Cà Mau: “Dẫn” rừng ra biển

Bờ kè ly tâm thí nghiệm tại một số địa phương tỉnh Cà Mau đã cho hiệu quả, tạo bãi gây rừng - Ảnh: Báo PLTP.HCM

ThienNhien.Net – Với hệ thống sông ngòi chằng chịt với chiều dài 8.000 km, bờ biển dài 254 km, mỗi năm sạt lở đã “cướp” đi 927 ha diện tích đất ven biển của tỉnh Cà Mau. Chưa hết, biến đổi khí hậu cũng góp thêm vào nguy cơ mất đất của Cà Mau khi nước biển dâng cao.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, bờ biển phía tây tỉnh này trước đây có cánh rừng phòng hộ ngoài đê dày đến 500m nhưng đến nay chỉ còn từ 30 đến 80 m, nhiều đoạn đã bị mất sạch rừng phòng hộ, thân đê sạt lở. Phía bờ biển đông Cà Mau, nơi chưa có đê biển, tình trạng sạt lở càng đáng báo động hơn. Theo Sở NN&PTNT tỉnh, những nơi như cửa Kinh Năm Ô Rô bị sạt lở sâu khoảng 400 m trong vòng năm năm qua.

Theo Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 20/9/2011, để chống lại nạn sạt lở bờ sông, bờ biển, người dân và chính quyền Cà Mau tốn rất nhiều tiền của và công sức. Nhiều biện pháp đã được áp dụng nhưng không mang lại hiệu quả về lâu dài. Trong hoàn cảnh đó, một phương pháp khoa học mới, hữu hiệu mang tên “kè ly tâm chắn sóng tạo bãi gây rừng” đã giúp địa phương này có được một phương pháp chống lại nạn sạt lở theo hướng bền vững.

Phương pháp mới này đã được thí nghiệm vào năm 2010, với 300 m kè ly tâm chắn sóng gây rừng, triển khai ngay tại đoạn đê nguy cấp nhất, thuộc địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Sau một năm chắn sóng, đoạn kè ly tâm này đã tạo ra một bãi đất phù sa trù phú, những cây mắm lấn biển đầu tiên đã xuất hiện.

Điểm nổi bật ở phương pháp này là kè chắn được sóng nhưng nước biển vẫn lên xuống bình thường, phù sa vẫn vào mé rừng tạo bãi. Nếu tiếp tục áp dụng phương cách này thì vài năm nữa Cà Mau sẽ có cánh rừng mới mọc lên, dẫn ra biển, đê sẽ được an toàn.

Phương pháp chống sạt lở dùng “kè ly tâm chắn sóng, tạo bãi, gây rừng” sử dụng cọc cừ bê tông ly tâm dự ứng lực (cắm sâu xuống lòng đất từ 5 đến 7 m thành hai hàng song song. Đầu cọc được kết lại bằng bê tông để giữ chặt thành một khối liên hoàn. Giữa hai hàng cọc thả đầy đá tảng. Với phương pháp này, hàng cừ có tác dụng chắn được sóng biển nhưng không làm ảnh hưởng đến thủy triều, dòng chảy, phù sa vẫn trôi được vào bờ tạo bãi. Theo tài liệu về cọc cừ bê tông ly tâm thì đây là loại cừ tròn có sức chịu lực, chống thấm rất cao, thích hợp với vùng ven biển, nước mặn, tuổi thọ cao hơn nhiều so với các loại cọc bê tông thông thường.