Vật liệu siêu dính – ý tưởng từ tắc kè

ThienNhien.Net – Khởi đầu từ việc quan sát và nhận thấy khả năng bám dính đáng ngạc nhiên của loài tắc kè, nhóm nghiên cứu chủ yếu là các nhà khoa học polymer cùng nhà sinh vật học Duncan Irschick thuộc trường Đại học Massachusetts Amherst (Hoa Kỳ) đã nảy ra ý tưởng về một loại vật liệu mới mang tên Geckskin có khả năng giữ 1 vật nặng tới 318kg trên bề mặt tường trơn như kính.

Vật liệu dính Geckskin (Ảnh: Umass.edu)

Trước đây, người ta vẫn cho rằng tắc kè dễ dàng di chuyển trên những bờ tường trơn tuột, thẳng đứng bởi trên ngón chân nó là vô số sợi lông cứng cực nhỏ tạo lực bám dính cho các chi của tắc kè. Tuy nhiên, xét kỹ ra thì đó chỉ là một trong những yếu tố làm nên khả năng kỳ diệu ấy, ngoài ra còn cần phải tính đến nhiều yếu tố khác có ảnh hưởng lẫn nhau như gân, xương và da.

Nắm được mấu chốt quan trọng này, nhóm nghiên cứu nói trên đã nỗ lực tạo ra vật liệu dính Geckskin bằng cách dệt một tấm dính mềm lên một tấm vải cứng, cho phép tấm dính bao phủ trên một bề mặt tiếp xúc tối đa.

Theo mô tả, kích cỡ của Geckskin chỉ tương đương một tấm thẻ chỉ mục. Tuy có khả năng bám dính ấn tượng, song muốn bóc nó ra lại chẳng hề tốn sức, thậm chí nó còn có thể được tái sử dụng nhiều lần mà hiệu quả không đổi.

Thêm nữa, tấm dính Geckskin lại được sản xuất từ những vật liệu đơn giản thường gặp hàng ngày, như polydimethylsiloxane (PDMS), nên tương lai hứa hẹn sẽ có thể phát triển thành loại vật liệu dính bền, chắc, giá thành phải chăng.

Hiện các nhà nghiên cứu UMass Amherst đang tiếp tục cải tiến thiết kế của mình để những ý tưởng mới của họ sớm được hiện thực hóa và thực sự giúp ích cho cuộc sống con người.