Tp.HCM đẩy mạnh phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

ThienNhien.Net – UBND TPHCM vừa ban hành quy định Số : 59  /2011/QĐ-UBND ngày  21 tháng 9 năm 2011 về các hoạt động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn TP, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, xả lũ, mưa lớn, mưa đá, triều cường, giông sét, lốc xoáy, vòi rồng, sạt lở, nước dâng, động đất, sóng thần.

Quy định nêu rõ các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả); xây dựng và triển khai kế hoạch hành động phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp để tổ chức phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả trong thời gian nhanh nhất khi thiên tai xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn được thành lập ở các cấp (từ phường xã đến TP), các ngành để tham mưu, giúp UBND các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương, đơn vị mình.

Các sở-ngành, quận-huyện cần quản lý, bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai theo phân công, phân cấp; kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng, mức độ an toàn của công trình; chủ động kế hoạch đầu tư kiên cố hóa, đầu tư xây dựng mới công trình phòng, chống thiên tai gắn với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm. Tại các địa bàn, khu vực trọng điểm, xung yếu thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, UBND các quận-huyện, phường-xã-thị trấn phải chủ động xây dựng phương án dự phòng để kịp thời ứng phó.

Quy định này cũng nghiêm cấm các trường hợp tạo ra vật cản, thu hẹp dòng chảy gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước; các hoạt động làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông, kênh, rạch, gây ngập úng, sạt lở, hư hỏng các công trình phòng, chống thiên tai…