Nông thôn mới nơi địa đầu tổ quốc (Kỳ 2)

Kỳ 2: Xây dựng nông thôn mới gắn với làng văn hóa du lịch

ThienNhien.Net – Một yêu cầu quan trọng trong chương trình xây dựng NTM của Hà Giang là phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa, với hy vọng đây sẽ là điểm nhấn thu hút du khách, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Mỗi huyện một làng văn hóa

Vị trí địa lí nằm trong tua du lịch Đông Bắc – Tây Bắc, sở hữu nhiều danh thắng hùng vĩ cùng vô vàn lễ hội, phong tục đặc sắc, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Hà Giang. Ngay sau khi Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ban hành Thông tư số 17/2011/TT – BVHTTDL ngày 16/1/2012 quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”, tỉnh lập tức triệu tập hội nghị cụ thể hóa tiêu chí “Xây dựng làng văn hóa du lịch (VHDL) tiêu biểu gắn với xây dựng NTM” để đẩy sớm việc triển khai.

Một góc Khu du lịch sinh thái cộng đồng Panhou tại xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì - Hà Giang) - nơi tiêu biểu về làng văn hóa du lịch gắn liền với xây dựng nông thôn mới

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM Hà Giang Đàm Văn Bông cho biết trong những năm qua tỉnh rất chú trọng xây dựng Làng VHDL cộng đồng. Tính đến hết năm 2011, tỉnh đã triển khai xây dựng 46 làng, trong đó đã hoàn thành được 29 làng, chủ yếu của bà con người Dao, Tày, Mông.

Điều thay đổi nhận thấy trước hết ở những nơi xây dựng làng văn hóa là một diện mạo mới cho nông thôn theo hướng tích cực. Người dân đã phần nào hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và tài nguyên. Một số Làng VHDL cộng đồng đã thu hút được khách du lịch trong và ngòai nước đến tham quan, lưu trú. Tiêu biểu có các thôn Tiến Thắng, Làng Mè ở TP. Hà Giang, Phìn Hồ của huyện Hoàng Su Phì, Nấm Dẩn ở huyện Xín Mần, Khuối Lác ở huyện Vị Xuyên hay Nậm Dịch ở Quản Bạ.

Tuy nhiên, việc xây dựng Làng VHDL cộng đồng trước đây chủ yếu do ngành văn hóa đảm nhiệm, nay được đặt trong tổng thể chương trình xây dựng NTM dài hạn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nên tỉnh Hà Giang xác định cần phải có lộ trình, bước đi chắc chắn, phù hợp. Cùng mũi tên nhưng làm sao để trúng được 2 đích, một mặt giúp đời sống văn hóa ở khu dân cư trở nên văn minh hơn, mặt khác giữ được bản sắc, phong tục để phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.

Trong năm 2012, tỉnh Hà Giang dự kiến xây dựng thêm 12 Làng VHDL tiêu biểu, mỗi huyện có ít nhất 1 làng, riêng TP. Hà Giang là 2 làng, tạo thành một chuỗi các Làng VHDL giúp du khách có nhiều địa điểm để lựa chọn và lưu trú lại lâu hơn. Các làng được lựa chọn phải nằm trong xã NTM, có bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, có các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo đáp ứng nhua cầu khách tham quan, có làng nghề truyền thống, phi truyền thống, đảm bảo các điều kiện để phục vụ lưu trú cho khách du lịch, có cổng làng, có mạng internet, tủ sách tại nhà sàn văn hoá truyền thống…

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Mai Phương, đại diện Công ty Khám phá Khánh Hoà, một đơn vị hiếm hoi đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Panhou tại xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì cho rằng, Hà Giang là một tỉnh mở cửa du lịch muộn so với nhiều địa phương phía Bắc khác. Nhưng đó không phải là bất lợi mà là lợi thế để Hà Giang rút ra bài học kinh nghiệm từ các tỉnh đi trước. Bà Phương nhiệt tình ủng hộ khi tỉnh Hà Giang có chủ trương xây dựng Làng VHDL gắn với xây dựng NTM bởi theo bà, đây là chủ trương đem lại lợi ích thiết thực cho bà con tại chỗ.

Bắt đầu từ những việc làm nhỏ

Tại Hội nghị “Xây dựng LVHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM” mới diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông thừa nhận, tỉnh không thể xây dựng ngay một lúc toàn bộ hệ thống các Làng VHDL cộng đồng bởi địa phương còn nghèo và nguồn kinh phí rất hạn chế. Do đó, tỉnh chủ trương khuyến khích các hộ gia đình và các cấp từ thôn, xã đến huyện triển khai từ những công trình đơn giản trước, vấp chỗ nào tỉnh sẽ tìm cách hỗ trợ chỗ đấy.

Phát huy sự sáng tạo, tại thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, bà con phát động phong trào làm bờ rào bằng cây chè shan tuyết, vừa bớt được khoản tiền xây dựng lại có thêm thu nhập và hình thành nên những con đường xanh, thân thiện môi trường.

Nhờ có nông thôn mới mà nhiều đồng bào vùng cao Hà Giang đã có nước sạch để dùng.

Thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì cũng đã thành lập Hội Nghệ nhân dân gian tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với chương trình NTM, hội viên là những thầy cúng, thầy mo có uy tín tại các bản làng. Từ một năm nay, hình ảnh những ông thầy mo tay cầm chai rượu, túi kẹo đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động người dân di chuyển chuồng trâu, chuồng bò ra khỏi sàn nhà, vận động bà con ăn ở vệ sinh ngăn nắp hay nhắc đôi vợ chồng đã có hai con không được sinh đứa thứ 3 đã trở nên quen thuộc.

Chén rượu và lời nói tâm tình của thầy mo khiến bà con vui vẻ tham gia xây dựng các công trình công cộng từ tờ mờ sáng đến tối mịt mà không đòi hỏi bất cứ một đồng tiền thù lao nào, có lẽ sức thuyết phục còn mạnh hơn bất kỳ lời giáo huấn nào của một cán bộ tốt nghiệp đại học hay của chiếc loa truyền thanh ra rả ngày qua ngày.

Làng Văn hóa Du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới, cái tên sang trọng ấy phải được bắt đầu từ cái chuồng bò. Ấy là cách nói vui, bởi việc triển khai xây dựng làng VHDL trước hết đi từ những việc dễ làm đối với bà con. Đầu tiên là di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa chỗ ở, đến nay đã triển khai được trên gần 1.000 hộ gia đình. Rồi sau đó, tỉnh cấp xi măng cho các hộ xây dựng công trình vệ sinh, làm bể nước , nay cũng đã có 4.000 công trình được sử dụng.

Chúng tôi có mặt tại thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang khi bà con nơi đây vừa khánh thành khu nhà văn hóa cộng đồng để phục vụ phát triển du lịch. Pố Lũng là nơi sinh sống của đa số bà con dân tộc Nùng, hiện thôn vẫn còn trên 50% hộ nghèo nên được thị trấn Vinh Quang chọn làm điểm phát triển LVHDL cộng đồng với hy vọng sẽ tạo bước đột phá về kinh tế. Theo hướng dẫn chỉ đạo từ tỉnh, thôn Pố Lũng đã xây nhà văn hóa đúng theo mô tuýp của dân tộc Nùng, bên cạnh nhà sàn bà con xây thêm một bếp ăn, một sân vận động để sau này khách du lịch lưu trú lại sẽ có chỗ vui chơi, ăn uống.

Được biết, Ban Tuyên giáo tỉnh Hà Giang đang phối hợp với Sở Xây dựng lập kiến trúc mẫu nhà của 22 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh để tiến tới áp dụng triệt để tới tất cả các địa phương khi tiến hành xây dựng nhà cửa, đặc biệt tại các LVHDL cộng đồng gắn với chương trình xây dựng NTM. Nếu Hà Giang thành công trong đề án này, đó sẽ là một bước đột phá không chỉ trong việc gìn giữ bản sắc vắn hóa để phát triển du lịch mà còn giúp tỉnh này gặt hái được thành công tiêu chí nhà ở trong bộ tiêu chí NTM.

Tính đến nay, tỉnh Hà Giang đã phục tráng được hàng chục lễ hội, phong tục, tập quán như lễ hội cấp sắc của người Dao, các lễ hội chọi dê Hoàng Su Phì, chọi bò Bắc Quang, chọi trâu Vị Xuyên… Tỉnh cũng liên hệ với làng nghề truyền thống ở nhiều nơi với ý định du nhập nghề thủ công mỹ nghệ vào địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm lưu niệm mang màu sắc đặc trưng, phục vụ du lịch.