Lệ phí cấp phép khai thác khoáng sản tối đa 100 triệu đồng

ThienNhien.Net – Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư về mức thu lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản.

Bộ đề xuất, với diện tích thăm dò nhỏ hơn 100 ha, mức thu lệ phí là 4 triệu đồng/01 giấy phép; mức phí tăng này sẽ tăng 2,5 lần, tương đương 10 triệu đồng/01 giấy phép nếu diện tích thăm dò từ 100 – 50.000 ha; và  15 triệu đồng/01 giấy phép là mức lệ phí áp dụng với diện tích thăm dò trên 50.000 ha.

Riêng với hoạt động khai thác khoáng sản, lệ phí cấp giấy phép khai thác cát, sỏi lòng suối tương đương ba mức: 1 triệu đồng, 10 triệu đồng và 15 triệu đồng, tùy vào công suất khai thác lần lượt là dưới 5.000 m3/năm, từ 5.000 m3 đến 10.000m3/năm hay trên 10.000m3/năm.

Cũng dựa theo diện tích khai thác và công suất khai thác hàng năm mà các tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải nộp mức lệ phí tương đương 15 triệu đồng, 20 triệu đồng hoặc 30 triệu đồng.

Mức lệ phí cao nhất là 60 triệu đồng, 80 triệu đồng và 100 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với việc khai thác các loại khoáng sản trong hầm lò, khoáng sản quý hiếm, khoáng sản đặc biệt và độc hại.

Đối với khai thác tận thu, mức thu sẽ là 5.000.000 đồng/01 giấy phép.

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

So với Thông tư 155/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 11/10/2010 về “Hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản” thì mức lệ phí đề xuất lần này không thay đổi nhiều, tuy nhiên chúng được đề xuất linh động hơn tùy theo diện tích khai thác, công suất khai thác, loại khoáng sản khai thác và mức độ độc hại trong quá trình khai thác.