Trả lại thiên đường cho chim rừng Hawaii

ThienNhien.Net – Nhắc tới Hawaii, người ta thường nhớ tới một thiên đường nhiệt đới với những thềm hoa thơm ngát rực rỡ, những giống cây độc đáo cùng vô số loài chim, cá… đặc hữu quý hiếm. Chỉ đáng tiếc, kể từ thế kỷ XVIII, khi người châu Âu bắt đầu đặt chân đến đây, thiên đường này đã mất đi một số lượng lớn các loài động, thực vật, trong đó phải kể tới sự biến mất của trên 55 loài đặc hữu, hầu hết là chim rừng bản địa – chiếm gần 1/3 tổng số loài chim tuyệt chủng tính từ đầu thế kỷ XVIII. Hiện trạng ấy đã từng bước đưa Hawaii từ thiên đường nhiệt đới trở thành “thủ phủ tuyệt chủng” của thế giới. Quá trình biến đổi này diễn ra như thế nào và làm sao để cứu lại thiên đường đã mất chính là một phần của câu chuyện mà hai chuyên gia Alan Lieberman và Richard Switzer của Chương trình Bảo tồn các loài Chim có Nguy cơ Tuyệt chủng ở Hawaii thuộc Học viện Nghiên cứu Bảo tồn – Vườn thú San Diego chia sẻ.

 Mong ông chia sẻ đôi điều về lịch sử Chương trình Bảo tồn các loài Chim có Nguy cơ Tuyệt chủng tại Hawaii!

Alan Lieberman: Là chuỗi đảo biệt lập nhất thế giới, hệ động thực vật mỏng manh của Hawaii lâu nay rất dễ bị tổn thương trước những loài động vật “nhập cư” và tác động của con người. Mọi thay đổi môi trường do bàn tay con người tạo ra ngày càng đẩy nhanh tốc độ suy giảm loài, để rồi chỉ mới bước sang những năm 70 của thế kỷ XX, số loài tuyệt chủng tại quần đảo Hawaii đã tăng tới mức báo động. Dường như chẳng có gì ngăn chặn được sự tụt dốc này. Mặc dù chính quyền bang Hawaii đã thành lập một cơ sở gây nuôi các loài chim bản xứ, nhưng những nỗ lực của họ vẫn không đem lại hiệu quả.

Quạ Hawaii (Ảnh: Vườn thú San Diego/Mongabay.com)

Vào thời điểm bấy giờ, hầu như mọi sự quan tâm đều đổ dồn về loài quạ Hawaii (Corvus hawaiiensis), hay còn gọi là ‘Alala, vốn được coi là loài đặc biệt quan trọng trong những cánh rừng tự nhiên của Hawaii. Cục Động vật Hoang dã và Cá Hoa Kỳ (The US Fish and Wildlife Service) khi đó đã ký kết thỏa thuận với Quỹ Chim cắt Idaho (The Peregrine Fund of Idaho) để hỗ trợ bảo tồn loài ‘Alala. Tuy là một tổ chức chuyên bảo tồn các loài chim ăn thịt như chim ưng, đại bàng…, song Quỹ Chim cắt Idaho vẫn sẵn sàng bắt tay với những tổ chức khác, bao gồm cả Vườn thú San Diego – một tổ chức chuyên nghiên cứu, bảo tồn các loài thuộc bộ sẻ (Passeriformes), hỗ trợ tích cực cho dự án này.

Vậy hiện tại, trong khuôn khổ Chương trình Bảo tồn các loài Chim có Nguy cơ Tuyệt chủng của Hawaii, các ông đang nỗ lực bảo tồn những loài nào?

Alan Lieberman: Ngoài nỗ lực bảo tồn quạ Hawaii hiện đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên, chúng tôi còn tập trung vào hoạt động nhân giống ba loài chim rừng khác là chim hoét Myadestes palmeri, chim Pseudonestor xanthophrys và chim Loxioides bailleui. Đây đều là những loài cực kỳ nguy cấp, đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao mà người ta cho rằng chỉ có thể bảo tồn bằng cách gây nuôi và kiểm soát chặt chẽ. Để cứu ba loài chim nói trên, chúng tôi đã triển khai xây dựng hai trung tâm gây nuôi, một tại Đảo Lớn Hawaii và một tại Maui.

Không dừng lại ở đó, đối tượng bảo tồn của nhóm chúng tôi còn có ngỗng Hawaii (Branta sandvicensis), với cái tên quen thuộc là Nene – loài chim biểu tượng của bang Hawaii. Mặc dù vẫn chưa ra khỏi danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng xét trên nhiều phương diện, ngỗng Nene vẫn tiêu biểu cho một câu chuyện bảo tồn thành công bởi vào những năm 1950, chỉ có chưa đầy 30 cá thể ngỗng Nene còn sống sót, song giờ đây, chúng ta đã có hơn 1.000 cá thể ngỗng đang tồn tại trong điều kiện nuôi nhốt và gần 2.000 cá thể khác đang sống trong tự nhiên.

Theo lời ông Alan Lieberman thì đã có một thời, mọi sự chú ý đều nhắm vào loài quạ Hawaii. Ông có thể kể chi tiết hơn về loài chim này không?

Richard Switzer: ‘Alala là loài đáng chú ý nhất trong số những loài quạ sống trên Đảo Thái Bình Dương. Chúng có nhiều đặc điểm tương đồng với loài quạ lớn, về kích cỡ thì nhỉnh hơn hẳn các loài quạ khác tại khu vực này. Đặc biệt, đây là loài được đánh giá là sống chung thủy nhất vì chúng chỉ có một bạn tình duy nhất trong suốt cả cuộc đời. Qua chọn lọc tự nhiên, ‘Alala đã nhanh chóng tiến hóa nhằm đảm nhiệm vai trò của loài khỉ trong các cánh rừng tự nhiên Hawaii. Chuyện là thế này: quần đảo Hawaii vốn không có đủ thức ăn đặc thù cho loài quạ như xác động vật lớn hay các loại xác thối. Và hy hữu thay, để thích nghi với cuộc sống trên đảo, quạ ‘Alala đã phát triển thành một loài chuyên ăn quả, đóng một vai trò lớn trong hệ sinh thái rừng Hawaii bởi giờ đây, nó đã là một trong những tác nhân chính giúp phát tán hạt giống trong các cánh rừng tự nhiên. Nói cách khác, rừng và các loài chim khác trên đảo giờ đây đều phải phụ thuộc vào loài quạ này.

Nhưng khi các cánh rừng Hawaii bị thu hẹp thì số lượng của quạ ‘Alala cũng suy giảm theo. Cho đến đầu những năm 1990, trước khi xuất hiện những nỗ lực bảo tồn bằng phương pháp gây nuôi, số lượng của chúng chỉ còn vỏn vẹn 20 cá thể. Cá thể ‘Alala cuối cùng trong tự nhiên được nhìn thấy vào năm 2002. Hiện nay, nhờ được gây nuôi, chúng ta đang có hơn 90 cá thể quạ ‘Alala sống tại hai khu bảo tồn ở Hawaii.

Vì sao các loài chim Hawaii, như ‘Alala chẳng hạn, lại dễ bị tổn thương trước những tác động của con người?

Richard Switzer: Tất cả những loài chim có mặt trên đảo Hawaii vốn dĩ đã phát triển trong môi trường không có sự tồn tại của các loài động vật có vú ăn thịt, đồng thời rất dễ bị tổn thương trước những loài thú ăn thịt dưới mặt đất như chuột, mèo, chó, cầy Mangut… Chúng quen với môi trường sống như vậy đến mức những chú chim non rời tổ chẳng bao giờ cảm thấy lo sợ hay đề phòng bất cứ mối nguy nào từ mặt đất. Không may là kể từ khi con người mang tới đây loài lợn hoang và các loài thú có móng guốc như dê, hươu nai, cừu…, thảm thực vật tự nhiên của rừng Hawaii – nơi nuôi sống nhiều loài chim như quạ ‘Alala – đã dần dần biến mất. Rồi những dòng người từ phương Tây xuất hiện tại các hòn đảo hoang sơ của Hawaii đã vô tình mang theo cả ấu trùng của loài muỗi trong các thùng phuy nước ngọt. Tiếp đó, muỗi đã lan truyền bệnh sốt rét từ gia cầm sang các loài chim Hawaii vốn không hề có khả năng miễn dịch trước căn bệnh này. Hậu quả là phần lớn các loài chim rừng bản địa cư trú tại những vùng rừng thấp ở độ cao dưới 1.500m so với mực nước biển – môi trường sinh sôi lý tưởng của loài muỗi – đã không thể sống sót.

Một số loài chim bản địa đã tuyệt chủng tại Hawaii (Ảnh: Mongabay.com)

Lấy ‘Alala làm ví dụ, liệu điều kiện sống mới tại Hawaii đã cho phép giới bảo tồn trả chúng về tự nhiên chưa? Hay thời gian đã vô tình lãng quên ‘Alala và cả những loài chim rừng bản địa khác?

Richard Switzer: Đó cũng là chủ đề nóng hiện đang gây nhiều tranh cãi. Quạ Hawaii bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên chủ yếu là do môi trường sống bị hủy hoại, bệnh tật và sự xuất hiện của những loài ăn thịt. Việc đưa ‘Alala trở về với tự nhiên có thành công hay không chắc chắc còn phụ thuộc vào công tác quản lý môi trường sống và chúng tôi cũng đang trong quá trình xem xét những địa điểm khả quan có thể thả quạ ‘Alala. Nhất định, chúng tôi sẽ phải rút kinh nghiệm từ các lần thả tự nhiên hồi đầu những năm 1990, khi thả những chú chim đã qua nuôi nhốt mà không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu về môi trường sống cho chúng hay đẩy lùi những mối đe dọa rình rập chúng. Nếu đơn giản chỉ thả ‘Alala về với tự nhiên mà không quản lý chặt chẽ, nỗ lực của chúng tôi sẽ tiếp tục thất bại.

Trong số những mối đe dọa đối với quạ ‘Alala có một ẩn họa từ loài mèo hoang. Chúng không chỉ rình bắt chim non, mà còn lây lan một loại bệnh cực kỳ nguy hiểm gọi là Toxoplasma. Thêm vào đó, những loài thú có móng guốc như dê, lợn… cũng không ngừng tàn phá các thảm thực vật ở tầng thấp nằm trong những cánh rừng tự nhiên, làm thu hẹp nguồn thức ăn của loài quạ này.

Trước mắt, chúng tôi sẽ phải khoanh vùng, giám sát và tuần tra những khu vực dự định sẽ thả đầu tiên, đảm bảo hoàn toàn không có sự xuất hiện của thú có móng guốc hay loài mèo hoang dã để quạ ‘Alala có cơ hội đấu tranh sinh tồn trong thế giới tự nhiên. Đưa ‘Alala trở về với tự nhiên tất nhiên không dễ như thể “mở cửa lồng”. Trong năm qua, chúng tôi đã chứng kiến mùa sinh sản thành công nhất từ trước đến nay của loài quạ đặc hữu ở Hawaii này. Giờ đã có một quần thể quạ đủ để có thể nghĩ đến việc trả chúng về tự nhiên, nhưng chúng tôi sẽ chỉ lựa chọn những nơi cư trú thực sự được kiểm soát chặt chẽ.

Trước đó, chim hoét Myadestes palmeri cũng từng được nhân giống và trả về tự nhiên theo cách tương tự. Tính đến nay, chúng tôi đã thả được 200 cá thể Myadestes palmeri về khu vực rừng tự nhiên ở Kauai. Những thành công này chỉ có được sau một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và tôi tin rằng thành công sẽ còn đến với hai loài chim Pseudonestor xanthophrysLoxioides bailleui. Cũng xin được khẳng định, bản thân tôi không cho là thế giới của quạ ‘Alala hay những loài chim rừng Hawaii đã biến mất, nó chỉ đã và đang thay đổi mà thôi.

 Vâng, nhưng chưa rõ lý do nào khiến các loài chim rừng Hawaii lại nhận được tất cả những quan tâm và nỗ lực bảo tồn nói trên?

Alan Lieberman: Những người sống ở các quốc gia phát triển như chúng ta thường nhìn nhận các thách thức môi trường ở các nước đang phát triển một cách phiến diện, trong khi chưa một nơi nào trên Trái đất hứng chịu tỷ lệ tuyệt chủng như những gì xảy ra đối với chim rừng Hawaii, ngay trên đất Mỹ. Và nếu chúng ta, những người sống ở các nước phát triển, muốn đi hô hào người dân các nước Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Kenya, Madagascar… quản lý tốt hơn các vấn đề môi trường, thì chẳng phải chúng ta cần nêu gương trước sao? Giờ vẫn chưa là quá muộn để tập trung mọi nỗ lực cứu lấy những loài này. Thêm nữa, cũng như những gì còn lại của đa dạng sinh học hành tinh này, các loài chim bản địa của Hawaii cũng là di sản chung của nhân loại, và điều quan trọng là chúng ta đang làm phần việc của mình để cứu các loài bị đe dọa của thế giới.