Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP có hiệu lực từ 1.1.2022, tiến tới loại bỏ 92% thuế hàng hóa được giao dịch giữa các bên ký kết đã phê chuẩn hiệp định, trong đó có Việt Nam.
Có 10 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là Australia, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, New Zealand, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Hiệp định thương mại tự do có 15 quốc gia, trong đó Indonesia, Malaysia và Philippines, dự kiến sẽ sớm được phê chuẩn. Việc phê chuẩn của Myanmar đang chờ các thành viên khác chấp nhận. Với Hàn Quốc, hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày 1.2.2022, 60 ngày sau khi văn kiện phê chuẩn được lưu chiểu.
Hiệp định RCEP cũng là lần đầu tiên Trung Quốc và Nhật Bản cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng tham gia một hiệp định thương mại tự do, theo Straits Times.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết, hiệp định RCEP sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế giữa Singapore và các bên tham gia RCEP khác.
Ông cho rằng, hiệp định có hiệu lực là minh chứng cho quyết tâm và cam kết của khu vực trong hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong thời điểm khó khăn.
Bộ trưởng của Singapore cũng bày tỏ mong muốn các bên còn lại sớm phê chuẩn RCEP để toàn bộ tiềm năng của thỏa thuận có thể được hiện thực hóa.
Ngoài xóa bỏ thuế quan, các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường ưu đãi bổ sung với những sản phẩm cụ thể.
Các doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường ưu đãi hơn và linh hoạt hơn để tận dụng lợi thế của chuỗi cung ứng khu vực.
Hiệp định RCEP được xây dựng dựa trên các hiệp định song phương hiện có mà ASEAN ký với các đối tác thương mại tự do. Các bên tham gia hiệp định chiếm khoảng 30% hoặc 26 nghìn tỉ USD GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới.
Hiệp định có 20 chương, bao gồm các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, thương mại điện tử và mua sắm công.