Quảng Ngãi: Dân khắc khoải chờ tái định canh

ThienNhien.Net – Những khu tái định cư mới dành cho những hộ gia đình nằm trong dự án hồ chứa nước Nước Trong (huyện Tây Trà, Sơn Hà) đã cơ bản được xây xong. Những căn nhà mái ngói đỏ tươi, tường sơn màu xanh, vàng nổi bật giữa nền rừng xanh thẳm. Về ở nhà mới đã hơn 2 năm, những tưởng với số tiền đền bù và các chính sách hỗ trợ khác của nhà nước thì sẽ no cái bụng. Vậy nhưng, cũng ngần ấy thời gian, các hộ dân nơi đây vẫn đang khắc khoải từng ngày chờ được cấp đất sản xuất để được định canh, an cư lạc nghiệp.

Hăm hở về làng

Gần 10 giờ sáng, với các buôn làng khác, đa số mọi người đã lên nương rẫy sản xuất, nhưng ở khu tái định cư Suối Y 1, 2, 3 và Sà Lác (xã Trà Thọ, huyện Tây Trà) người dân lại ở nhà tụm năm ba bảy ngồi chơi.

Chị Đinh Thị Trên (33 tuổi) nằm trên võng vừa đung đưa vừa nghe nhạc bằng điện thoại trông rất sành điệu. “Sao không đi làm?”. “Rẫy có đất đâu mà lên. Ở nhà hoài cái chân buồn lắm, nhưng chịu thôi”. Trước gia đình chị ở khu vực lòng hồ Nước Trong. Sau khi được địa phương và nhà nước vận động, gia đình chị nhường đất, nhận đền bù rồi chuyển lên sống ở khu tái định cư này từ năm 2011. Trước khi đi, nhà nước thông báo đến nơi ở mới sẽ được bố trí đất để sản xuất, trồng lúa, trồng mì với diện tích lớn hơn nơi cũ, ai cũng hăm hở đi. “Nhưng đã 2 năm rồi vẫn không thấy đất đâu cả. Tiền nhà nước đền bù mấy trăm triệu đồng, ăn dần vào nên giờ gần hết rồi”.

Chị Trên vừa dứt lời, anh Đinh Văn Nhếch thêm vào giọng buồn xo: “Gia đình không có đất sản xuất, mọi người đi làm thuê, may mắn có việc thì ngày kiếm hơn 50.000 đồng, còn không thì ở nhà chơi. Cái chân không đi, cái tay không cầm dao rựa phát rẫy, lại rưng rưng nhớ rừng, nhớ rẫy. Vậy là liều đi lên rừng chặt cây, phát thực bì canh tác. Nhưng đến chỗ nào cũng bị người dân bản địa ngăn cản, bởi phần lớn đất ở đây là của họ. Đến bao giờ người dân mới có đất để trồng cây lúa, cây lang, cây mì?”. Anh Nhếch hỏi đột ngột khiến chúng tôi bối rối không biết trả lời sao.

Khu tái định cư mới dành cho các hộ dân vùng lòng hồ Nước Trong khang trang, người dân đã về ở hơn 2 năm nay.
Khu tái định cư mới dành cho các hộ dân vùng lòng hồ Nước Trong khang trang, người dân đã về ở hơn 2 năm nay

Đến Khu tái định cư Bắc Nguyên 2, xã Trà Thọ. Đây là khu tái định cư vừa được hoàn thành đảm bảo tái định cư cho 31 hộ dân khu vực lòng hồ. Cũng như nhiều khu tái định cư khác, nhiều hộ dân ở khu vực lòng hồ vẫn chưa chuyển đến vì chưa có đất sản xuất. Ông Đinh Văn Dương nói: “Từ ngày về nhà mới chẳng làm gì, cứ ngồi chơi xơi nước. Trước đây làm hơn 4.000m² đất, mỗi năm thu về hơn 50 bao lúa rẫy, no cái bụng”. Hỏi tiền đền bù đâu, ông Dương tỉnh queo: “Tiêu hết rồi”.

Không có công ăn việc làm nên người dân cứ vào rừng sẵn cây lớn nhỏ gì là chặt tất, miễn bán ra tiền. Hết lúa rẫy thì ăn củ rừng, rau rừng mà sống. Những tháng mưa, giáp hạt, đói quá thì xin nhà nước hỗ trợ. Ấy vậy nhưng trong những căn nhà mới ấy là ti vi màn hình phẳng, xe máy, điện thoại xịn, thanh niên ngả nghiêng uống rượu vui như tết. “Vui ảo thôi, cười đó rồi khóc đó. Có tiền dự án là sinh hư, rượu chè, đánh vợ, mua sắm bất kể”, ông Đỗ Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, cho biết.

Hai năm vẫn khai hoang

Theo Ban Quản lý dự án Hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong, để đáp ứng nhu cầu đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư, ban quản lý sẽ tiến hành đo đạc, san ủi, cải tạo gần 110ha đất để cấp cho hộ dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc cải tạo đồng ruộng cho dân chỉ mới dừng lại ở việc kiểm kê, đo đạc 30% tổng diện tích.

Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong, lý giải việc chưa khai hoang ruộng tại các khu vực tái định cư để cấp đất cho dân sản xuất là do diện tích kiểm kê, bồi thường lớn và có địa hình phức tạp, khó khăn trong công tác đo đạc. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác so với thực tế, nhất là tính pháp lý của đất. Việc hoàn thành công tác bồi thường để có đất khai hoang ruộng vườn còn chậm do chưa có tiền bồi thường… Cũng theo ông Thái, để sớm có đất khai hoang, cải tạo ruộng, sớm giao đất cho dân thì địa phương cần vận động nhân dân bị ảnh hưởng cho nợ tiền bồi thường và cho phép thi công khai hoang ruộng. Sau khi phương án bồi thường được phê duyệt, chủ đầu tư sẽ tiến hành chi trả cho người dân.

“Tuy nhiên, việc bố trí đất sản xuất cho dân hiện nay cũng gặp khó khăn do không có quỹ đất”, ông Đỗ Minh Lâm cho biết. Thực tế trên không những gây khó khăn cho chủ đầu tư mà cho chính người dân bởi khi lập dự án, hạn mức cấp đất ở cho mỗi hộ là 400m² nhưng khi tái định cư chỉ cấp hơn 100 – 250m² đất ở, không có đất để xây dựng công trình phụ.

Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, thừa nhận: “Hiện diện tích đất ở được cấp cho các hộ tại các khu, điểm tái định cư từ 160 – 250m²/hộ, không đủ 400m²/hộ cho tất cả các hộ tái định cư tập trung, do một số khu, điểm tái định cư không đủ quỹ đất để bố trí”.

Còn việc người dân thuộc diện tái định cư dự án hồ chứa nước Nước Trong vẫn chưa được giao đất sản xuất và chưa được hỗ trợ gạo, theo ông Dương Văn Tô, huyện Sơn Hà, 2 khu tái định cư Suối Tê đã giao đất ruộng, vườn rừng cho các hộ. Tuy nhiên, tại Khu tái định cư Đồi Gu đã giao đất ruộng nhưng chưa giao đất vườn rừng và sẽ giao trong tháng 7-2013. Riêng ở huyện Tây Trà, mới chỉ đang khai hoang, lập phương án bồi thường, dự kiến cuối năm 2013 mới giao cho dân.

Theo kế hoạch, năm 2013 là năm cuối cùng tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành toàn bộ dự án hợp phần di dân, tái định cư. Thế nhưng hiện nay, theo đánh giá tiến độ thực hiện còn quá chậm, nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Năm 2013, nhu cầu nguồn vốn là 381 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến nay ban quản lý dự án này mới được bố trí kế hoạch vốn hơn 17,1 tỷ đồng. Vậy nhưng theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2013, ban quản lý dự án cần hoàn thành xây dựng 121 nhà ở tại khu tái định cư; thực hiện công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng trên tổng diện tích 323ha; thu dọn lòng hồ 56ha; chỉnh trang và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho 37 hộ di dân, san nền các khu tái định cư để bố trí cho 42 hộ dân; hoàn thành việc khai hoang ruộng, vườn rừng và giao đất sản xuất ổn định cho các hộ dân…