Lật lại vấn đề tích tụ đất đai: Cần gọi là “tập trung đất đai”

ThienNhien.Net – Không giống như Hà Nam, việc tích tụ ruộng đất ở tỉnh Thái Bình được thực hiện bằng cách chính quyền vận động nhân dân cho thuê đất. Đồng thời, xác nhận làm chứng hợp đồng cho thuê giữa người dân và doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho hai bên. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình, tích tụ ruộng đất trên địa bàn còn một số bất cập.

Cho thuê đất là việc của nông dân và doanh nghiệp

Ông Nguyễn Xuân Dương-Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình thông tin về tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh (Ảnh: Trần Dũng)

Theo ông Dương, tỉnh Thái Bình bắt đầu triển khai tích tụ ruộng đất từ năm 2015. Chính quyền các cấp đóng vai trò làm cầu nối kết nối giữa doanh nghiệp và người dân. Thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, căn cứ thực trạng sử dụng đất của từng cấp địa phương để dự kiến bản đồ tích tụ.

Ông Nguyễn Xuân Dương-Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình thông tin, Thái Bình có tổng 105.755ha đất nông nghiệp. Trong đó, 93.738ha sản xuất nông nghiệp, 885ha đất lâm nghiệp có rừng, 18.953ha đất nuôi trồng thủy sản, 50ha đất làm muối và 972ha đất nông nghiệp khác.

Xác định tích tụ ruộng đất nông nghiệp để tạo ra nền sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại tạo ra sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trong và ngoài nước. Liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, giữa sản xuất với chế biến và tiêu tụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Hình thành một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, chủ động trong biến đổi xu thế thị trường.

“Giải pháp tích tụ thực hiện qua tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn thông qua tích tụ ruộng đất. Các hình thức tích tụ gồm: Cho thuê đất, góp đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tích tụ phát triển sản xuất nông nghiệp tối thiểu 20 năm. Chính quyền chỉ vận động, tuyên truyền, việc thuê và cho thuê là thỏa thuận tự nguyện giữa người dân và doanh nghiệp. Khi hai bên đạt được thỏa thuận ký kết hợp đồng, chính quyền sẽ xác nhận hợp đồng làm chứng, đảm bảo hành lang pháp lý, quyền lợi cho hai bên. Hiện nay, tỉnh đã ban hành mẫu hợp đồng sử dụng cho tích tụ ruộng đất” – ông Dương cho hay.

Về cơ chế chính sách, tỉnh Thái Bình bảo lãnh cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê đất của người dân để phát triển hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với điều kiện không phá vỡ mặt bằng đất canh tác. Đối với tổ chức, cá nhân được hỗ trợ xúc tiến thương mại, hưởng chính sách khuyến nông, khuyến ngư theo các chính sách hiện hành của tỉnh. Đặc biệt, đối với người nông dân trong tuổi lao động có diện tích đất chuyển cho tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ được hỗ trợ đào tạo để chuyển đồi nghề đảm bảo đời sống.

Nên gọi là “tập trung đất đai”

Một phần diện tích 20,7 ha được tích tụ bàn giao cho Tập đoàn TH triển khai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư.   Ảnh: Trần Dũng

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Bình đã tích tụ được hơn 6.000ha đất nông nghiệp, gồm: Gần 3.200ha do các tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ và triển khai sản xuất; 2.891ha còn lại do các địa phương triển khai và được nhân dân đồng thuận.

Riêng diện tích 3.200ha nêu trên được tích tụ phần lớn theo hình thức thuê đất (chiếm 98,2%), phần còn lại là chuyển nhượng quyền sử dụng đất (0,7%) và góp đất (1,1%). Cụ thể: Có 38 tổ chức và cá nhân tích tụ ruộng đất có diện tích từ 2ha trở lên sản xuất: Trồng trọt chiếm 837,95ha, chăn nuôi 204,8ha, thủy sản 2.157ha; 1.876ha tích tụ có diện tích từ 10ha trở lên; các mô hình tích tụ lĩnh vực trồng trọt có giá thuê khoảng 60-80kg thóc/sào/năm, thời hạn thuê bình quân 5 năm, hiệu quả sản xuất cao hơn thông thường từ 1,2-1,5 lần.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình Nguyễn Xuân Dương cho rằng, quá trình “gom đất” chỉ nhắc đến khái niệm “tích tụ” là chưa ổn. Bởi vì tích tụ quá nhấn mạnh quyền sở hữu, bài toán ở đây là sản xuất lớn, phương thức sản xuất nào cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích, đặc biệt lợi ích người dân. Nhiều hình thức sản xuất khác như “Cánh đồng lớn”, HTX kiểu “góp đất” đều là sản xuất lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy cần phải đề cập thêm khái niệm tập trung ruộng đất.

Những ghi nhận thực tế

Chia sẻ về quá trình triển khai tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Xuân Dương bộc bạch một số bất cập tồn tại. “Một số hạn chế như vấn để thẩm quyền của cơ quan nhà nước, chủ yếu thực hiện vận động tích tụ. Hay như theo quy định cho thuê đất công ích không quá 5 năm thời gian chưa đủ dài để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất” – ông Dương nói.

Ông Nguyễn Văn Thụ- Chủ tịch UBND xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, từ tháng 1.2017, xã Dũng Nghĩa bắt đầu thực hiện tích tụ ruộng đất. “Xã đã họp Đảng bộ, chi bộ và toàn thể nhân dân thảo luận, người dân hoàn toàn nhất trí thực hiện tích tụ. quy hoạch dự kiến 65ha trên 3 vùng: Vùng I gồm 20,7 ha đất giao cho Vinashin trước đây, vùng II (vùng màu sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu) 21ha quy hoạch liên xã Dũng Nghĩa – Việt Hùng – Song Lãng, vùng III 22,4 là đất lúa gồm 3 thôn: Vô Thái, Dũng Hạ, Trà Động. Hiện đã bàn giao 20,7ha đất vùng I cho Tập đoàn TH triển khai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Việc tích tụ đất ở 2 vùng còn lại chưa xong, địa phương đang tiếp tục đàm thoại giải quyết một số kiến nghị của người dân” – ông Thụ nói.

Không nhất trí giá cho thuê

Theo ông Thụ, việc tích tụ đất vùng II và III chưa hoàn thành bởi người dân không nhất trí về giá cho thuê. Mức giá ban đầu là 800.000 đến 1 triệu đồng/sào/năm. Đất lúa tốt là 150kg thóc/sào/năm; đất xấu giá 120kg thóc/sào/năm. Ông Thụ nhấn mạnh: “Xã Dũng Nghĩa có dân số 5.600 người, có 211ha đất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 27 triệu đồng/người. Bà con cho rằng giá thuê trên là thấp, bởi như 1 sào ngô canh tác cho thu nhập từ 3-4 triệu đồng/sào. Quả thực mức giá ban đầu này hơi thấp”.

Ngoài vấn đề về giá cho thuê, người dân địa phương còn băn khoăn việc làm. Ông Thụ phân tích, như Tập đoàn TH chủ trương chỉ sử dụng 1 lao động/1,7ha, nhân công phải trong tuổi lao động. Những người ngoài độ tuổi lao động chắc chắn không được tuyển dụng. Số lượng được tuyển dụng sẽ rất ít. Bên cạnh đó, dân cũng đặt vấn đề liên kết, dân góp đất cùng làm, cùng chia lợi nhuận nhưng doanh nghiệp không đồng ý. Để hoàn thành tích tụ ruộng đất UBND xã Dũng Nghĩa đã phát phiếu xin ý kiến tới từng hộ dân và hiện tiếp tục đàm thoại tháo gỡ vướng mắc…