện – bóp nghẹt dòng sông

Nghe ông Võ Thành Bảo – Trưởng phòng TNMT huyện Cát Tiên – nói, Cát Tiên xưa là vựa cá lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, giờ nguồn thủy sinh sông Đồng Nai đã cạn kiệt, ngư dân thất nghiệp hết rồi.

Dòng sông đã “chết”, có ngày chỉ còn một lạch nước nhỏ thoi thóp trườn qua bãi đá trơ, rồi bị giam cầm trong những vũng nước tù, đêm nằm nghe… muỗi hát. Đi dọc tỉnh lộ 721, ngược từ Cát Tiên ra Đạ Tẻh, đồng ruộng hai bên dài tới đường chân trời, bởi thế Cát Tiên được gọi là đồng bằng trên cao nguyên. “Nhưng nhìn vậy chứ làm ruộng bây giờ không ăn, phí tổn nhiều hơn mà năng suất không bằng xưa” – nông dân Lê Hai, ở xã Quãng Ngãi, huyện Cát Tiên – nói. Sát đám ruộng của ông Hai, vẫn còn những cột mốc đỉnh lũ cao 2m, nhưng gần chục năm nay lũ không về nữa. Do vậy đồng ruộng không còn được tôi rửa, không được sông mẹ Đồng Nai bồi đắp phù sa, chuột sinh sôi lúc nhúc rồi tha hồ cắn phá. Cứ thế đồng ruộng dần cằn cỗi, phát sinh nhiều dịch bệnh, năng suất bấp bênh…

Ông Phạm Văn Cúc – Giám đốc Cty Thủy điện Đồng Nai – kêu khó: “Mực nước tích trong lòng hồ thủy điện Đồng Nai giảm mạnh qua từng năm. Cuối năm 2014 có gần 900 triệu mét khối, thì đến cuối năm 2015 chỉ còn 50%, giờ thì dưới 50% rồi”.

Ngược lên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, những ốc đảo phủ xanh cây rừng là dấu tích còn lại của 2.600ha rừng đặc dụng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thuộc huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) bị chìm trong lòng hồ, trong khi phía Lâm Đồng cũng mất hơn 2.000ha rừng do thủy điện này. Toàn bộ diện tích này phải được trồng rừng thay thế theo quy định của Chính phủ, nhưng đến nay, ông Phạm Văn Cúc cho biết, công ty mới chuyển cho 2 tỉnh 113 tỉ đồng, tương ứng với diện tích trồng rừng thay thế 1.500ha.

Tiếp tục ngược dòng Đồng Nai, chúng tôi đến Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4, thấy cảnh tượng một đoạn sông gần 1km từ thân đập xuống nhà máy khô kiệt hoàn toàn, trơ đá lởm chởm, hai bên là một chỏm rừng lơ thơ sót lại.

Ông Lương Văn Ngự – Phó giám đốc Sở TNMT Lâm Đồng – thừa nhận: “Việc xây dựng quá nhiều công trình thủy điện như Đa Nhim, Hàm Thuận – Đa Mi, Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5… trên cùng một lưu vực sông sẽ làm mất đi dòng chảy sinh thái, ảnh hưởng đến hệ động – thực vật xung quanh lưu vực và hạ lưu. Các thủy điện cũng gây xói lở, rửa trôi đất, thay đổi chế độ thủy văn, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước… Mặt khác, gần như toàn bộ lượng phù sa đều tích tụ lại lòng hồ, làm giảm độ màu mỡ vùng hạ du…”.

Ông Ngự cũng đồng tình rằng một số công trình thuỷ điện chuyển nước sang lưu vực khác, hoặc công trình có kênh dẫn đã làm mất cân bằng nước phía sau đập và vùng hạ du, tác động tiềm tàng tới môi trường. Ngoài thủy điện Đồng Nai 3 và 4, thủy điện Đạ M’ri dẫn dòng về Đạ Huoai cũng tạo ra 5km sông không có nước vào mùa khô, thuỷ điện Đa Dâng 2 tạo ra 4km, thuỷ điện Đa Siat tạo ra 4km khô kiệt nữa… “Đây là những đoạn sông “chết” – ông Ngự nói. Thủy điện Đại Ninh cũng thế, làm mất nguồn nước ở thác nước Pong-gua đẹp nổi tiếng về mùa khô, nhưng lại nhấn chìm toàn bộ thắng cảnh Thác Gongah khi mưa về…

Dòng sông bị đầu độc

Thượng nguồn bị băm nát, bóp nghẹt bởi thủy điện, về đến hạ lưu, sông Đồng Nai lại lọt vào vòng vây ô nhiễm. Hàng trăm nhà máy, bệnh viện và cả người dân xả nước thải không thương tiếc, trực tiếp ra dòng sông. Hệ quả nhãn tiền chính người dân mưu sinh trên con sông này phải gánh chịu. Những đầm tôm, bè cá chết trắng vì ô nhiễm, những cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” dần biến mất, thay vào đó là một đại công trường mà người ta thi nhau xả thải, kinh doanh sản xuất ngay trên mặt sông, rồi lén lút xả thải vào ban đêm, khi trời mưa gió.

 Đoạn sông sau đập thủy điện Đồng Nai 3 khô kiệt hoàn toàn, trơ đá lởm chởm như người bị mổ bụng
Đoạn sông sau đập thủy điện Đồng Nai 3 khô kiệt hoàn toàn, trơ đá lởm chởm như người bị mổ bụng

Điểm nóng ô nhiễm ở hạ lưu sông Đồng Nai chính là khu vực TP.Biên Hòa, nơi tập trung đông dân cư, nhiều khu công nghiệp, bệnh viện, nhà hàng… Tất cả hoạt động sinh hoạt của người dân, sản xuất công nghiệp, nước thải y tế cũng đều được tập trung xả xuống sông Đồng Nai. Đáng lo âu là mỗi hộ dân đều thọc ống máy bơm để lấy nước từ sông Đồng Nai lên sử dụng và cũng ngang nhiên thả ống đường kính lớn gấp hàng chục lần thả xuống để xả thải. Hàng trăm ống xả thải có đường kính bằng cánh tay người lớn đều được đặt công khai xuống sông Đồng Nai.

Từ khu vực làng bè ngay dưới chân cầu Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), chúng tôi đi vòng qua khu vực KCN Biên Hòa 1. Đây là khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam và đặc biệt lại nằm bên sông Đồng Nai, hàng trăm nhà máy tường rào bao quanh dọc sông. Nhưng khi tới gần khu vực tường bao này, thấy ngay nhiều ống xả thải được thiết kế nửa kín nửa hở, cắm thẳng xuống lòng sông.

Suốt tuyến chúng tôi ghi nhận được hàng chục ống xả như vậy với đủ các kích cỡ từ to đến nhỏ. Đi sâu vào phía bên trong KCN Biên Hòa 1 là hàng ngàn hộ dân sinh sống xen lẫn với các nhà máy, xí nghiệp đang là thủ phạm hằng ngày làm ô nhiễm sông Đồng Nai. Hệ thống mương thoát nước lộ thiên nằm dọc một bên của tuyến đường chính chạy dọc KCN tới bến phà An Hảo màu nước đen kịt, bốc mùi hôi thối. Chị Mai Thị Lan – một người dân sinh sống tại KCN Biên Hòa 1 này – hồn nhiên nói: “Bây giờ không xả xuống sông Đồng Nai thì chúng tôi biết xả đi đâu?”.

KCN Biên Hòa 1 hình thành từ năm 1963, tổng diện tích 335ha. Đây là điểm nóng được chính quyền địa phương xác định là nguồn chính gây ô nhiễm ra sông Đồng Nai cần phải được xử lý ngay bằng cách di dời toàn bộ các nhà máy tại KCN này về KCN Giang Điền có hệ thống xử lý nước thải. Theo tài liệu PV thu thập được, hiện KCN này có 52 cơ sở phát sinh khí thải, khói, bụi, gây ảnh hưởng đến môi trường, có cơ sở vượt tiêu chuẩn tới 11,49 lần. Mỗi ngày, 97 DN đang hoạt động tại KCN xả ra hơn 9.000m3 nước thải, trong đó chỉ có 1.100m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại được các DN tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai, làm con sông này ô nhiễm nghiêm trọng.

Không chỉ vậy, các bến thủy nội địa không phép đang đua nhau hoành hành trên mặt sông Đồng Nai, đang biến nơi đây thành một “đại công trường” thu nhận cát từ khắp mọi nơi về. Suốt ngày đêm, hàng trăm ghe tàu, sàlan lớn – nhỏ chạy dọc sông Đồng Nai như trảy hội. Dọc đường chúng tôi đi, chứng kiến các sàlan, xáng cạp vẫn thi nhau múc cát, múc đá đổ lên những đoàn xe ben liên tục ra – vào tuyến đường dọc xã Tân Hạnh, khiến người dân đi lại rất lo ngại. Không những thế, tuyến đường cặp bờ sông Đồng Nai liên tục phải chịu đựng cảnh bụi cát – bụi đá bay mù mịt khi xe ben đi qua.

Trong khi đó, dưới sông Đồng Nai, sàlan qua, lại liên tục theo kiểu “mạnh ai nấy chạy”. Theo lộ trình thực hiện việc thanh thải, giải tỏa các bến thủy nội địa không phù hợp quy hoạch – tự phát thì đến cuối năm 2010 tất cả các bến không phù hợp quy hoạch, các bến hiện hữu, phát sinh đều phải dừng hoạt động. Nhưng thực tế, đã gần 4 năm sau thời điểm này, trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn còn hàng chục bến thủy nội địa không có giấy phép làm sông Đồng Nai trở nên đục ngầu trong ô nhiễm.

Ông Nguyễn Văn Diện – GĐ VQG Cát Tiên chở chúng tôi đi dọc sông Đồng Nai, một bên là VGQ Cát Tiên còn phía bờ còn lại thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo ghi nhận của PV, nếu phía bên VQG vẫn còn nguyên sơ, thì phía bờ đối diện, “cát tặc” đã thọc ống hút sâu vào trong bờ khiến sạt lở vào sâu hàng chục mét. “Chúng tôi luôn phải tuần tra kiểm soát không để cát tặc tấn công vào VQG Cát Tiên, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do phía bờ đối diện, cát tặc đã khai thác tới sạt lở khắp nơi. Nếu không cảnh giác có thể bị cát tặc cắm ống hút cát ở phía bên bờ sông của VQG Cát Tiên”.