Thấp thỏm định cư giữa đại ngàn

ThienNhien.Net – Chỉ vì không thuyết phục được già làng buôn Lách Ló đưa đồng bào ra khỏi rừng, chính quyền địa phương đã nhất trí chi 53,7 tỉ đồng để xây dựng khu định cư cho hơn bốn chục hộ giữa vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka. Gần 4 năm qua, dự án đên nay vẫn còn dang dở với lắm chuyện bi hài…

Trầy trật lối về Lách Ló

Tháng ba Tây Nguyên càng về cuối càng gay gắt nắng trên những nẻo đường vùng sâu lồi lõm khó đi. Đáp ứng nguyện vọng của đoàn nhà báo vượt chặng đường 130 km từ thành phố Buôn Ma Thuột vào xã Ea Rbin ở cuối huyện Lắk (Đắk Lắk) chỉ để được đặt chân vào Lách Ló, anh Nguyễn Văn Nhật – Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka đã phân công những tay lái lụa nhất của Ban đổ xăng đầy bình mấy chiếc xe máy chờ sẵn.

Gọi Lách Ló là ốc đảo chẳng ngoa tí nào. Đảo giữa biển rừng xa thẳm. Từ trung tâm xã muốn vào Lách Ló chỉ có hai cách để đi, cách nào cũng vất vả kinh hồn. Được biết nếu băng qua đỉnh Nam Ka thì gần hơn, nhưng phải lội bộ gần chục cây số bởi lối mòn đèo dốc dựng đứng chẳng xe nào leo được, tới nơi chẳng còn mấy thời gian và sức lực để đoàn trò chuyện với đồng bào. Chúng tôi chọn cách thứ hai xa gấp đôi là vòng sang xã Ea Rbin, sau đó bỏ ô tô trước căn lều hầm hập nóng của chốt kiểm lâm ở bìa rừng xã Ea Rbin, lên xe máy xuyên rừng.

Thiếu niên chở sắn khô trong buôn Lách Ló
Thiếu niên chở sắn khô trong buôn Lách Ló

Gần hai mươi năm làm phóng viên thường trú, quen dầu dãi mưa nắng với những chuyến đi ngang dọc xuyên Tây Nguyên, tôi vẫn rợn người trước những ngầm suối nối đôi bờ bằng những thân gỗ tròn khô mục to chỉ bằng bắp chân xếp dọc, buộc lái xe phải nhắm thẳng phóng qua như diễn xiếc, những vạt đất nghiêng chỉ chực tuột cả người lẫn xe xuống rãnh, những thềm đá lổm ngổm nhấp nhô xe rớt như cóc nhảy trên lối mòn âm u khuất dưới tán rừng vào Lách Ló. Câu chuyện giữa nhà báo với kiểm lâm ban đầu rộn rã, lát sau im phắc chỉ còn tiếng xe gầm rú và những giọt mồ hôi tập trung cao độ. Chàng kiểm lâm chở tôi tên Y Ninh Niêkdăm rắn rỏi khỏe mạnh trấn an: Chị đừng sợ, bọn em tuần nào cũng ra vào thay ca trên đoạn đường này. Mùa khô đi còn dễ, mùa mưa nguy hiểm hơn nhiều… Bỗng “ rầm” phía sau: Một chiếc xe đổ kềnh! Máu loang đỏ khuỷu tay tài xế. Vậy mà may nhờ lối mòn chạy được xe cày này, vài năm gần đây Lách Ló mới thôi cảnh khiêng bệnh nhân đi cấp cứu bằng võng.

Ôi cách trở ! Điều gì đã níu đồng bào khăng khăng đòi định cư ở vùng đất cằn cỗi xa xăm?

Bán kem trong rừng thẳm

Người có uy lực mạnh mẽ nhất trong buôn Lách Ló là nữ già làng H’Đrao Kmăl người dân tộc M’Nông, năm nay vừa tròn 70 tuổi, dân làng thường gọi bà là Đuôn Nái.

Cởi giày dép bước vào khung cửa nhà sàn, chúng tôi được già làng vui vẻ trải chiếu tiếp khách. Đuôn giải thích: “Lách Ló” có nghĩa là hoang vắng, tên gọi từ xa xưa của tổ tiên. Trải qua 2 cuộc kháng chiến đi theo cách mạng, đồng bào Lách Ló đã nhiều phen trôi dạt tứ tán. Năm 1975 ngay tại mảnh đất này chỉ còn 3 nóc nhà bám trụ. Từ năm 1986 đồng bào các nơi thiếu đất quay về đây quần tụ, bây giờ mới tăng lên được 44 hộ, 178 người cả lớn lẫn nhỏ.

Do giao thông cách trở, số người được học hành ở Lách Ló chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế hệ Đuôn Nái thì bà học cao nhất, tới lớp 6 nhờ chịu khó đi bộ ra tận huyện Lắk học nội trú. Lách Ló hiện tại cũng chỉ có 1 lớp học chung 1 thầy từ vỡ lòng tới lớp hai, sau đó muốn học thêm nữa phải ra xã, ra huyện. Nhiều chữ nhất chỉ có Y Dương con trưởng thôn Y Vin đang học cao đẳng ngoài phố.

Đuôn Nái xác nhận chính bà đã nhiều lần khước từ đề nghị của cán bộ tỉnh, huyện, xã về việc thuyết phục các hộ dân trong buôn chịu rời rừng để ra xã hay về huyện định cư. Đồng bào của mình đâu có biết cách xài tiền, đâu có trí khôn để buôn bán ? Đồng bào ra phố xài hết cái tiền của nhà nước rồi biết làm sao mà sống ? Ở trong này dù nghèo khổ cũng còn rượu cần, còn chiêng ché, còn rừng rẫy mồ mả ông bà, làm sao bỏ buôn đi được ?

Rời nhà già làng, chúng tôi sang thăm thôn trưởng Y Vin H’Druê. Anh sinh năm 1967, tự nhận mình mới học hết lớp một. Anh kể: Hồi trước đồng bào sống trên núi kia, bí thư Hải bên huyện Krông Nô tới thăm thương bà con khổ quá, khuyên bà con xuống đây bằng phẳng dễ sống hơn. Nghe nói bí thư Hải bây giờ là Chủ tịch tỉnh, chắc chừng nào buôn có điện để xem ti vi mới lại thấy ông (Ông Hoàng Trọng Hải, tân Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk – PV). Cách đây mấy năm, cán bộ huyện đến bảo dời làng ra vùng Suối Ba thì nhà nước sẽ cho mỗi hộ một tỉ đồng. Bà con ra đó thấy không có đất sản xuất, lại kéo nhau về. Bây giờ ở đây cả buôn Lách Ló vẫn sống chủ yếu nhờ củ mì và một ít lúa ruộng một vụ thôi, thiếu đói mấy tháng mỗi năm, nghe nói dự án còn đang làm điện đường trường trạm, chả biết chừng nào mới xong.

Giếng nhà trưởng thôn
Giếng nhà trưởng thôn

Nhà cửa phần lớn xộc xệch nằm rải rác thành nhiều cụm, cả buôn dùng chung hai giếng nước vì đào những nơi khác đều không trúng mạch, cơn khát trên những mảnh rẫy cằn như phả hơi nóng lên gấp bội vào những căn nhà sàn gỗ tre khô nỏ. Bỗng vẳng tiếng chuông kính coong,đàn trẻ em lem luốc từ mọi ngõ ngách túa ra vui mừng.

Thì ra có anh bán kem chịu thương chịu khó chở kem vào tận đây, 2 nghìn một que, chẳng lời lãi gì mấy nên bù lại, anh kiêm luôn dịch vụ đi chợ giúp buôn và tranh thủ gom góp nhôm nhựa khi quay về. Những vạt sân phơi đầy khoai mì chặt khúc vãi trên nần đất đỏ ba nghìn mỗi ký là nguồn thu nhập chính cho đồng bào. Anh kem que nhôm nhựa trở thành đại diện cho nền “ mậu dịch Lách Ló”. Nếu không, muốn có men ủ rượu hay chút cá thịt đổi bữa, đồng bào phải băng rừng 10 cây số ra chợ nhỏ Ea Rbin, hoặc đi bộ chèo thuyền qua sông Krông Nô 15 km mới tới được chợ Đức Xuyên.

Ngổn ngang bài toán định cư

Thuyết phục đủ cách, đoàn nhà báo chúng tôi vẫn không lấy được mẩu thông tin nào về tiến độ triển khai dự án định cư Lách Ló từ chủ đầu tư là UBND huyện Lăk. Dù đã nhận lời hẹn trước sẽ làm việc với đoàn nhà báo lúc 3h chiều tại UBND huyện, nhưng khi chúng tôi đến, ông phó Chủ tịch phụ trách mảng Nông lâm của huyện đang tiếp cấp trên ở một… điểm karaoke. Phó chánh văn phòng Ủy ban sau nhiều cuộc điện thoại dàn xếp đã năn nỉ chúng tôi vui lòng ra một điểm “uống nước chờ chút xíu, phó Chủ tịch sẽ về tiếp đoàn”. Chạy xe theo sự dẫn đường của Phó chánh văn phòng, hóa ra “điểm uống nước” lúc gần 4 giờ chiều lại là nhà hàng bề thế thuộc sở hữu của ông Chủ tịch UBND huyện. Lát sau, Không chỉ một mà cả 2 ông phó Chủ tịch UBND huyện cùng xuất hiện. Có lẽ đã bàn trước sao đó, hai ông lập tức giao hẹn “Giờ này chỉ có… uống và… hát, tuyệt đối không bàn chuyện công việc!”.

May sao hôm sau, tại trụ sở Vụ Địa phương II thuộc Ủy ban Dân tộc của Quốc Hội ở đường Lê Thánh Tông TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi được Vụ trưởng Nguyễn Xuân Đức và Vụ phó Y Dẫn Êban cởi mở trao đổi và cung cấp đầy đủ các văn bản liên quan.

Đọc kỹ hồ sơ, có thể thấy từ tháng 9/2009 UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký quyết định phê duyệt dự án định canh định cư với tổng mức đầu tư 53,7 tỉ đồng cho buôn Lách Ló, với quy hoạch ban đầu lên đến 970,3 ha chủ yếu thuộc diện tích các phân khu nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, mà Ban quản lý Rừng đặc dụng Nam Ka không hề được tham gia bàn bạc hay báo trước .

Vấp phải phản ứng từ nhiều phía, diện tích dự án được điều chỉnh nhiều lần. Năm 2011 tỉnh đã hoàn tất thủ tục cắt rừng giao cho buôn tổng cộng 102,8 ha. Đề phòng lâm tặc tranh thủ cơ hội móc nối mua đất, phá rừng, Ban quản lý Khu bảo tồn phải xin lại một mảnh đất nhỏ ở rìa buôn để xây 1 căn nhà cấp bốn làm trạm gác rừng số 7.

Vụ trưởng Vũ Xuân Đức cho biết: Bởi ách tắc nguồn vốn, năm 2010 dự án Lách Ló mới được rót 273 triệu đồng. Do có phản ánh tại kỳ họp quốc hội về việc cần kiểm soát các dự án đầu tư tràn lan, không hiệu quả nên sau đó việc cấp vốn phải tạm ngừng để các đoàn đi kiểm tra. Năm 2012 dự án được nhận tiếp 8 tỉ để làm 5 km đường, năm 2013 này mới có thêm 7,4 tỉ để làm hệ thống kênh mương thủy lợi.

Chúng tôi hỏi: Khi đi thực tế tại Lách Ló, đoàn Kiểm tra thấy ra sao ?

Vụ trưởng thú thật do đường quá khó đi, đoàn Kiểm tra đã không tới được Lách Ló, chỉ đến được xã Đắk Nuê là quay ra. Tuy nhiên, tin tưởng cán bộ địa phương có kinh nghiệm và trách nhiệm nên đoàn đã đề nghị không cắt bớt dự án nào.

Có một chi tiết nhỏ nhưng đáng chú ý: Số đối tượng được hưởng nguồn lợi trực tiếp từ dự án định cư Lách Ló so sánh giữa các báo cáo và thực tế rất khác nhau. Từ năm 2009, quyết định phê duyệt dự án của tỉnh đã chốt lại con số 61 hộ, 282 khẩu. Thế nhưng lượt nào báo chí thâm nhập thực tế vào Lách Ló cũng đều thấy số hộ số dân thấp hơn nhiều. Cho tới lần chúng tôi đến gần cuối tháng 3/2013 này, cả già làng lẫn buôn trưởng đều cả quyết mấy năm qua nhờ tách thêm hộ, sinh thêm con và nhận thêm một số hộ nơi khác chuyển về, tới nay Lách Ló mới có tổng cộng 44 hộ, 178 dân.

Buổi trưa ở Lách Ló
Buổi trưa ở Lách Ló

Những con số chênh lệch, việc dễ dàng cắt hàng trăm hecta vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên để xây dựng dự án định cư, cách từ chối cung cấp thông tin về dự án cho báo chí của chủ đầu tư không khỏi làm chúng tôi nghi ngại về khả năng giám sát, đánh giá đúng mức ý nghĩa và hiệu quả của dự án “siêu định cư” này.

Gọi là “ siêu định cư”, bởi với quyết định 2338 xây dựng dự án ĐCĐC Lách Ló được UBND tỉnh phê duyệt năm 2009, dù cứ tạm chấp nhận con số 61 hộ thụ hưởng như báo cáo, thì suất đầu tư bình quân cho mỗi hộ định cư lên tới trên 880,3 triệu đồng. Cùng thời gian đó, cũng về định canh định cư, Thủ tướng ký quyết định số 1342 cho các tỉnh khu vực Miền Trung-Tây Nguyên và Bình Phước được chi 1.674.997 triệu đồng để thực hiện 152 dự án nhằm sắp xếp ổn định cho 18.927 hộ dân, quy ra suất đầu tư ĐCĐC theo dự án của trung ương chỉ gần 88,5 triệu đồng/ hộ, chưa bằng… một phần mười so với dự án cấp tỉnh.

Suất đầu tư đó tất nhiên không chia cho mỗi hộ, mà hầu hết quy vào điện đường trường trạm, thủy lợi. Chưa biết tới bao giờ Lách Ló khó nghèo mới thực sự trở thành điểm son về định cư, trong khi nỗi lo lắng hiểm nguy vây bủa lực lượng kiểm lâm giữ rừng đặc dụng vẫn cứ lớn từng ngày…