Tận dụng bùn đỏ xử lý ô nhiễm kim loại nặng trong nước thải

ThienNhien.Net – Tiến sĩ Nguyễn Trung Minh và đồng nghiệp, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công việc tận dụng thành phần có ích của bùn đỏ, để tạo ra một loại vật liệu mới có khả năng xử lý ô nhiễm kim loại nặng trong nước thải, thân thiện với môi trường, có khả năng hấp thụ cao, giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Bùn đỏ là sản phẩm (chất thải rắn) của quá trình khai thác Bauxit và tinh chế Alumina. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu xử lý bùn đỏ, nhằm mục đích loại bỏ một phần hoặc tiêu hủy an toàn và vận dụng thành phần có ích của nó.

Bùn đỏ ở nhà máy Alumi Tân Rai, Lâm Đồng (Nguồn: vinacomin.vn)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Minh, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế tạo từ bùn đỏ hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay, đáp ứng được cả 2 mục tiêu. Đó là giảm được lượng chất thải trong quá trình khai thác, chế biến Bauxit, vừa tận dụng chất thải dư thừa trong khai thác, chế biến quặng tạo ra loại vật liệu có khả năng xử lý các ô nhiễm ion kim loại nặng, các chất độc hại khác trong môi trường nước. Đây là nhu cầu thực tế và bức xúc hiện nay tại các khu kinh tế Tây Nguyên và nhiều địa phương, như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và ven biển Miền Trung.

Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, sự hấp phụ của vật liệu chế tạo từ bùn đỏ Bảo Lộc-Lâm Đồng với ion kim loại nặng Pb2+ và các thông số hóa lý, hấp phụ đẳng nhiệt khác, đã chỉ ra khả năng sử dụng bùn đỏ để xử lý ô nhiễm chất thải.

Theo công trình, bùn đỏ được trộn nhuyễn với với các loại phụ gia như dầu cốc, cao lanh, thủy tinh lỏng (Na2SiO3) theo tỷ lệ nhất định, thêm lượng nước phù hợp. Hạt vật liệu có đường kính cỡ 2,5mm, nung mẫu ở các nhiệt độ khác nhau từ 400-900 độ C. Mẫu được chọn có dung lượng hấp và % hấp tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu của một vật liệu hấp phụ thực tế.