Cái giá quá lớn cho một dự án “lỗi”

ThienNhien.Net – Được quảng bá và cổ súy bằng nhiều mục tiêu lớn lao nhưng chỉ sau hơn một năm tích nước, dự án thủy điện lớn nhất miền Trung mang tên Sông Tranh 2 lộ nguyên hình là một dự án “lỗi”.

Khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (Ảnh: ThienNhien.Net)

Lạ là một dự án đồ sộ như Sông Tranh 2 nhưng mọi thông tin liên quan đến chi tiết dự án có thể tìm thấy trên các mặt báo hay trang tin lại khá khiêm tốn, nhất là những thông tin liên quan đến câu chuyện đánh giá tác động môi trường từ trước khi triển khai dự án. Sơ suất này khiến không ít người thắc mắc và hoài nghi, liệu những sự cố nghiêm trọng – mà ở đây tạm gọi là “lỗi” – đã và đang diễn ra tại Sông Tranh 2 có nằm trong sự tiên đoán và dự liệu của bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, và nếu có thì biện pháp khắc phục tới đâu, thời gian bao lâu?

Thêm một điểm đáng lưu ý xung quanh câu chuyện thủy điện vốn gây nhiều tranh cãi này là nếu xét Sông Tranh 2 dưới góc độ một bài toán kinh tế thì có thể dễ nhận thấy, cái giá mà xã hội, cụ thể ở đây là người dân Quảng Nam phải trả cho dự án là quá đắt, cái giá ấy không chỉ được tính bằng những con số thể hiện giá trị vật chất mà nó còn bao gồm cả những thiệt hại về mặt tinh thần khó có thể cân đo.

Loại trừ khoản kinh phí khổng lồ mà chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rót cho Sông Tranh 2 thì cái “giá” của dự án còn phải kể tới hàng loạt các chi phí phát sinh khác như chi phí thanh tra, khảo sát, hội họp, di chuyển, diễn tập; chi phí khắc phục, sửa chữa sự cố; chi phí do mất các cơ hội đầu tư vào địa phương; và bao gồm cả một loại chi phí đặc biệt – chi phí cho sự căng thẳng của người dân Quảng Nam trong suốt quá trình xảy ra hiện tượng động đất và rò rỉ thân đập. Việc người dân ban ngày không dám lên rẫy, ban đêm lo sợ phập phồng là minh chứng cho điều này, và chi phí này thì khó có thể đo đếm.

Sẽ còn rất nhiều các loại chi phí phát sinh khác nếu Sông Tranh 2 không sớm tìm được một phương án đảm bảo sự an toàn. Mà muốn như vậy thì bên cạnh nỗ lực của lãnh đạo địa phương và các nhà khoa học, còn cần lắm trách nhiệm, vai trò của chủ đầu tư cũng như sự chung tay giải quyết, xử lý của các cơ quan nhà nước chuyên ngành – đúng như lời GS.TS. Vũ Trọng Hồng từng nhấn mạnh trong một bài báo gần đây – “Nhà nước nên đứng ra xử lý, không thể giao tính mạng người dân cho chủ đầu tư”.

Sông Tranh 2 là dự án trị giá nhiều nghìn tỷ đồng, được xây dựng tại hai xã Trà Đốc, Trà Tân thuộc huyện miền núi Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam trong thời gian 3 năm (2006 – 2009). Đầu năm 2011, dự án bắt đầu công cuộc tích nước nhưng chỉ vài tháng sau, quanh khu vực đập xảy ra hàng loạt các đợt rung chấn liên tiếp với cường độ ngày càng mạnh và khó lường.

Đầu năm 2012, công trình tiếp tục gây hoang mang dư luận với sự cố rò rỉ đập, và sau nhiều tháng khắc phục bằng các biện pháp khá thô sơ, công trình mới tạm xử lý được vấn đề. Dù vậy, người dân Quảng Nam vẫn chưa thể yên tâm bởi trong thân đập, hiện tượng nước rỉ vẫn chưa được xử lý triệt để, trong khi đó hiện tượng rung chấn động đất ngày càng xảy ra với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp.