Bài 1: Bức xúc điểm khai thác mỏ

Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy vậy, ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản đã và đang là vấn đề nóng bỏng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân tại hầu hết các địa bàn có mỏ…

Đường vào mỏ bị băm nát

Với 215 điểm mỏ, 28 loại khoáng sản, trong đó có 4 loại khoáng sản có trữ lượng lớn là quặng sắt, chì kẽm, mangan và antimon… những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng đã mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho tỉnh Hà Giang. Song, hệ lụy từ hoạt động khai thác khoáng sản cũng tác động không nhỏ tới môi trường.

Từ TP Hà Giang đi điểm mỏ khai thác quặng sắt Sàng Thần (xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê) chưa đầy trăm cây số, nhưng để đến tới điểm mỏ này phải mất hơn nửa ngày. Nguyên nhân là do tuyến đường huyết mạch nối từ Km 31 huyện Bắc Mê – xã Minh Sơn (dài 16km) vào mỏ gần như đã bị hư hỏng hoàn toàn dẫn đến khó khăn trong việc đi lại…

Anh Trương Văn Khương – một trong những người dân thôn Khuổi Kẹn, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê kể về nỗi khổ của người dân trong vùng khai thác mỏ: Trước đây, con đường từ quốc lộ vào xã Minh Sơn rất đẹp, được trải nhựa phẳng lì, người dân đi lại rất thuận tiện. Nhưng từ gần chục năm nay, kể từ khi mỏ sắt đi vào hoạt động (năm 2010), cuộc sống sinh hoạt mọi hoạt động sản xuất của người dân trong xã bị ảnh hưởng bởi sự quần thảo liên tục của hàng trăm lượt xe trọng tải lớn chở đất quặng từ mỏ tới điểm tuyển quặng. Các xe này hoạt động từ 5 giờ sáng tới 9 – 10 giờ đêm, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh bởi tiếng ồn, đường dân sinh bị phá nát, ngày nắng thì bụi bay mù mịt, ngày mưa thì bùn bẩn bắn vào nhà…

Trưởng thôn Khuổi Kẹn, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê Triệu Văn Mà cũng cho biết: Do nằm trong khu vực ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty An Thông nên từ khi mỏ đi vào hoạt động, xe chuyên chở quặng chạy nhiều làm hỏng đường, xuất hiện nhiều ổ gà. Hàng ngày, hàng trăm chuyến xe tải chở quặng và sản phẩm quặng đi lại trên trục đường chính từ thôn Lũng Vầy qua trung tâm xã Minh Sơn về Khu công nghiệp Bình Vàng thuộc huyện Vị Xuyên. Tiếng ồn và bụi ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Khi trời mưa thì đường lầy lội, vào mùa mưa nước suối bẩn đục do khai thác khoáng sản vùng đầu nguồn, nước lũ mang theo bùn đất, tràn vào đồng ruộng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Khi trời nắng, đường đỏ bụi. Để giảm lượng bụi, thôn đã tiến hành tưới nước 3 lần/ngày, còn nếu nắng gắt hơn phải tiến hành tưới đến 5 lần, nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện là bao…

Đường vào xã Minh Sơn bị băm nát do các xe chở đất quặng từ nhà máy sàng tuyển quặng Minh Sơn về Khu công nghiệp Bình Vàng…

Môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo số liệu khảo sát thực tế của Liên hiệp hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Hà Giang, diện tích rừng phòng hộ của xã Minh Sơn giảm đi đáng kể do phải chuyển đổi mục đích sử dụng 30,30ha sang đất khai thác khoáng sản.

Số liệu khảo sát thực tế của Liên hiệp Hội khoa học – Kỹ thuật tỉnh Hà Giang cho thấy, quá trình khai thác khoáng sản tại điểm mỏ khai thác sắt Sàng Thần đã tác động đến địa hình, đất đai, hệ sinh thái khu vực. Cụ thể, đã tác động mạnh đến môi trường sống bởi khí thải, bụi, nước thải, chất thải, mà không thể kiểm soát và xử lý triệt để. Ngoài ra, khai thác khoáng sản vùng đầu nguồn đã làm mất đi lớp thảm thực vật, làm cho nước mưa cuốn trôi bùn đất, xỉ quặng tràn vào đồng ruộng, làm đất canh tác bị vùi lấp và thoái hóa, gây ra sự thay đổi dòng chảy bề mặt và cũng là tác nhân gây ra xói lở đất, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, phá hủy kết cấu hạ tầng giao thông.

Mùa mưa, nước rửa trôi từ mỏ lộ thiên, bãi thải quặng đuôi, bãi đất đá bóc có chứa nhiều chất rắn lơ lửng và kim loại nặng, cùng với nước mưa rửa trôi bùn đất, xỉ quặng từ khu xưởng luyện đã tác động mạnh đến nguồn nước của các con suối lân cận, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khiến cạn kiệt, giảm chất lượng nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương xung quanh khu vực khai thác và chế biến khoáng sản. Ông Vàng Văn Kén ở thôn Khuổi Kẹn dẫn chứng: Nếu như trước đây, người dân chỉ cần đi đánh bắt kho ảng 1 giờ là có đủ thức ăn cho gia đình (4 người) thì hiện nay không thể đánh bắt được nữa. Tưởng rằng khai thác khoáng sản, xã sẽ giàu, đời sống bà con sẽ sung túc hơn, nhưng ngược lại từ khi các đơn vị vào hoạt động gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, rừng mất, suối Lũng Vầy – nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân 5 thôn trong xã đã mấy năm nay bị ô nhiễm nặng nề. Không chỉ ảnh hưởng về nguồn nước, người dân còn bị tra tấn bởi tiếng ồn vì nhiều hôm đến đêm khuya, xe vẫn chạy ầm ầm khiến những người già như chúng tôi rất khó ngủ.

Tương tự tại thôn Pắc Luy, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, người dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất do toàn bộ nguồn nước sông suối ở khu vực này bị ô nhiễm nặng. Trưởng thôn Pắc Luy Nguyễn Đình Vinh cho biết, người dân ở đây sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nhưng từ khi mỏ khai thác quặng đi vào hoạt động gần như các khe suối, nước không thể sử dụng được nữa. Không biết trong nước có bị nhiễm quặng không, nhưng từ hơn 4 năm nay, người dân khu vực này đã không thể trồng lúa, ngô. Do chưa có khảo sát cũng như kiểm tra chất lượng nguồn nước, nhưng cây cối bị chết nên người dân phải đi tìm nguồn nước khác, tự bỏ tiền ra để làm bể, dẫn ống nước về để dùng. Tại hầu hết các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh thực trạng, kiến nghị với chính quyền các cấp để có hướng tháo gỡ, nhưng vẫn chưa được giải quyết.