Mất sinh kế vì đập thủy điện

Hàng loạt đập thủy điện từ thượng nguồn được xây dựng khiến sản lượng đánh bắt thủy sản ở khu vực sông Mê Kông giảm mạnh, nhiều động – thực vật đặc trưng của địa phương dần biến mất…

Đó là chia sẻ của đại diện nhóm cộng đồng các nước trong hạ lưu vực sông Mê Kông tại diễn đàn “Lưu vực Mê Kông trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động” do Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR), Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Liên minh Cứu sông Mê Kông và Diễn đàn Môi trường Mê Kông (MEF) đồng tổ chức vào ngày 20-3 tại TP Cần Thơ.

Người nghèo bị ảnh hưởng

Ông SomKiat Khunsangsa, đến từ tỉnh Chiang Rai – Thái Lan, cho biết: “Từ khi các đập thủy điện xây ở thượng nguồn, các loài thực vật dọc theo sông dần biến mất. Phía Bắc Thái Lan từng có khoảng 200 loài cá thì nay chỉ còn khoảng 60 loài phát triển được. Số tàu cá cũng giảm từ 1.000 tàu đánh bắt còn khoảng 300 tàu do lượng cá ít đi”.

Những năm gần đây, vào mùa nước nổi ở ĐBSCL, sản lượng cá đã sụt giảm Ảnh: THỐT NỐT

Biển Hồ là hồ lớn nhất Campuchia và gắn kết chặt chẽ với sông Mê Kông. Nơi đây, nguồn cá dồi dào nên từ lâu là nguồn nuôi sống cư dân bản địa. “Từ khi có những đập thủy điện như Xayabury, Dong Sahong, một số giống loài đã biến mất ở hệ sinh thái của Biển Hồ. Vào mùa hạ là mùa đánh bắt cá làm mắm nhưng ngày nay không còn nữa vì loài cá làm mắm đã biến mất. Một số loài cá khác có sản lượng thấp hơn rất nhiều” – ông Long Sochet, ngư dân Campuchia sống tại Biển Hồ, nói.

Theo ngư dân này, nguồn nước tại Biển Hồ thường cạn kiệt, gây khó khăn cho tưới tiêu và đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, lượng phù sa từ sông hằng năm về rất thấp làm đất thiếu dinh dưỡng. Vì vậy, nông dân nơi đây dùng phân hóa học bón, gây ô nhiễm môi trường.

“Người dân rất lo lắng việc xây dựng các đập trên sông Mê Kông thì Biển Hồ sẽ không còn. Có khoảng 2 triệu người sống dựa vào nguồn tài nguyên của hồ này. Làng tôi có 40 hộ, nếu mất Biển Hồ thì không biết đi đâu” – ông Long Sochet than thở.

Theo bà Sem Vorn, một trưởng làng sống tại tỉnh Kratie – Campuchia, những hộ dân trong làng của bà ngoài việc làm ruộng còn đánh bắt cá trên sông Mê Kông để có cái ăn và bán kiếm thêm thu nhập. Nhưng hiện nguồn cá này đã giảm 50% nên họ phải đi khu vực khác tìm kiếm việc làm.

Ông Nguyễn Thanh Hải (ngụ xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) phản ánh: “Tiền Giang trước kia có nước ngọt quanh năm, gần đây mặn xâm nhập liên tục, kênh mương sạt lở, mất diện tích trồng trọt. Do nước mặn thường xâm nhập nên khó trồng cây ăn trái. Vĩnh Kim có đặc sản vú sữa nổi tiếng thì hiện đã chết 80% diện tích; thay thế cây khác lại trồng không tốt, mất năng suất”.

Tương lai bấp bênh

Bà Maureen Harris (Tổ chức IR) cho biết ngoài 7 công trình đập thủy điện trên dòng chính đã hoàn thành ở phía thượng nguồn của Trung Quốc; 11 con đập đã và đang xây dựng ở hạ lưu sông Mê Kông tại Lào và Campuchia được đánh giá sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với nguồn phù sa, thủy sản, chất lượng nước, đa dạng sinh học… Trong tương lai, cộng với biến đổi khí hậu thì hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở ở ĐBSCL… có thể tăng.

Trong nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông, theo kịch bản năm 2040, lượng phù sa về ĐBSCL giảm đến 96%. Gần dòng chính sông Mê Kông, nơi lượng phù sa bồi lắng lớn nhất, năng suất cây trồng giảm từ 0,6 đến 1 tấn/ha.

“Các dự án thủy điện sẽ làm gia tăng xói lở bờ sông, đặc biệt ở vùng ĐBSCL và dọc theo sông Mê Kông từ Vientiane – Lào đến Stung Treng – Campuchia. Các dự án phát triển thủy điện làm ngưỡng đói nghèo gia tăng. Sản lượng đánh bắt cá ở hành lang sông Mê Kông sẽ giảm khoảng 1,57 tỉ USD” – TS Naruepon Sukumasvin, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế, thông tin.

Hạ du sông Mê Kông đang đối mặt với những rủi ro chưa từng có do đập thủy điện và biến đổi khí hậu. TS Naruepon Sukumasvin cho rằng các quốc gia trong lưu vực phải cùng chia sẻ tài nguyên nước sông Mê Kông, có tính liên kết vùng chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Điều cần làm là các quốc gia cần hợp tác xây dựng kế hoạch phát triển chung vì lợi ích của tất cả các quốc gia ven sông.

Nguồn: