Không thể biến sông Mẹ thành hồ chứa

ThienNhien.Net – Chiều ngày 24/7/2011, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm mở bàn về vấn đề phát triển thủy điện trên sông Mê Kông, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Mạng lưới Môi trường Việt Nam tổ chức.

Chương trình diễn ra dưới dạng đối thoại không chính thức giữa đại diện một số tổ chức hoạt động về môi trường trong nước, nhà báo môi trường và nhóm chuyên gia phụ trách khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Stimson.

Bàn về nguyên nhân vì sao vấn đề phát triển thủy điện trên sông Mê Kông ngày càng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, TS. Richchard Cronin từ Trung tâm Stimson cho rằng điều này liên quan mật thiết tới 4 vấn đề quốc tế khác, đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, việc quản lý rủi ro các dự án đầu tư và vai trò gia tăng của Trung Quốc.

Song song với Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông của chính phủ Mỹ, Stimson cũng đang xúc tiến một dự án độc lập của mình nhằm thúc đẩy chính sách cho khu vực Mê Kông. Gần đây, Stimson đã ấn hành bộ phim Mekong Tipping Point(*), tham gia phiên điều trần trước quốc hội Mỹ về vấn đề Mê Kông, tổ chức một số cuộc hội thảo quốc tế, trong đó có hội thảo “Shared River – Shared Future” (tạm dịch: Chung một dòng sông – Chung một tương lai) mới diễn ra tuần trước tại Băng Cốc.

TS. Richard cho biết trong dự án thúc đẩy chính sách Mê Kông, Stimson quan tâm và hướng đến hai đối tượng, gồm là các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức xã hội, môi trường tại các nước trong lưu vực Mê Kông.

Ông chia sẻ, trong câu chuyện Mê Kông, khối các tổ chức ngoài chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng vì những thông tin và tiếng nói của họ sẽ là một kênh hữu ích đối với các nhà quyết sách, và ông đã nhận thấy vai trò của các tổ chức này đang dần được thừa nhận.

Chia sẻ với TS. Richard về mối quan ngại khi phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông, một số ý kiến nhấn mạnh rằng tác động của việc phát triển 12 bậc thang thủy điện trên dòng chính Mê Kông cần được soi xét một cách đầy đủ, phản ánh tác động tích lũy của cả hệ thống thủy điện lên lưu vực, mà không chỉ riêng Xayabury hay bất cứ một dự án riêng lẻ nào.

Tại buổi tọa đàm, một chuyên gia thủy điện của Việt Nam cho rằng, mặc dù xét về lợi ích trước mắt, Lào sẽ là quốc gia được hưởng lợi khi thu hút được các dự án thủy điện, nhưng chỉ xét riêng ba thủy điện lớn của Lào là Pak Beng, Luang Phrabang và Xayabury đã cho thấy rủi ro lớn.

Nguồn nước cấp cho các công trình này phụ thuộc hoàn toàn vào “sự hào phóng” của quốc gia đầu nguồn Trung Quốc sau khi đã tận dụng tối đa nguồn nước để chạy 8 thủy điện cực lớn ở vùng thượng nguồn, cách đó không xa. Không có gì đảm bảo những lợi ích hứa hẹn đối với Lào.

Điều này có liên quan đến câu hỏi lật lại vấn đề của một chuyên gia “Tại sao Trung Quốc lại lựa chọn thủy điện?”. Báo chí quốc tế từng đề cập đến một ý đồ của Trung Quốc nhiều năm trước đây, rằng sẽ phá bỏ những thác ghềnh trên dòng Mê Kông để biến dòng sông thành kênh lưu thông hàng hóa đường thủy.

Rõ ràng, trong bối cảnh thay đổi, nước ngày càng trở thành nguồn tài nguyên quý giá. Việc phát triển thủy điện ở các quốc gia có nguồn nước dồi dào đã trở thành một xu hướng tất yếu, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của nó đã được cảnh báo và chưa được tiên định hết.

TS. Richard cho rằng hệ thống đập lớn của Trung Quốc cho thấy phục vụ hai mục đích lớn, phát triển năng lượng để đáp ứng nhu cầu thúc đẩy nhanh nền kinh tế và lưu trữ nước, chưa bàn đến việc đã từng có những ý tưởng nhen nhóm việc chuyển nước vùng Lan Thương – thượng nguồn Mê  Kông ra ngoài lưu vực.

Nếu đặt ra bài toán đánh đổi với giả thiết người ta sẽ xây dựng 12 bậc thang thủy điện trên hạ nguồn dòng chính Mê Kông, có thể thấy mất mát cho toàn lưu vực sẽ là cực lớn, và như nhiều chuyên gia nhận xét “những mất mát ấy là không thể vãn hồi”, trong khi những lợi ích hứa hẹn là không đáng tin cậy.

Từ thượng nguồn cho tới công trình thủy điện cuối cùng trên đất Lào, Mê Kông sẽ hoàn toàn mất đi tính chất của một dòng sông. Đó không còn là dòng sông Mẹ của một nửa số quốc gia Đông Nam Á nữa mà bị chặt khúc thành bậc thang các hồ chứa. Không chỉ lưu vực Mê Kông, mà cả cộng đồng quốc tế sẽ vĩnh viễn mất đi một trong 12 dòng sông lớn nhất, quan trọng nhất.

Câu chuyện về thủy điện Mê Kông như chỉ vừa bắt đầu mở ra. Nó sẽ tiếp tục thu hút rất nhiều ý kiến bình luận, bàn cãi.

 

(*) Bộ phim Mekong Tipping Point đã được Trung tâm Con người và Thiên nhiên biên dịch và giới thiệu dưới tiêu đề Mê Kông – Dòng sông quá tải