Bảo vệ cá tự nhiên nhờ tín ngưỡng

ThienNhien.Net – Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ đang phải đối mặt với sự suy giảm và biến mất nhiều loài cá bản địa do nạn khai thác quá mức và việc xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên các dòng sông. Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm ấy nổi lên những điểm sáng. Đó là mô hình những khu bảo tồn nhỏ, gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.

Những khu bảo tồn này thường hình thành trên những vùng sông được coi là thiêng liêng đối với một nhóm cộng đồng dân cư . Chúng được người dân tại chỗ lập nên và quản lý qua nhiều thế hệ.

Khu bảo tồn cá Chippalgudde Matsya Dhama trên sông Tunga, Ấn Độ (Ảnh: indiawaterportal.org)

Nổi bật như khu bảo tồn cá Shringeri (trên Sông Tunga, thuộc bang Karnataka) được thành lập cách đây gần 1.200 năm, là nơi nuôi dưỡng khoảng 38 loài cá, trong đó có nhiều loài cá nguy cấp như cá Sahyadri mahseer. Cộng đồng nơi đây tôn thờ chúng như hóa thân của thần Vishnu. Mọi hành vi làm tổn hại đến loài cá này bị coi là tội ác.

Một khu bảo tồn khác là Chippalgudde Matsya Dhama, được thành lập trên 4km Sông Tunga, đoạn chảy qua vùng Teerhthahalli để bảo vệ hơn 27 loài cá, trong đó có nhiều loại cá quý như Mahseer và Puntius pulchellus. Khu bảo tồn Shishisla Matsya Teertha trên sông Kapila/Kumardhara hình thành từ năm 1930, hiện đang bảo tồn khoảng 18 loài cá quý.

Trên toàn Ấn Độ hiện có hơn 35 khu bảo tồn dạng này. Một số khu bảo tồn đã phát triển lớn hơn trong một vài thập kỉ gần đây nhưng lại bị suy giảm nặng nề về chất lượng nước. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, những khu bảo tồn như thế này tuy không phải là giải pháp tối ưu để cứu vãn sự suy giảm nhanh chóng hệ sinh thái nước ngọt bởi lẽ người ta không thể kiểm soát những yếu tố bên ngoài như ô nhiễm nguồn nước, nhiệt độ tăng… Về mặt quản lý nhà nước, những khu bảo tồn tự phát này cũng không được thừa nhận và đưa vào hệ thống quản lý chính thức.

Tuy nhiên, các khu bảo tồn nhỏ dựa vào tín ngưỡng đã góp phần quan trọng tác động lên ý thức con người, giúp bảo vệ một số loài cá và sinh cảnh trong một giới hạn nhất định. Đây cũng là nền móng để tiến tới việc liên kết các cộng đồng trong cùng một lưu vực sông, một yếu tố quan trọng góp phần cứu vớt những dòng sông khỏi ảnh hưởng tiêu cực của những hoạt động, dự án mang danh phát triển.

Ở Thái Lan cũng tồn tại những mô hình tương tự. Các nhà sư ở Thái Lan đã thành lập hơn 100 khu bảo tồn cá nước ngọt. Nhiều ngồi làng nằm ven sông Salween đoạn biên giới Myanmar và Thái Lan đã tham gia bảo vệ dòng sông này. Tại Lào, thông qua luật tục và thuyết duy linh, người dân địa phương đã gìn giữ nhiều hồ nước sâu hình thành trên sông Mê Kông. .