Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông

ThienNhien.Net – Trong hai ngày từ 1 – 2/7, tại Ninh Bình, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã phối hợp với Viện Tăng trưởng Xanh toàn cầu của Hàn Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế về “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại lưu vực sông Mê Kông: Từ khái niệm đến thực tiễn”.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của khoảng 80 đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực lưu vực sông Mê Kông và một số nước khác trên thế giới.

Hội thảo nhằm mục tiêu xác định mối liên hệ giữa tăng trưởng xanh và quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới tại lưu vực sông Mê Kông; đánh giá vai trò của tài nguyên nước đối với phát triển kinh tế xã hội và xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh; tăng cường kiến thức và trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia về tăng trưởng xanh.

Nhà thuyền của người dân sống trên dòng Mê Kông (Ảnh: ThienNhien.Net)
Nhà thuyền của người dân sống trên dòng Mê Kông (Ảnh: ThienNhien.Net)

Theo các chuyên gia đến từ các nước, là khu vực chung của một số quốc gia nằm ở ven sông, lưu vực sông Mê Kông là cơ sở cho tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Hiện nay, ngoài vấn đề sử dụng quá mức nguồn tài nguyên cho tăng trưởng kinh tế thì lưu vực sông Mê Kông đang ảnh hưởng từ lũ lụt, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn. Những ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển của con người cũng như những tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa, tăng trưởng dân số gây ra áp lực đối với việc phát triển kinh tế cũng như quản lý tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới, đã đề ra yêu cầu cấp thiết về hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, tài nguyên nước đang gặp nhiều thách thức do nhu cầu tăng, sự khai thác quá mức dẫn đến ô nhiễm. Đến năm 2030, một nửa dân số thế giới sẽ phải đối mặt với áp lực về nguồn nước cao cũng như các vấn đề hậu quả liên quan đến năng lượng và lương thực và khu vực lưu vực sông Mê Kông không phải là ngoại lệ.

Theo Tiến sỹ Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, việc quản lý tổng hợp và sử dung hiệu quả nguồn tài nguyên nước khan hiếm ở sông Mê Kông là một vấn đề đóng vai trò cấp bách và quan trọng hiện nay. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam (hạ lưu sông Mê Kông) có vai trò như vựa lúa của châu Á. Tuy nhiên, khu vực này đang gặp phải nhiều tác động của biến đổi khí hậu và sự phát triển nhanh chóng để sản xuất điện trong lưu vực. “Vì thế, chúng ta cần có cách tiếp cận đa ngành để đưa ra được các giải pháp, phải thay đổi cách thức phát triển nền kinh tế từ cách tư duy cũ như sử dụng quá nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên sang sản xuất xanh, nền kinh tế xanh và lối sống xanh hơn”, Tiến sỹ Lê Đức Trung cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông cũng cho rằng, tăng trưởng xanh là cách tiếp cận để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc đối với các khía cạnh về kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Đó chính là lý do tại sao nhiều quốc gia ở lưu vực sông Mê Kông đã áp dụng tăng trưởng xanh trong chính sách của họ. Thực hiện tăng trưởng xanh sẽ thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới, từ đó củng cố việc quản lý hiệu quả tài nguyên nước trong khu vực lưu vực.