Xây phim trường giữa lòng hồ Dầu Tiếng: Băn khoăn và lo ngại!

ThienNhien.Net – Từ hơn một năm trước, dự án phim trường kết hợp du lịch sinh thái tại khu đảo Nhím thuộc lòng hồ Dầu Tiếng đã được UBND tỉnh Tây Ninh giao cho Tập đoàn An Viên (AVG) và Công ty Pretrol Land (thuộc Tập Dầu khí Quốc gia Việt Nam) lập quy hoạch chi tiết với tổng kinh phí ước tính 1.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, phải tới thời gian gần đây, dự án này mới nhận được nhiều sự chú ý của dư luận cùng giới chuyên gia và các nhà quản lý, đa phần đều bày tỏ mối lo ngại đối với những tác động mà dự án có thể gây ra đối với sự an toàn của vùng hạ du cũng như chất lượng nước sông, đặc biệt là chức năng cung cấp nước tưới tiêu và điều tiết lũ của hồ Dầu Tiếng.

Hồ Dầu Tiếng có tổng diện tích 27.000 ha, đảm trách chức năng cắt lũ và cung cấp nước tưới tiêu, nước sinh hoạt, đẩy mặn… cho 5 địa phương Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM và Long An. Ngoài ra, hồ còn có nhiều vùng bán ngập và hàng loạt các đảo nhỏ vốn là địa điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, trong đó có đảo Nhím với diện tích 350 ha.

Hiện Tập đoàn AVG đã lập đồ án quy hoạch chi tiết dự án, đồng thời xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng) và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chuyển đổi, bổ sung chức năng khai thác du lịch tại lòng hồ nhằm phù hợp với mục đích đầu tư.

Đảo Nhím, nơi dự kiến xây tổ hợp phim trường kết hợp du lịch sinh thái (Ảnh: Người Lao Động)

Theo thiết kế, toàn bộ đảo Nhím sẽ được xây dựng thành tổ hợp liên hoàn phục vụ việc sản xuất các sản phẩm văn hóa về lĩnh vực truyền hình – điện ảnh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày. Cụ thể đảo được chia làm ba phân khu: khu thứ nhất (119 ha) được đầu tư làm trung tâm sản xuất – phim trường; khu thứ hai (108 ha) đóng vai trò là khu vực phối cảnh phục vụ việc đóng phim; khu thứ ba (133 ha) dự kiến xây khu du lịch sinh thái kết hợp làng điện ảnh.

Để đưa du khách cùng các đoàn làm phim đến đảo Nhím, một khu vực bến tàu rộng khoảng 3 ha cũng được quy hoạch để xây dựng ở phía bờ hồ thuộc địa phận thị trấn Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Chiều dài từ bến đến đảo khoảng 8,5 km.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu địa điểm xây dự án không phải là lòng hồ Dầu Tiếng, công trình thủy lợi đóng vai trò quan trọng với người dân vùng hạ du, và nếu UBND tỉnh Tây Ninh không “qua mặt” Chính phủ để chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của AVG.

Trên thực tế, nếu áp theo Điểm 2, Điều 3 Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi phải bảo đảm tính hệ thống của công trình, không chia cắt theo địa giới hành chính, phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật và dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc Tây Ninh chưa được sự đồng ý của Chính phủ đã chấp nhận chủ trương đầu tư dự án là vi phạm Pháp lệnh, đồng thời làm trái với Quyết định 498/TTg của Thủ tướng Chính phủ vốn quy định rõ hồ Dầu Tiếng không có nhiệm vụ phục vụ du lịch.

Không chỉ là vấn đề về thể thức hành chính, nhiều nhà quản lý và chuyên môn còn lên tiếng phản đối dự án vì những tác động tiêu cực mà nó có thể gây ra đối với môi trường, mực nước hồ và cả đời sống sinh hoạt của hàng triệu người dân.

GS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Thủy lợi TP HCM khẳng định, việc xây dựng phim trường trên đảo Nhím là không hợp lý vì khi nước lũ dâng cao, ngập đảo sẽ tạo thêm nhiệm vụ cứu hộ trong lũ cho ban quản lý hồ. Mặt khác, với số lượng người đông, phương tiện nhiều đồng nghĩa với khối lượng xả thải lớn, gây ô nhiễm hồ. Đó là chưa kể tới việc khó kiểm soát an ninh, trật tự khi lượng người ra vào phim trường quá lớn. Được biết, Hội đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét những bất hợp lý trước khi đồng ý cho xây dựng dự án.

Thêm điểm đáng lo ngại là thiết kế lũ của hồ Dầu Tiếng từ 23,1 – 25,4m nhưng nếu phim trường chỉ được xây dựng từ cao trình 24,5m, tức thấp hơn cao trình phòng lũ thì điều này không chỉ vi phạm thiết kế công trình Dầu Tiếng mà còn dẫn đến nguy cơ ngập phim trường, gây phát tán các nguồn ô nhiễm từ chính khu phim trường và các hoạt động chăn nuôi, sản xuất trên lòng hồ.

Đặc biệt, theo khuyến cáo của PGS.TS Lương Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển, việc xây phim trường ở hồ Dầu Tiếng còn có thể làm phát tán lượng lớn dioxin vốn đang tồn lắng dưới đáy hồ. Ông cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, lưu vực hồ Dầu Tiếng bị rải một lượng chất độc diệt cỏ rất lớn, khoảng gần 800.000 gallons, trong đó có hơn 304.006 gallons chất da cam (1 gallon = 3,785 lít). Nếu khai thác cát hoặc xây dựng công trình không hợp lý sẽ làm khuấy động các lớp trầm tích nhiễm dioxin thì chất độc sẽ phát tán vào nguồn nước hồ ngày càng nhiều. PGS.TS Thanh kiến nghị cần khảo sát kỹ trước khi đưa ra phương án xây dựng công trình.

Trái với những quan ngại nêu trên, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh lại cho rằng, việc xây dựng dự án sẽ không làm ảnh hưởng đến hồ Dầu Tiếng. (!?)

Tuy nhiên, theo thông tin chính thức từ bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh thì hiện tỉnh này chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho AVG để thực hiện dự án. Bà khẳng định, khi nào được sự chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì tỉnh sẽ làm việc với UBND TP.HCM để thảo luận những vấn đề liên quan, đồng thời tổ chức hội thảo lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học trước khi xem xét cấp phép.