Nỗi buồn ngày ông Táo

ThienNhien.Net – Trong khi không ít phong tục đẹp đang dần bị mai một thì tục cúng ông Công ông Táo và thả cá chép vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm vẫn được người dân ở vùng địa đầu cực Bắc duy trì đều đặn.

Năm nay, người dân phố núi Hà Giang lại đổ ra hai bờ sông Lô để thả cá chép, cung tiễn ông Công ông Táo về trời, tạo nên không khí tươi vui, đầm ấm trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp của một tục lệ đẹp, vẫn còn nhiều hành động thiếu ý thức của một bộ phận người dân.

Nhiều gia đình đựng cá vào hộp nhựa, bình thủy tinh, túi ni lông để đem đi thả nhưng khi thả xong thì lại quăng cả túi và hộp kèm theo vàng hương đã hóa, khiến lòng sông nổi lềnh bềnh đầy rác, bụi, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mĩ quan khu vực. Thậm chí, không ít gia đình đứng từ trên cầu Yên Biên II để thả cá và tung vàng hương, khiến bụi bay tứ tung, ảnh hưởng đến nhiều người qua lại.

Đáng buồn hơn, năm nào cũng vậy, nhiều người vừa thả cá xong thì lập tức bị một đội quân săn bắt cá trực chờ sẵn ở phía dưới, họ dùng cả chài, lưới, vợt để “tịch thu” phương tiện của ông Công ông Táo. Riêng ở khu vực cầu Yên Biên II năm nay có tới 4 tốp đi hớt cá chép, tốp nào cũng thu được những túi cá to và chật cứng.

Mặc dù những hành động thiếu ý thức nêu trên chỉ diễn ra trong một bộ phận người dân bởi không ít người cũng đã có ý thức thu gom rác ngay khi thả cá nhưng để duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại, thiết nghĩ, địa phương cần tuyên truyền và vận động người dân giữ gìn môi trường tốt hơn trong những dịp lễ, tết về sau.

Dưới đây là một số hình ảnh không đẹp mắt trong ngày Lễ Táo quân tại phố núi Hà Giang:

Việc thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp sẽ ý nghĩa hơn nếu người dân có ý thức bảo vệ môi trường
Thả cá chép từ trên cầu xuống sông Lô
"Ngư ông đắc lợi" trong ngày ông Công ông Táo

Nước sông cũng thêm ô nhiễm vì... vàng hương và rác