Trả nợ rừng Chạm Chu (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Nếu chỉ nhìn vào số vụ vi phạm lâm luật không hề thuyên giảm ở rừng đặc dụng Chạm Chu, không ai nghĩ rằng tình trạng phá rừng ở đây một ngày nào đó sẽ chấm dứt. Lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương mặc sức truy quét nhưng cũng chỉ như ném đá ao bèo. Mặc dù vậy, cũng có những thay đổi đến bất ngờ, nhen lên niềm hy vọng.

Xã “lâm tặc” trả nợ rừng

Câu chuyện đến khó tin xảy ra ở chính Yên Thuận, từng được coi là cái nôi sản sịnh ra những lâm tặc khét tiếng. Nay Yên Thuận đã hoàn toàn đổi khác và trở thành ngọn cờ tiên phong trồng rừng và bảo vệ rừng ở Chạm Chu.

“Xã Yên Thuận có 15 thôn, trong đó có 8 thôn chưa có điện, tỉ lệ hộ nghèo trên 66%, trong đó 3 thôn nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng thuộc KBT Chạm Chu. Từ năm 1999 đến nay, xã được thụ hưởng từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ. Một phần nhờ nguồn vốn này, nhiều mô hình đã thu được kết quả tích cực, đặc biệt là trong công tác bảo vệ phát triển rừng”, ông Nông Hải Quân – Bí thư Đảng ủy xã Yên Thuận cho biết”.  

Yên Thuận có ba thôn Khau Làng, Cao Đường và Hao Bó nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Chạm Chu. Dân cư đều là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống lâu đời dựa vào rừng từ trước khi có Khu bảo tồn. Trong những năm qua, dân số ba thôn ngày càng đông trong khi phương thức canh tác lạc hậu, chủ yếu vẫn dựa vào du canh khiến sự phụ thuộc vào rừng ngày càng nhiều hơn, tốc độ khai thác rừng diễn ra ngày càng nhanh hơn.

Đối với những người dân quen sống nhờ rừng, việc đóng cửa rừng, thành lập khu bảo tồn nếu không có những hỗ trợ kịp thời chẳng khác nào dồn họ vào con đường cùng. Bên cạnh những chương trình hỗ trợ xã nghèo từ nguồn vốn ngân sách, Yên Thuận đã nhận được sự quan tâm của Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Chạm Chu ngay từ những ngày đầu Hạt thành lập.

Ông Trần Văn Xuân – Hạt trưởng hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Chạm Chu kể lại: “Một trong những khó khăn vất vả nhất đối với chúng tôi trong thời gian đầu là vận động người dân thay đổi tập quán du canh, đốt rừng làm nương rẫy. Đoàn công tác đến từng nhà giải thích, thuyết phục, vậy mà vẫn có bà con nghĩ là mình đến tước đi cái ăn của họ”.

Bí thư xã Yên Thuận Nông Hải Quân cũng bồi hồi nhớ lại: “Khi có chủ trưởng của tỉnh, chính quyền xã và cán bộ kiểm lâm đến tận từng nhà để vận động bà con từ bỏ phá rừng và cùng kiểm lâm giữ rừng. Năm lần bảy lượt cũng không ăn thua, cho tới khi các trưởng thôn gương mẫu, đứng ra thành lập các tổ bảo vệ rừng của thôn người dân mới cùng tham gia.

Hồi đó, hai ông Nguyễn Việt Phương, nguyên là  Hạt trưởng hạt Kiểm Lâm rừng đặc dụng Chạm Chu và Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Phù Lưu – Lý Tiến Chi đã phải đích thân đến gặp gỡ từng trưởng bản để thuyết phục họ hiểu và vận động bà con. Anh em kiểm lâm Chạm Chu ngoài những chuyến tuần rừng không ngại ngần sắn tay áo giúp dân trồng cây ăn quả, trồng bắp, hướng dẫn cách chăn nuôi lợn, đào ao thả cá.

Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con cũng hiểu và tích cực tham gia. Nhiều thanh niên, trai bản bị kẻ xấu xúi giục từng xẻ gỗ thuê sau cũng tự nguyện gác cưa, một số được nhận vào tổ tuần rừng của thôn. Trưởng thôn Khau Làng Đặng Văn Si từng là tay xẻ gỗ nổi tiếng đã tự giác bỏ nghề.

Nay kể lại thì ngắn gọn như vậy, nhưng đó là một khoảng thời gian dài thử thách lòng kiên trì và đấu tranh tư tưởng của con người. Anh Si chia sẻ: “Để bà con từ bỏ nghề này không dễ vì nó nuôi sống gia đình họ hàng ngày”. Hậu quả khủng khiếp của những trận lũ quét có lẽ cũng khiến những người dân nghèo hiểu hơn về giá trị của rừng.

Những khu rừng trồng ở xã Yên Thuận đang xanh lại, phủ xanh đất trống đồi trọc

Sau gần 3 năm vận động, đến nay ở Chạm Chu đã có tỉ lệ hộ gia đình ký cam kết với thôn đạt trên 90%. Công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cũng đã hoàn thành điều tra ngoại nghiệp, đang xây dựng phương án thực hiện và hướng dẫn các hộ làm đơn đề nghị được giao rừng.

Trưởng thôn của cả ba thôn Hao Bó, Cao Đường và Khau Làng trong vùng lõi Khu bảo tồn đều đại diện cho cộng đồng đứng ra nhận khoán bảo vệ rừng. Rừng đặc dụng và rừng sản xuất bước đầu được trồng lại, mặc dù  mức thù lao hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng còn thấp.

Thôn Khau Làng có 51 hộ, 276 nhân khẩu thì gần như toàn bộ các hộ gia đình tham gia, đã ký nhận bảo vệ gần một nghìn héc-ta rừng. “Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã biết được giá trị của rừng thì nay chúng tôi sẽ quyết tâm giữ. Chỉ mong Nhà Nước có chính sách quan tâm hơn nữa tới đời sống bà con”, anh Triệu Văn Ân, một người dân thôn Khau Làng, thật thà tâm sự.

Mười năm sau khi thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Chạm Chu, áp lực lên rừng vẫn rất lớn. Gánh nặng trách nhiệm vẫn đè lên vai những người kiểm lâm đi kèm với những mối nguy hiểm rình rập ngày đêm. Nhưng ít nhất, họ đã tìm được một con đường để người dân cùng đồng hành với mình, để họ không cô đơn trong cuộc chiến bảo vệ rừng.

Trước khi chia tay với chúng tôi, ông Vũ Đình Tải – Chi cục phó chi cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang vẫn còn trăn trở: “Bảo vệ rừng nên gắn với một dịch vụ nào đó mang lại lợi ích cho dân, có như vậy mới phát huy được sự góp sức của cộng đồng. Nếu mình cứ hô hào dân tham gia bảo vệ rừng nhưng người dân không được hưởng lợi ích gì thì làm sao họ làm tốt được.”