Xây làng định cư giữa vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên: Lợi bất cập hại

ThienNhien.Net – Nằm lọt thỏm giữa vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, buôn Lách Ló (xã Nam Ka, huyện Lắk, Đắk Lắk) bị tách biệt như một ốc đảo. Dù đã được chính quyền đồng ý đầu tư trung bình 1,3 tỷ đồng/hộ dân, nhưng việc lập làng định cư ngay trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mà không thể lường hết…

Nhọc nhằn Lách Ló…

“Không điện, không đường, không trạm” là thực tại của buôn Lách Ló. Toàn buôn hiện có 44 hộ, với 172 nhân khẩu nhưng đã có tới 34 hộ nghèo. Để vào được Lách Ló, từ trung tâm xã Nam Ka chỉ có hai lối duy nhất. Một là băng qua đỉnh Nam Ka, lội bộ chừng 10km đường rừng qua những triền núi dốc thẳng đứng. Hai là vòng sang xã Ea Rbin, sau đó lội rừng chừng gần 10km nữa. Lối này tuy ít dốc, dễ đi nhưng lại xa.

Sau gần 2 giờ đồng hồ lội bộ xuyên rừng cùng những cán bộ của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka, chúng tôi cũng đến được buôn Lách Ló. Trước mắt là một dải đất trống mênh mông nằm lọt thỏm bốn bề rừng núi.

Theo Buôn trưởng Y Vinh Hđruế, cách đây vài năm, dân Lách Ló muốn có mắm muối phải đi bộ ra tận xã mua về. Từ khi có thông tin về dự án ổn định dân tại đây, ở Lách Ló đã có quán. Mà cái quán duy nhất của buôn chỉ bán vỏn vẹn mấy món “đặc sản” như thuốc lá, cá khô và muối. Đồng thời, quán cũng là nơi thu mua mì, bắp của dân. Cũng vì đường giao thông đi lại quá khó khăn mà dân Lách Ló chỉ ra trạm y tế của xã khi nào đau rất nặng.

Lách Ló cũng có điểm trường nhưng chỉ dạy đến lớp 3 do một giáo viên phụ trách. Giáo viên Phan Đắc Vỵ (23 tuổi, quê tận Hà Tĩnh) đã “bám trụ” nơi đây gần 1 năm cho biết, đa phần người trong buôn đều mù chữ. Học sinh lớp 4 trở lên phải ra tận xã học, đường khó quá nên chẳng mấy em trụ nổi một năm…

Những lam lũ, nghèo đói bủa vây trẻ em Lách Ló chỉ vì nơi đây quá tách biệt với thế giới xung quanh
Những lam lũ, nghèo đói bủa vây trẻ em Lách Ló chỉ vì nơi đây quá tách biệt với thế giới xung quanh

Cùng cực là thế nhưng dân Lách Ló vẫn quyết bám trụ lại buôn. Họ bảo rằng nơi đây là chốn chôn rau, cắt rốn của ông bà nên họ chỉ cần có con đường, đập thủy lợi và cái điện thắp sáng thế là ổn.

Sau nhiều lần vận động họ ra khỏi rừng không được, huyện chiều lòng dân đề xuất lên tỉnh duyệt đồng ý cắt 970,3ha đất của rừng phòng hộ Nam Ka và bỏ ra 53,7 tỷ đồng để làm đường, kéo điện và xây đập thủy lợi cho dân. Như vậy, tính ra mỗi hộ dân được đầu tư đến hơn 1,3 tỷ đồng.

Hỏi chừng ấy tiền dân đã yên chưa, ông Y Ban HDớt, Phó Chủ tịch huyện Lắk chỉ biết lắc đầu. Nhiều cán bộ từ tỉnh đến huyện khi được hỏi chuyện này cũng tỏ ra rất “hoài nghi” không chỉ vấn đề khai thông cái đầu cho dân Lách Ló mà sẽ có rất nhiều hệ lụy kéo theo một khi dự án hoàn thành.

Họ không thể hết khổ nếu không thay đổi được nhận thức, bỏ được tính ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Và khi Nhà nước không còn hỗ trợ được nữa thì người dân lại vào rừng chặt phá rừng là điều khó tránh khỏi.

Và những hệ lụy…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka lo ngại: “Toàn bộ buôn Lách Ló nằm giữa vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên, việc triển khai dự án sẽ xóa bỏ khoảng 899,3ha rừng đặc dụng nằm trong phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt. Khi thực hiện dự án, hoạt động ra vào của các phương tiện cơ giới, con người sẽ đe dọa nghiêm trọng đến việc bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm…”.

Ngoài ra, việc mở hơn 10km đường đi qua phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn, là cơ hội để đám “lâm tặc” lợi dụng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, gây áp lực cho chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Và cũng từ khi biết thông tin có dự án, một số đầu nậu đã thuê người dân vào rừng phát ranh, giành đất dọc hai bên tuyến dự kiến mở đường để trục lợi.

“Đơn vị đã phải tổ chức lực lượng đóng chốt ở hai đầu tuyến đường, trực 24/24, tuần tra, theo dõi không để người lạ vào rừng dụ dỗ người dân bán đất, sang nhượng trái phép…” – ông Nhật cho biết thêm.

Một ngôi nhà xập xệ, trống hoác nằm lọt thỏm giữa rừng già tại buôn Lách Ló
Một ngôi nhà xập xệ, trống hoác nằm lọt thỏm giữa rừng già tại buôn Lách Ló

Còn ông Lương Vĩnh Linh, Phó Giám đốc phụ trách Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) ở Đắc Lắk lại cho rằng: “Không nên để một lượng dân đông đúc như vậy trong vùng rừng đặc dụng, cho dù dân ở đó có khó khăn đến mấy. Nên tổ chức đưa họ ra những vùng tốt hơn vì về lâu dài, tính bền vững của dự án là rất kém, dù sau này cuộc sống của họ có khá lên thì cũng rất khó mà giữ được rừng”.

Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần tính toán lại tính khả thi của dự án, có như vậy những cánh rừng nguyên sinh của đại ngàn của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng mới hy vọng mãi mãi còn lại cho đời sau.