Ý nghĩa bảo tồn từ lễ hội chọi dê

ThienNhien.Net – Không phải ngẫu nhiên mà Lễ hội chọi dê ở Hoàng Su Phì mới đây đã được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Giang cấp phép tổ chức chính thức vào ngày 4/2 âm lịch hàng năm trên quy mô cấp huyện, bởi ngoài giá trị giải trí, Hội còn mang ý nghĩa bảo tồn vô cùng lớn, không chỉ giúp bảo tồn và phát triển nguồn gen quý đối với các loại vật nuôi mà còn góp phần bảo tồn nét văn hóa, thể thao truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Lễ hội kịch tính và hấp dẫn

Từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, toàn bộ các xã thuộc huyện đã tổ chức Hội thi chọi dê cụm xã nhằm tìm ra 32 “ứng cử viên” sáng giá lọt vào vòng thi đấu tranh tài tại cấp huyện. Nói như một vị lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch Hà Giang thì đây chính là ngày hội văn hóa lớn của tỉnh và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào vùng cao, nhất là với những hộ tham gia chăn nuôi dê, phát triển kinh tế.

Không chỉ những chủ dê mới thể hiện niềm phấn khích với những phần thi dự tính đầy gay cấn của những chú dê yêu mà ngay cả người xem cũng ngập tràn niềm hân hoan, háo hức. Từ tờ mờ sáng hôm nay (đúng ngày 4/2 âm lịch, tức ngày 25/2 dương lịch), hàng ngàn người dân với những bộ váy áo súng sính sắc màu đã nườm nượp đổ về sân vận động trung tâm huyện chờ tiếng còi khai cuộc.

Màn "đấu võ" nảy lửa giữa hai "đấu sỹ" ngang tài ngang sức

Tiếng còi vừa dứt, tiếng sừng dê đã va lách cách vào nhau, tạo nên khí thế hưng phấn cho cả sân vận động, tất cả đều rạng ngời, hớn hở, và chăm chú dõi theo từng “vận động viên” mà mình cổ vũ.

Phỏng vấn nhanh một đại diện của xã Hồ Thầu tại sân, anh cho biết, anh cùng với “đấu sỹ” của mình đã phải vượt qua chặng đường núi hơn 30km để tới được đây. Và để chuẩn bị cho hội chọi này, từ hơn một tháng trước, anh đã phải dành thời gian lựa chọn, huấn luyện và lên chế độ chăm sóc đặc biệt cho chú dê khỏe mạnh nhất. Nhưng khi hỏi tới bí quyết chọn dê chọi thì anh và ngay cả nhiều chủ dê khác cũng nhất định không chịu tiết lộ, có lẽ họ đang hồ hởi chờ đợi giây phút chú dê của mình giành chiến thắng tuyệt đối.

Tuy nhiên, bí quyết ấy dần được hé lộ khi chúng tôi tiếp cận được một số già làng đến xem tại sân. Họ cho biết, trong mỗi đàn dê thường có một con đầu đàn là con đực có vai trò như một thủ lĩnh nhưng không phải để bảo vệ bầy đàn mà chủ yếu là giữ vai trò duy trì nòi giống bởi dê là một trong những loài động vật có khả năng dục tính cao, do đó phải chọn những chú dê có bộ dâu dài, sừng dáng cao, cơ bắp khỏe, đủ độ tuổi và cân nặng…

Được biết, cân nặng và độ tuổi là hai tiêu chí quan trọng nhất để phân loại các “đấu sỹ” dê. Cụ thể, nội dung cân nặng được chia làm 4 thứ hạng, từ 27 – 31 kg, 32 – 36 kg, 37 – 41 kg, 42 – 46 kg, mỗi hạng có 8 con, mỗi con phải đảm bảo đủ độ tuổi (ít nhất từ 3 tuổi trở lên). Với mỗi cặp đấu, tổ trọng tài phải chọn đúng hạng cân và độ tuổi, nếu không chúng sẽ không đấu với nhau vì các “đối thủ nặng ký” thường xem thường các “đối thủ nhẹ cân” hơn.

Nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý

Nếu không được ông Lù Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì chia sẻ, chúng tôi sẽ vẫn chưa hết lấn cấn và thắc mắc về ý tưởng từ đâu huyện lại tổ chức hội chọi dê.

Lý giải điều này, ông Chung cho biết: “Qua nhiều lần đi khảo sát tại các xã, tôi nhận thấy việc nuôi dê từ lâu đã được người dân xem trọng, duy trì, thậm chí họ còn thường tổ chức cho dê chọi với nhau để vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa hàm chứa quan niệm về sự sinh sôi nảy nở và sự trường tồn giống nòi. Từ đây, ý tưởng tổ chức lễ hội chọi dê bắt đầu hình thành, mục tiêu không chỉ  nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gien quý đối với các loại vật nuôi mà còn góp phần bảo tồn vốn văn hóa, thể thao truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, qua đó thúc đẩy phong trào chăn nuôi trong các hộ gia đình phát triển, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế địa phương”.

Những chú dê to khỏe nhất sẽ được chọn để nhân giống, bảo tồn gen

Đến ngày 28/9/2011, giải chọi dê lần thứ nhất chính thức được khai mạc tại các xã thuộc huyện với 08 cặp đấu thuộc 04 hạng cân (20-25 kg, 26-30 kg, 31-35 kg, 36 – 40 kg).

Giải đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện.

Từ kết quả này, huyện đã xây dựng kế hoạch thi chọi dê cấp cụm tại xã Thông Nguyên vào ngày 23/10/2011 và vòng thi đấu quy mô cấp huyện vào ngày hôm nay.

Điểm đáng lưu ý là khác với những lễ hội chọi trâu hay chọi bò, kết thúc hội chọi, những “đấu sỹ” dê không những không bị thịt mà ngược lại, tiếp tục được chủ dê chăm sóc chu đáo, băng bó vết thương trước khi thả về “đại gia đình”.

Đặc biệt, qua hội chọi, địa phương sẽ phối hợp với các hộ gia đình có dê to khỏe để nhân giống và bảo tồn nguồn gen, qua đó thúc đẩy phong trào nuôi dê trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con.