Ung thư ở Trung Quốc – hệ lụy ô nhiễm

ThienNhien.Net – Ung thư đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ Y tế nước này, 1/4 số ca tử vong trên toàn quốc là do mắc ung thư. Đây đang là vấn đề nhức nhối và là bài toán khó đối với các giới chức Trung Quốc.

“Bóng ma” đằng sau sự ô nhiễm

Giống như nhiều nước đang trong quá trình công nghiệp hóa khác, ung thư không chỉ xuất hiện ở các đô thị sầm uất trên đất nước Trung Quốc, nơi ô tô được tiêu thụ nhiều hơn xe đạp và lượng tiêu dùng thịt đang tăng cao, mà còn tồn tại ở cả khu vực nông thôn. Trên thực tế, các “làng ung thư” đều xuất hiện do tình trạng ô nhiễm từ công nghiệp. Nếu tình hình không sớm được cải thiện thì nhiều khả năng cái Trung Quốc có được cuối cùng chỉ là một tương lai phồn thịnh nhưng tiềm ẩn đầy rủi ro.

Các làng ung thư sống chung với khí thải công nghiệp (Ảnh: Loudcanary.com)

Được biết, ung thư phổi hiện đang là chứng ung thư phổ biến nhất tại Trung Quốc. Số người tử vong từ căn bệnh chết người này đã tăng gấp gần 5 lần so với thời điểm những năm 1970. Ở các thành phố phát triển và năng động như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi mà không khí ô nhiễm gấp 4 lần New York, có tới gần 30% số ca tử vong vì ung thư là do ung thư phổi.

Ngoài việc gây ra các bệnh về ung thư, không khí ô nhiễm còn dẫn đến hàng loạt bệnh nguy hiểm khác như bệnh tim, đột quỵ, bệnh về đường hô hấp… chiếm 80% số ca tử vong trên toàn Trung Quốc.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc, hoạt động đốt than đá đã tạo ra 70% khí thải muội than che khuất mặt trời ở nhiều vùng miền, 85% khí SO2 gây ra sương khói, mưa axít và 67% khí NO2 gây hại cho tầng ô-zôn. Ngoài ra, đốt than còn là thủ phạm chính phát thải các chất gây ung thư và thủy ngân, thứ độc tính mạnh đối với não bộ. Riêng tro xỉ than, chứa các chất phóng xạ và các kim loại nặng bao gồm crôm, a-sen, chì, ca-đi-mi, thủy ngân, lại là nguồn chất thải công nghiệp rắn chủ yếu ở Trung Quốc.

Ô nhiễm khói than cùng với hiện tượng phát thải từ các ngành công nghiệp đang lớn mạnh và khí thải từ các phương tiện giao thông đang tăng lên nhanh chóng khắp Trung Quốc đã khiến bầu không khí ngày càng ngột ngạt, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Thêm vào đó, đất nước này còn có hơn một nửa số nam giới hút thuốc lá. Và theo thống kê hàng năm, cứ 10 người trong số 1 triệu người Trung Quốc chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá thì có 1 người chết do tiếp xúc nhiều với khói thuốc dù họ không hề hút thuốc.

Tại vùng nông thôn, 20% số ca tử vong xuất phát từ ung thư gan, phổi và dạ dày. Nguyên nhân dẫn tới những chứng ung thư này liên quan trực tiếp tới hiện tượng ô nhiễm nguồn nước bởi hóa chất, rác thải và nhiều chất gây ô nhiễm môi trường. Riêng tỷ lệ tử vong do ung thư gan ở nông dân Trung Quốc đã cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình của thế giới; còn ung thư dạ dày cũng cao gấp đôi tỷ lệ trung bình của thế giới.

Các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ đã “làm biến màu” sông ngòi, ao hồ bằng cách thải ra môi trường những chất độc hại. Ngay cả các mạch nước ngầm cũng trở nên ô nhiễm. Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc chỉ rõ một nửa số sông ngòi và hơn 3/4 số ao hồ ở Trung Quốc đều bị ô nhiễm nặng nề, nước trong các nguồn này không thể dùng cho sinh hoạt, dù đã qua xử lý. Song, thật trớ trêu, chúng lại là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho người dân.

Những “làng ung thư” xuất hiện

Theo một bản đánh giá của nhà địa lý học Lee Liu trên tạp chí Môi trường năm 2010, trong thời gian gần đây đã có hơn 450 “làng ung thư” mọc lên khắp Trung Quốc. Những cộng đồng này có một số lượng lớn người mắc cùng một loại ung thư và thường tập trung trong những khu vực nghèo đói dọc theo các kênh rạch hay các dòng chảy ô nhiễm từ khu công nghiệp. Trái ngược với nền công nghiệp Trung Quốc buổi ban đầu, phát triển dọc bờ biển, giờ đây các nhà máy lại tập trung ở những vùng có nhân công giá rẻ và lỏng lẻo trong quản lý môi trường, tạo nên một “vành đai ung thư” trên đất nước này.

Nước và đất đai tại những ngôi làng một thời ấm no đều bị “đầu độc” khiến những người trẻ khỏe ngao ngán rời đi nơi khác kiếm ăn, chỉ còn lại những người già yếu, nghèo khó và ốm đau vẫn cố bám quê mà sống.

Ông Liu còn cho biết trong một vài trường hợp trầm trọng như làng Huangmengying tại tỉnh Hà Nam, “tỷ lệ tử vong còn cao hơn tỷ lệ sinh và hiện tỷ lệ này đang gia tăng một cách chóng mặt”, tất nhiên không phải vì tuổi tác. Nguyên do xuất phát từ nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm lấy từ một nhánh phụ lưu sông Hoài, khiến khoảng 80% thanh niên trong làng mắc bệnh mãn tính, thậm chí trẻ 1 tuổi cũng bị chẩn đoán ung thư. Từ năm 1994 đến 2004, ung tư gan, dạ dày và trực tràng đã hoành hành dữ dội và là thủ phạm gây ra một nửa số ca tử vong ở làng Huangmengying.

Gánh nặng cho các thế hệ tương lai

Thế hệ trẻ của Trung Quốc và cũng là tương lai của đất nước này đang lâm nguy khi mà tỷ lệ khuyết tật bẩm sinh tại các thành phố lớn và trên toàn quốc đã tăng nhanh trong những năm qua. Các khu vực khai thác, chế biến than của tỉnh Sơn Tây là nơi có tỷ lệ khuyết tật bẩm sinh cao nhất thế giới, lên tới 8,4%. Trong khoảng 1 triệu trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng mỗi năm ở Trung Quốc, chỉ có 20 – 30% số trẻ được tiếp nhận điều trị, 40% phải chịu khuyết tật vĩnh viễn, số còn lại đều nhanh chóng tử vong sau khi sinh.

Trẻ em cũng là nạn nhân của căn bệnh ung thư (Ảnh minh họa: Hardrainproject.com)

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc lại có thêm hàng nghìn trẻ em sống gần các vùng mỏ chì, luyện kim và xí nghiệp sản xuất pin bị nhiễm độc. Tác hại của chì có thể làm suy yếu hệ thần kinh và sự phát triển nhận thức, gây chậm lớn, kìm hãm trí tuệ và giảm IQ. Rất nhiều câu chuyện thương tâm về những đứa trẻ mất đi cơ hội đến trường hoặc không có khả năng học tập đã xảy ra trên đất nước đông dân nhất thế giới này do chúng phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm chì.

Dễ thấy là phần lớn trách nhiệm đều do sự sơ suất của các ngành công nghiệp và sự lơ là trong quản lý của các quan chức chính phủ, song cũng cần lưu ý rằng một phần trách nhiệm đối với hiện trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc bắt nguồn từ bên ngoài biên giới quốc gia này. Rất nhiều chất thải được chất lên các tàu container nước ngoài và “đổ” trực tiếp vào Trung Quốc. Ngoài ra, những người tiêu dùng phương Tây đang cổ vũ cho các hàng hóa giá rẻ có xuất xứ Trung Quốc cũng gián tiếp góp phần gây ô nhiễm cho đất nước được mệnh danh là “công xưởng” của thế giới.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã công bố kế hoạch 5 năm mới nhất. Nhằm khẳng định quyết tâm bảo vệ môi trường của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, tờ New York Times trích lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo: “Chúng ta không bao giờ đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng nhanh và những sản phẩm kém chất lượng”.

Tuy nhiên, dù đã ra tuyên bố chính thức về tầm quan trọng của việc gìn giữ môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, Trung Quốc vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước để thúc đẩy sự minh bạch và quá trình thực thi luật môi trường hiện hành, chưa nói đến vấn đề bảo vệ. Nếu không làm được, gánh nặng từ ô nhiễm sẽ đe dọa, thậm chí làm mai một đi những thành tựu y tế của Trung Quốc suốt 60 năm qua. Thêm vào đó, nếu cứ phải đau đầu với đống hóa đơn viện phí ngày một chồng chất thì hẳn là các thành tựu kinh tế mà Trung Quốc đạt được cũng sẽ không còn bền vững với thời gian.