Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu tài nguyên đất, nước

ThienNhien.Net – Cùng trong ngày 9/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành 4 văn bản phê duyệt 4 thỏa thuận hợp tác nghiên cứu với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên đất, nước tại Việt Nam.

Hai trong số bốn thỏa thuận sẽ được Bộ thực hiện dưới sự tài trợ của Viện quản lý nước quốc tế (IWMI), bao gồm “Cơ hội phát triển cơ chế chia sẽ lợi ích để thúc đẩy quản lý đất và nước bền vững cho đất dốc vùng Đông Nam Châu Á” và “Quản lý nước trong vùng nông nghiệp miền núi: Cho an ninh lương thực trong tiểu vùng Mê Kông”, trong đó dự án thứ nhất nhận được tổng vốn viện trợ không hoàn lại 41,965 USD.

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Dự án này sẽ được thực hiện tại các xã thuộc lòng hồ Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Bản Chát, Lai Châu trong thời gian từ 2011-2013, nhằm xây dựng cơ chế chia sẽ lợi ích sử dụng tài nguyên giữa các cộng đồng dân tộc vùng cao và các đơn vị sử dụng nguồn tài nguyên nước, đồng thời hỗ trợ phát triển sinh kế cho dân vùng thượng lưu.

Trong khi đó, dự án còn lại được thực hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tập trung chủ yếu tại Hòa Bình, với tổng viện trợ không hoàn lại 5,000USD, thời gian thực hiện trong vòng 01 năm (2011). Mục tiêu của dự án nhằm phân tích, tổng hợp thông tin về hiện trạng của các phương pháp tưới nước cho cây trồng trên đất dốc.

Hai dự án còn lại lần lượt do Công ty Alsico Reource (Liên bang Nga) và Viện nghiên cứ Phát triển Pháp (IRD) tài trợ.

Dự án thứ nhất – “Thử nghiệm trên đồng ruộng về chất cải tạo đất – Bioagrolit có thành phần cơ bản là Zeolite tự nhiên ở vùng mỏ Zeolite Khotynets” – được thực hiện tại Đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông trong năm 2011, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại 20,000 USD.

Dự án thứ hai – “Quản lý xói mòn đất cấp lưu vực” – cũng được thực hiện trong năm 2011 tại thôn Đồng Cao, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội, với tổng viện trợ không hoàn lại 5,840 USD. Mục tiêu của dự án nhằm nghiên cứu thay đổi các hình thức sử dụng đất trong lưu vực dẫn đến xói mòn và rửa trôi dinh dưỡng trên bề mặt nhằm tìm ra phương thức canh tác hạn chế xói mòn đất.